"Tham nhũng vặt làm biến chất công chức, thành nét văn hoá xấu xí của người Việt"

ANTD.VN - Bức xúc trước tình trạng tham nhũng vặt gây bức xúc cho người dân, doanh nghiệp suốt thời gian dài vừa qua, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa kiến nghị 4 giải pháp.

Chiều 13-11, thảo luận về các báo cáo phòng chống tội phạm, tham nhũng, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (đoàn Đồng Tháp) cho rằng trong báo cáo được Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trình bày trước Quốc hội, nhiều từ khoá nhạy cảm như lợi ích nhóm. móc ngoặt, bôi trơn, bảo kê, sân sau… đã được đưa vào báo cáo nhiều lần, cho thấy một thái độ thẳng thắn, kiên quyết, không né tránh trong cuộc đấu tranh này. 

Đánh giá báo cáo mới chỉ dành một thời lượng khiêm tốn trong phân tích nguyên nhân, hạn chế, bà Mai Hoa đề nghị cần tập trung làm rõ hơn tại sao lại gia tăng tình trạng “mù” luật, nhờn luật, thách thức và coi thường pháp luật. Và trong công tác phòng chống tội phạm thì đâu là vùng trũng, đâu là điểm nghẽn, đâu là khâu bế tắc cần thảo gỡ.

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa

Về công tác phòng chống tham nhũng, ngoài nhóm tội phạm lợi dụng cơ chế để thu lợi chính sách, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa bày tỏ quan tâm tới tội phạm tham nhũng vặt, bởi theo bà Mai Hoa, đây là loại tội phạm nhũng nhiễu, tiêu cực trong khu vực hành chính, dịch vụ công, gây bức xúc cho người dân, doanh nghiệp trong thời gian dài.

“Nếu như các nhóm tham nhũng, trục lợi chính sách là nguyên nhân làm suy kiệt nền kinh tế thì tham nhũng vặt với số lượng đông đảo cũng có sức gây hại rất lớn đối với sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước, đặt biệt là làm giảm niềm tin của người dân vào bộ máy công quyền”, bà Mai Hoa chỉ ra và cho rằng xử lý loại tội phạm này không dễ bởi nhóm này rất đông, vi phạm diễn ra mọi lúc mọi nơi. 

“Tham nhũng vặt thực sự đã làm tha hoá, biến chất nhiều công chức, lâu dần trở thành một nét văn hoá xấu xí của người Việt”, bà Mai Hoa nhấn mạnh và để cần có sự nghiên cứu, đánh giá một cách tổng thể về nguyên nhân, tác hại cũng như có giải pháp để ngăn chặn loại tội phạm này.

Góp ý để xử lý tình trạng tham nhũng vặt, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa đề xuất 4 giải pháp.

Thứ nhất, cần tuyên truyền, vận động để thay đổi tư duy của mỗi người Việt, không coi những biểu hiện của tham nhũng vặt như lót tay, chung chi, bơi trơn… là một phần tất yếu trong giao dịch với lực lượng chấp pháp và kiên quyết nói không với việc tiếp tay cho tham nhũng.

Thứ hai, công phá tư tưởng lợi ích nhóm, có quy định cụ thể để nhận diện và xử lý tội phạm tham nhũng vặt trong bộ máy công quyền, đồng thời đẩy nhanh caỉ cách hành chính, hạn chế tiếp xúc giữa người dân với lực lượng thi hành công vụ.

Thứ ba, đẩy nhanh cải cách tiền lương gắn với tăng cường trách nhiệm công vụ của công chức, minh bạch việc kê khai tài sản của cán bộ. 

Thứ tư, tăng cường công khai minh bạch trong công tác cán bộ, thắt chặt công tác tuyển dụng, quản lý, bổ nhiệm, đề bạt cán bộ; bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của công dân với công tác cán bộ.

"Theo tôi nên chuyển dần sang hình thức thi tuyển các chức danh, bổ nhiệm theo nhiệm kỳ và chú trọng rèn luyện đạo đức công vụ để mỗi cán bộ xứng đáng là công bộc của nhân dân", bà Mai Hoa nói.

Theo lịch làm việc, từ ngày 13-11 tới hết buổi sáng ngày 14-11, Quốc hội sẽ thảo luận về các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2018.