Tham vấn xây dựng dự án Luật Người tàn tật

(ANTĐ) - Trong chương trình phối hợp giữa ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội và Đoàn Đại biểu quốc hội thành phố Hà Nội; sáng 18-8, ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội chủ trì phối hợp với Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội đã tổ chức hội nghị tham vấn về dự án “Luật Người tàn tật” tại xã Trung Tú (huyện ứng Hòa, Hà Nội).

Tham vấn xây dựng dự án Luật Người tàn tật

(ANTĐ) - Trong chương trình phối hợp giữa ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội và Đoàn Đại biểu quốc hội thành phố Hà Nội; sáng 18-8, ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội chủ trì phối hợp với Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội đã tổ chức hội nghị tham vấn về dự án “Luật Người tàn tật” tại xã Trung Tú (huyện ứng Hòa, Hà Nội).

Hiện nay, người khuyết tật gặp nhiều khó khăn khi tham gia giao thông
Hiện nay, người khuyết tật gặp nhiều khó khăn khi tham gia giao thông


Tại buổi làm việc, người khuyết tật và nhân dân trong xã Trung Tú phấn khởi khi Quốc hội lấy ý  kiến rộng rãi của nhân dân, một số cán bộ làm công tác bảo trợ xã hội… đối với dự án “Luật Người tàn tật”. Nhiều ý kiến cho rằng, mặc dù chưa có thời gian tìm hiểu kỹ dự án nhưng việc làm này đã thể hiện được chính sách ưu việt của Đảng, Nhà nước đối với người khuyết tật, giúp cho đời sống của nhiều người khuyết tật bớt khó khăn hơn, tự khẳng định được mình.

Người khuyết tật nói chung, trong chính sách cần phân tách ra có các dạng như: người do bẩm sinh, người tham gia cách mạng, bị tai nạn trong lao động sản xuất… không may mắn họ đã trở thành khuyết tật. Vì vậy, khi phân tách ra từng nhóm đối tượng chúng ta sẽ có quy định riêng trên cơ sở những khuyết tật để có chính sách phù hợp.

Về chính sách đối với người khuyết tật, trước đây chúng ta đã có Pháp lệnh người tàn tật từ năm 1998. Một trong những nội dung quan trọng là yêu cầu mỗi doanh nghiệp phải nhận 2-3% người khuyết tật vào làm việc. Nếu không tiếp nhận doanh nghiệp phải nộp một khoản tiền tương ứng vào quỹ… Thực tế chỉ có một vài đơn vị thực hiện, hầu hết các địa phương bỏ qua.

Vấn đề này, một số ý kiến cho rằng, trong dự án “Luật Người tàn tật” cũng cần quy định giống như Pháp lệnh và bổ sung thêm những tổ chức chính trị - xã hội cũng sẽ tiếp nhận người khuyết tật vào làm việc… Theo ông Dư Văn Chiến - Chủ tịch HĐND xã Trung Tú (huyện ứng Hòa), một mặt quy định quyền của người tàn tật thì cũng giống như những công dân khác nhưng mặt khác phải được ưu tiên những trường hợp có hoàn cảnh khó khăn…

Thay mặt Thường trực ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, Phó Chủ nhiệm ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội Lương Phan Cừ cho biết, những ý kiến tại buổi làm việc sẽ được phân tích, thảo luận tiếp… Việc thực hiện tham vấn dự án “Luật Người tàn tật”, lần này đã tạo điều kiện cho người dân tham gia vào quá trình hoạch định chính sách, đó là một trong những giải pháp nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác xây dựng luật.

Hoạt động tham vấn là hoạt động xây dựng chính sách pháp luật hai chiều. Hoạt động này hướng đến đối tượng mà pháp luật sẽ trực tiếp điều chỉnh. Qua đó, giúp cho chính sách pháp luật khi được ban hành sát với cuộc sống, mang lại hiệu quả kinh tế-xã hội cao.

Huệ Chi