Tàu cá chưa vươn khơi đã gỉ sét: Trách nhiệm chính thuộc về cơ sở đóng tàu

ANTD.VN - Về sự việc 40 tàu cá đóng mới của ngư dân tại các địa phương bị hư hỏng, phải nằm bờ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu phải xử lý nghiêm, đồng thời sửa đổi chính sách cho phù hợp. 

Nghị định 67/2014/NĐ-CP ngày 7-7-2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản đã giúp ngư dân các địa phương ven biển đóng mới 761 tàu cá sau 3 năm thực hiện. Ông Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, cho biết sau 3 năm triển khai thực hiện, Nghị định 67 đã thực sự đi vào cuộc sống được dư luận xã hội đồng tình ủng hộ cao, đáp ứng nguyện vọng của đông đảo ngư dân, góp phần tích cực bảo vệ an ninh, chủ quyền quốc gia trên biển, ngư dân yên tâm bám biển sản xuất.

Tàu cá chưa vươn khơi đã gỉ sét: Trách nhiệm chính thuộc về cơ sở đóng tàu ảnh 119 tàu cá vừa đóng mới của ngư dân Bình Định vẫn phải nằm bờ vì hư hỏng

Ưu tiên sửa chữa, xử lý trách nhiệm sau

Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ NN&PTNT cũng thừa nhận, do lần đầu triển khai đóng tàu vỏ thép nên ngư dân còn lúng túng khi chọn cơ sở đóng tàu, tư vấn thiết kế và giám sát thi công; đăng kiểm còn thiếu về nguồn lực, yếu về trình độ. Có 40 tàu cá vỏ thép đóng mới theo Nghị định 67 tại một số địa phương như Bình Định, Quảng Nam, Thanh Hóa, Ninh Thuận bị gỉ sét nặng phần vỏ, máy tàu bị hư hỏng... gây thiệt hại cho ngư dân và ảnh hưởng lớn đến chính sách. 

Đối với số tàu cá tại Bình Định bị hư hỏng, ông Vũ Văn Tám cho biết, tỉnh Bình Định đã vào cuộc xử lý quyết liệt, từng bước được khắc phục. “Quan điểm là buộc các cơ sở đóng tàu phải có biện pháp khắc phục. Ưu tiên sữa chữa, khắc phục hư hỏng để sớm có tàu cho ngư dân ra khơi. Sau đó xử lý nghiêm các vi phạm của các tổ chức, cá nhân”, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT khẳng định.

Ngoài ra, Bộ NN&PTNT đã có văn bản chỉ đạo các địa phương tổng rà soát lại các cơ sở đóng tàu, các tàu vỏ thép đã đóng và đang đóng trên phạm vi toàn quốc để chấn chỉnh. Các tàu cá vỏ thép bị hư hỏng đã được các cơ sở đóng tàu, ngư dân và các đơn vị liên quan tiến hành khắc phục, sửa chữa theo quy định, dự kiến đến cuối tháng 8-2017 tiếp tục đi vào hoạt động. 

Ông Trần Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết, địa phương đã có 265 tàu được đóng mới theo Nghị định 67 và hiệu quả đánh bắt tăng rõ rệt, từ 15-25% so với trước kia. Tuy nhiên, để tránh sự cố như vừa qua, lãnh đạo tỉnh Bình Định kiến nghị khi sửa đổi, bổ sung Nghị định 67 cần đưa Sở NN&PTNT địa phương là cơ quan giám sát từ khâu nguyên liệu tới thành phẩm đầu ra là con tàu; mở rộng công ty được ký kết bảo hiểm tàu với ngư dân… 

Loại khỏi danh sách đơn vị đóng tàu yếu kém

Đánh giá về chính sách thực hiện theo Nghị định 67, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương Cao Đức Phát cho rằng, so với mục tiêu mà Nghị định đưa ra đến nay còn rất khiêm tốn. Mục tiêu là đóng mới hơn 2.000 con tàu cá thì đến nay mới thực hiện được 1/3. Các nội dung thực hiện còn thiếu đồng bộ, thiếu cơ sở hạ tầng, có tàu vỏ sắt công suất lớn nhưng khi vào cảng không tương thích.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhìn nhận, hạn chế lớn nhất trong quá trình triển khai Nghị định 67 chính là việc một số tàu vỏ thép tại Bình Định và tại một số tỉnh Nam Trung bộ bị hư hỏng do chất lượng kém, vỏ thép bị gỉ sét nặng, máy tàu thường xuyên bị hư hỏng... gây thiệt hại cho ngư dân, bức xúc trong xã hội. Phó Thủ tướng cho rằng, có nhiều nguyên nhân chủ quan dẫn đến tình trạng này nhưng trách nhiệm chính phải thuộc về các doanh nghiệp đóng tàu. “Tàu cá chất lượng hay không là do người đóng tàu và vai trò của cơ quan kiểm tra, giám sát, đăng kiểm. Người dân không thể biết, giám sát chất lượng tàu cá. Do đó, khi xảy ra sự cố, cơ sở đóng tàu phải chịu trách nhiệm”, Phó Thủ tướng khẳng định.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu phải điều tra, xử lý nghiêm sai phạm của các tổ chức, cá nhân trong việc đóng mới, cải tạo tàu cá; chấn chỉnh công tác đăng kiểm. Cơ quan quản lý Nhà nước phải nhanh chóng tổng hợp, rà soát các cơ sở đóng mới, nâng cấp tàu cá, đưa ra khỏi danh sách các cơ sở không đủ điều kiện hoặc thiếu trách nhiệm. “Các địa phương cũng phải rút kinh nghiệm sâu sắc từ sự cố tàu vỏ thép đóng mới theo Nghị định 67 bị hư hỏng, khắc phục nhanh chóng, kịp thời cho ngư dân”. 

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Văn phòng Chính phủ tổ chức lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương về Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 67 theo tờ trình của Bộ NN&PTNT, tập trung ở mức cao nhất để hoàn thiện dự thảo, ban hành trong quý IV-2017, để triển khai thực hiện từ 1-1-2018.