Teen và những cuộc đua nhan sắc

(ANTĐ) - Bây giờ chuyện phấn đấu thành “hot girl”, “hot boy” không còn là mục tiêu cao nhất của thế hệ mới lớn. Những danh hiệu và giải thưởng trong các cuộc thi nhan sắc dành cho teen mới là đích. Đối với  những “teen girl”, “teen boy” những cuộc thi đó được kỳ vọng là một “bàn đạp” để họ “bay” lên, vươn tới ước mơ thành “sao”... Và những cuộc thi “hoa hậu tuổi teen” thì ngày càng nhiều.

Teen và những cuộc đua nhan sắc

(ANTĐ) - Bây giờ chuyện phấn đấu thành “hot girl”, “hot boy” không còn là mục tiêu cao nhất của thế hệ mới lớn. Những danh hiệu và giải thưởng trong các cuộc thi nhan sắc dành cho teen mới là đích. Đối với  những “teen girl”, “teen boy” những cuộc thi đó được kỳ vọng là một “bàn đạp” để họ “bay” lên, vươn tới ước mơ thành “sao”... Và những cuộc thi “hoa hậu tuổi teen” thì ngày càng nhiều.

Những cuộc thi nhan sắc tuổi mới lớn

Các cuộc thi dành cho các cô gái mới lớn này có vẻ “trọng nhan sắc”. Mở đầu là cuộc thi Miss Audition, rồi “nâng cấp” thành thi Miss Teen, ngoài ra còn có Sứ giả học đường - Mr&Ms Teen 2009, Hot Vteen, Bộ đôi năng động Oxy & Acnes... Những cô gái, chàng trai 16 đến 19 tuổi hăm hở “vào cuộc”, và họ cũng có những cách phấn đấu khác nhau, hoàn thiện mình khác nhau trên chặng đua trở thành “Ms Teen” và cả “Mr Teen” nữa. Những cuộc thi “hoa hậu tuổi teen” được tổ chức khá quy mô, với những vòng tuyển chọn dài ngày trên phạm vi cả nước, rồi gặp gỡ gương mặt từng giành giải năm trước, rồi chia thành các vòng chung khảo theo miền. Nội dung các cuộc thi cũng hướng tới: thi hình thể, kiến thức, năng khiếu... Và tất nhiên là ban giám khảo của mỗi cuộc thi đều hội tụ những gương mặt nổi bật, đã thành danh trong các lĩnh vực văn hóa nghệ thuật.

Trên thực tế, một số gương mặt sau khi giành danh hiệu tại các cuộc thi nhan sắc tuổi teen đã gặt hái một số thành công trong những bước đường đầu tiên đến với hoạt động nghệ thuật. Như ca sĩ Bảo Thy, diễn viên Quỳnh Nga đều có xuất phát điểm là cuộc thi Miss Audition. Ngoài ra còn có các gương mặt nổi bật khác, dù không giành “ngôi vị” cao nhất nhưng cũng có cơ hội để được biết đến nhiều hơn, có nhiều lời mời làm người mẫu quảng cáo, làm MC, ca sĩ... như Huyền baby, Vân Navy, Emily... Chính bởi những “gặt hái” của người đi trước mà các “thế hệ đàn em” lại càng hào hứng, thậm chí quyết liệt hơn trong những cuộc đua nhan sắc dành cho lứa tuổi của mình.

Hào quang ảo

Nhiều cô gái và cả những chàng trai đặt kỳ vọng “một bước lên hương” vào “bất kỳ danh hiệu nào trong cuộc thi dành cho teen”. Đối với họ, đó có thể coi là một cuộc “lên đời”, là “bước đệm” cho sự nổi tiếng, là “khởi đầu” cho con đường lập nghiệp... Không bàn tới chuyện nhiều người đã phải chấp nhận thất bại. Chỉ nói về “hậu giải thưởng” cũng đã lắm chuyện mà những người lớn ngoài cuộc cảm thấy lo ngại. Không ít bạn trẻ dù “thừa bản lĩnh ăn chơi” nhưng lại thiếu “bản lĩnh sàng lọc điều hay - dở” nên gặp nhiều vấp váp hơn sau khi khoác lên mình một ngôi vị.

Có bạn trẻ rơi vào tình trạng ngộ nhận về bản thân mình. Họ tưởng rằng giải thưởng, ngôi vị mà mình giành được cũng tương đương như những cuộc đua nhan sắc dành cho lứa tuổi trưởng thành. Trong khi đó, những ban tổ chức các cuộc thi này chỉ chủ trương trao giải với giá trị khích lệ mà thôi. Bên cạnh đó, sau khi giành giải họ được giới truyền thông “chăm sóc” đặc biệt, lập tức họ “vấp” vào cảm giác mình được tung hô, mình có quá nhiều cơ hội cũng như năng lực để trở nên nổi tiếng. Kéo theo đó là sự chủ quan, họ có những lựa chọn sai lầm cho con đường lập nghiệp của mình. Có không ít người tự tin quá đà mà đầu tư cả thời gian, công sức, lẫn tiền bạc để bước vào chinh phục giới showbiz nước nhà mà không hề nhận thức được rằng năng khiếu của mình bị hạn chế.

Cũng có những người mải mê với vòng hào quang ảo, cuống quýt muốn nuôi giữ nó, duy trì vị thế “hot girl”, “hot boy” của mình bằng nhiều cách tự đánh bóng bản thân. Những tuyên ngôn gây sốc, ảnh gây sốc, mối quan hệ gây sốc... trở thành trò nực cười mà họ là tác giả kiêm tác phẩm.

Và sự không rõ ràng của những “BTC”

Theo một số nhà quản lý văn hóa, riêng cái chữ “Miss” được gắn với chữ Teen đã nhiều điều đáng nói. Bởi quy chế tổ chức thi hoa hậu, người đẹp trong nước đã quy định độ tuổi của thí sinh phải từ 18 trở lên. Những cuộc thi như Sứ giả học đường hay Ngôi sao tuổi teen đều dành cho lứa tuổi học đường - tức là dưới 18 tuổi. Có nhà quản lý còn thở phào mà rằng: “May mà thi sắc đẹp tuổi teen có các phần thi trang phục dạ hội, áo dài, năng khiếu, lại làm cả từ thiện, hoạt động nhóm, trình diễn thời trang... nhưng còn trang phục bikini là chưa thấy...”.

Có nhiều teen girls còn đặt câu hỏi: “Thi Miss teen có cấm phẫu thuật thẩm mỹ không? Tụi em thấy có bạn đã làm ngực rồi”. Đây thực sự là vấn đề khiến ban giám khảo, phụ huynh và dư luận xã hội thấy hơi giật mình. Có người còn lo ngại nếu có teen girl phẫu thuật thẩm mỹ nào vô tình đoạt giải, BTC, BGK không biết thì rồi dễ dẫn đến tình trạng dấy lên một phong trào đi phẫu thuật thẩm mỹ ở giới trẻ mới lớn.

Một số vị phụ huynh cũng băn khoăn không biết với số tiền giải thưởng lớn hơn 100 triệu đồng, BTC có định hướng cho các bạn trẻ giành giải sử dụng với những công việc gì, có khuyến khích học tập hay đầu tư vào lĩnh vực chuyên môn nào... Còn BTC thì lại chủ trương giành quyền tư vấn cách sử dụng tiền thưởng đó cho các vị phụ huynh và người thân trong gia đình. Điều này có vẻ không thuận chiều với tiêu chí của những cuộc thi này đã đưa ra là hướng đến hoàn thiện nhân cách cho các thí sinh, với những chuẩn mực của chân - thiện - mỹ... Dư luận xã hội còn đặt ra giả thiết rằng nếu những Mr, Miss Teen này vấp phải scandal sau khi giành giải thì BTC các cuộc thi này có trách nhiệm nào bảo vệ hình ảnh của những sứ giả, những ngôi sao mà mình đã “đẩy” lên?

Liệu những danh hiệu Sứ giả, Ngôi sao... có giúp những teen giành giải hay không giành giải trong cuộc thi hoàn thiện mình hơn? Hay rồi những người lớn lại phải nói đến những danh hiệu này như cái sự “lợi bất cập hại”?

Trịnh Vy