Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:
Tập trung khắc phục hậu quả, ổn định đời sống nhân dân
* 66 người chết và mất tích
* Đông Bắc bộ tiếp tục có mưa trong vài ngày tới
(ANTĐ) - Tối 4-11, Ban Chỉ đạo PCLB Trung ương đã họp tiếp tục triển khai các biện pháp phòng chống lũ trên địa bàn các tỉnh miền Bắc, đồng thời đưa ra các biện pháp đối phó những trận mưa, lũ tiếp theo.
Tham gia hộ đê tại Chương Mỹ, Hà Nội |
Ông Bùi Minh Tăng - Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương cho biết, mặc dù lũ trên sông Hoàng Long, Bưởi đang bắt đầu xuống, các sông Bắc Trung bộ đang ở mức đỉnh, song trong những ngày tới, bắt đầu từ chiều tối 7-11, tại miền Bắc, đặc biệt vùng Đông Bắc bộ sẽ tiếp tục có mưa lớn từ 200-300mm, cá biệt sẽ có những nơi mưa lên trên 300mm.
Sông Hồng vùng hạ du nước lũ đang lên, vào sáng hôm nay, 5-11 có thể lên mức 10,5m, BĐ II. Tuy nhiên, theo nhận định, đợt mưa tới sẽ không kéo dài, và mưa lớn chỉ tối đa trong vòng 1 ngày.
Do đó, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát đề nghị, các địa phương cần nâng cao cảnh giác vì hiện tại, các hồ chứa nước như Tuyên Quang, Thác Bà, Hòa Bình đã đạt đỉnh, không thể tham gia cắt lũ nếu có mưa xuống.
Đặc biệt với Hà Nội, Bộ trưởng Cao Đức Phát yêu cầu lãnh đạo TP tiếp tục kiểm tra kỹ các tuyến đê sông Hồng, sông Nhuệ, sông Tích, sông Bùi, trên cơ sở đó, xử lý kịp thời các sự cố. Bộ trưởng đề nghị, Hà Nội tiếp tục bao vây không cho nước “ngoại lai” tràn vào nội thành. Đồng thời, không xả nước vào sông Nhuệ.
Theo tin từ CAH Thanh Trì, chiều qua 4-11, mực nước sông Nhuệ lên cao đã tràn bờ vào xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì. Ban chỉ huy CAH Thanh Trì đã huy động lực lượng cùng CBCS Trạm Cảnh sát Cầu Bươu hỗ trợ nhân dân xã Tả Thanh Oai đắp bờ, ngăn không để nước ngập sâu khu dân cư trong xã vốn đã ngập úng mấy ngày nay. Tại Trạm Cảnh sát Đông Mỹ, CBCS Công an trạm luôn túc trực 24/24h, đảm bảo an toàn khu vực trạm bơm Đông Mỹ, đồng thời tổ chức phân luồng giao thông từ ngã ba Ngọc Hồi đến tuyến đê Hữu Hồng, góp phần giảm ùn tắc giao thông trong khu vực nội thành... |
Trong trận mưa tới, nếu nước lên tiếp tục làm ngập các đường phố thì phải có phương án khắc phục hỗ trợ nhân dân đi lại, có thể sử dụng thuyền nhẹ cho cửa ngõ phía Nam, khu vực Giáp Bát. Vì vậy, BCĐ yêu cầu, Tập đoàn Điện lực Việt Nam tiếp tục cho xả 2 cửa đáy tại các hồ Tuyên Quang, Thác Bà và Hòa Bình để đón trận mưa vào ngày 6-11 tới.
Tại cuộc họp, BCĐ PCLB Trung ương cho biết, tính đến ngày 4-11, mưa lũ đã làm 66 người chết và mất tích, sập, đổ và hư hại hơn 110.000 ngôi nhà. Tại Hà Nội, hiện vẫn còn 409 trạm biến áp chưa hoạt động được do ngập. Một số tuyến đê nội đồng của sông Tích, sông Bùi đã ngập và tràn, có thể vỡ đê bất kỳ lúc nào.
Trước những diễn biến phức tạp của mưa lũ, chiều 4-11, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện khẩn số 1874/CĐ-TTg gửi các Bộ: NN&PTNT, Quốc phòng, Công an, Y tế,... cùng UBND các tỉnh: Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn, Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu, Hà Nội, Bắc Ninh… yêu cầu: Các địa phương khẩn trương khắc phục hậu quả mưa lũ, huy động các lực lượng, phương tiện để xử lý các sự cố về đê điều, hồ đập, đồng thời có phương án hộ đê, cứu đê khi cần thiết.
Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu các tỉnh trên tự quyết định việc di dân tại những khu vực có nguy cơ cao về lũ quét, sạt lở… đến nơi an toàn tùy thuộc tình hình. Mặt khác, Chủ tịch UBND các tỉnh tập trung chỉ đạo làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh và vệ sinh môi trường, đảm bảo an ninh trật tự vùng lũ.
Riêng Thủ đô Hà Nội, Thủ tướng yêu cầu cần tiếp tục chỉ đạo việc xử lý các điểm úng ngập, huy động các lực lượng (công an, quân đội, thanh niên xung kích…) bảo đảm giao thông; chỉ đạo việc cấp điện và an toàn về điện, không để xảy ra sự cố và sớm khắc phục hậu quả mưa lũ, ổn định đời sống nhân dân. Cũng trong công điện, Thủ tướng đề nghị Bộ Quốc phòng, ủy ban Tìm kiếm Cứu nạn chỉ đạo ngay các lực lượng, phương tiện cần thiết hộ đê, đặc biệt là hệ thống đê sông Hồng, sông Tích, sông Nhuệ.
Ngân Tuyền