"Tham vọng của Trung Quốc không chỉ dừng ở Biển Đông"

ANTĐ - Vừa qua, Mỹ đưa tàu khu trục tên lửa USS Lassen vào trong khu vực 12 hải lý quanh đảo nhân tạo mà Trung Quốc cải tạo trái phép trên vùng biển thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Phóng viên Báo ANTĐ đã có cuộc trao đổi với PGS-TS, Thiếu tướng Lê Văn Cương - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược (Bộ Công an) xung quanh sự kiện này.

"Tham vọng của Trung Quốc không chỉ dừng ở Biển Đông" ảnh 1Tàu khu trục tên lửa USS Lassen của Hải quân Mỹ

- PV: Dưới góc nhìn của một nhà chiến lược, Thiếu tướng nhìn nhận thế nào về sự kiện Mỹ đưa tàu chiến vào vùng 12 hải lý quanh đảo nhân tạo mà Trung Quốc bồi đắp trái phép trên Biển Đông?

"Tham vọng của Trung Quốc không chỉ dừng ở Biển Đông" ảnh 2

- PGS-TS, Thiếu tướng Lê Văn Cương: Có thể nói đây là sự kiện bất ngờ,  tạo nên làn sóng dư luận không chỉ ở khu vực mà trên toàn thế giới. Suốt hai ngày qua, toàn bộ hệ thống truyền thông thế giới đổ dồn vào Biển Đông, theo sát từng hoạt động của tàu chiến Mỹ. Thậm chí trên phương diện nào đó, nhiều người còn nín thở theo dõi bởi trước đây, Mỹ nhiều lần tuyên bố sẽ đưa tàu chiến vào Biển Đông và Trung Quốc cũng đã phản đối rất gay gắt bằng tuyên bố “Mỹ sẽ phải hứng chịu hậu quả”.


- Vậy tại sao Mỹ lại quyết định hành động như vậy, thưa Thiếu tướng? 

- Dưới góc nhìn của tôi, có 4 lý do: Thứ nhất, về nguyên nhân sâu xa từ khi Trung Quốc kéo giàn khoan HD981 vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam hồi giữa năm 2014, chính quyền Tổng thống Obama nhận thấy Trung Quốc không phải trỗi dậy hòa bình như họ nói mà Trung Quốc là quốc gia duy nhất trên thế giới muốn thay đổi luật chơi, áp đặt trật tự mới trên Biển Đông theo cách của Trung Quốc, thách thức vai trò của Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương nói riêng và thế giới nói chung. Mỹ không chấp nhận điều này.

 Thứ hai, khi đề cập tới vấn đề ở Biển Đông, chính quyền Mỹ và đích thân Tổng thống Obama đã tuyên bố công khai với thế giới rằng: Tàu chiến và máy bay Mỹ có thể đi đến bất cứ nơi nào mà luật pháp quốc tế không cấm. Và nếu không thực hiện việc này, Mỹ sẽ mất uy tín với đồng minh và cộng đồng thế giới. 

Thứ ba, nước Mỹ đang chuẩn bị cho bầu cử Quốc hội Mỹ 2016, Thượng viện, Hạ viện do Đảng Cộng hòa chi phối đang tạo sức ép rất lớn cho chính quyền Tổng thống Obama về việc phải có thái độ kiên quyết, cứng rắn với Trung Quốc. 320 triệu người Mỹ cũng bất bình với Trung Quốc, nhất là việc tin tặc Trung Quốc đánh cắp tài liệu mật của họ. Chính áp lực trong nước buộc chính quyền Tổng thống Obama phải làm, nếu không sẽ có thể mất phiếu ở đợt bầu cử Quốc hội 2016 tới. 

Thứ tư, lần này lực lượng quân đội và tình báo Mỹ tỏ thái độ rất kiên quyết với Trung Quốc, buộc chính quyền Tổng thống Obama không thể lờ đi.

- Trước khi Mỹ đưa tàu tuần tra vùng 12 hải lý quanh đảo nhân tạo ở Biển Đông, người phát ngôn Bộ Ngoại giao và Ngoại trưởng Trung Quốc đã nhiều lần cảnh cáo Mỹ rằng quân đội Trung Quốc sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ (!?). Nhưng thực tế sau sự kiện nói trên, phản ứng của Trung Quốc chỉ dừng lại ở những phát biểu phản đối. Vì sao Trung Quốc lại chọn cách phản ứng như vậy?

- Tôi cho đó là quyết định khôn ngoan của chính quyền Trung Quốc. Vì sao? Thứ nhất, hiện nay xét tới cùng, thực lực quân sự của Trung Quốc còn thua xa Mỹ và nếu gây sự với Mỹ thì có thể sẽ là thảm kịch với Trung Quốc.

Ngoài ra, Nhật Bản mới thông qua Luật An ninh quốc gia mới, trong đó nội dung cốt lõi là cho phép Nhật Bản tham gia phòng vệ tập thể, nghĩa là đưa quân đội Nhật Bản ra tham chiến ở ngoài lãnh thổ khi đồng minh bị đối tượng thứ ba đe dọa, xâm chiếm. Mỹ, cộng thêm Nhật Bản thì Trung Quốc gần như 100% thất bại nếu chọn cách sử dụng vũ lực. Vì vậy, Trung Quốc cũng phải “liệu cơm gắp mắm”. 

Thứ hai, quan hệ Trung - Mỹ vẫn là trục chính trong đường lối ngoại giao của Trung Quốc. Trung Quốc cần ổn định mối quan hệ này tối thiểu là đến năm 2022, để vực dậy kinh tế và chính trị trong nước sau cuộc đấu tranh chống tham nhũng và nền kinh tế còn đang “ủ nhiều bệnh”.

Thứ ba, tham vọng của Trung Quốc không chỉ dừng ở Biển Đông mà còn đi xa hơn thế. Họ muốn tạo được sức mạnh để đương đầu với Mỹ, bước lên vũ đài siêu cường thế giới - sự nghiệp lớn hơn nhiều việc đối đầu với Mỹ ở Biển Đông.

Thứ tư, hành động Mỹ đưa tàu chiến vào vùng 12 hải lý ở Trường Sa là phù hợp với luật pháp quốc tế. Nếu Trung Quốc phản ứng thì bộclộ rõ rằng họ chống lại cộng đồng quốc tế.

- Những ngày qua, cộng đồng quốc tế phản ứng nhiều chiều xung quanh sự kiện Mỹ đưa tàu chiến vào tuần tra ở Biển Đông. Ông bình luận thế nào về vấn đề đó?

- Tôi cho là điều dễ hiểu trong bối cảnh chính trị quốc tế phân tán, chia rẽ như hiện nay. Với một sự kiện như vậy, một số nước sẽ ủng hộ, một số nước sẽ phản đối với nhiều cách thức, có thể công khai hoặc không công khai. Song, nói gì thì nói, trật tự quốc tế ổn định do luật pháp quốc tế quy định. Cộng đồng quốc tế sẽ đứng về phía bảo vệ luật pháp quốc tế, tức là gián tiếp ủng hộ hành động của Mỹ.

- Trước một sự kiện quan trọng, liên quan đến an ninh chủ quyền biển đảo, Việt Nam cần tỏ thái độ như thế nào, thưa ông?

- Quan điểm của tôi là cần phải tỏ thái độ và tuyên bố công khai với cộng đồng thế giới rằng: Việt Nam ủng hộ mọi hành động của các quốc gia trong và ngoài khu vực về Biển Đông nếu hành động ấy phù hợp với luật pháp quốc tế và góp phần thúc đẩy xu thế hòa bình ổn định tại khu vực. 

- Xin cảm ơn Thiếu tướng.