Tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân phát triển

ANTD.VN - Góp ý dự thảo “Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ TP khóa XVI tại Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ TP Hà Nội”, TS Nguyễn Minh Phong - nguyên Trưởng phòng Nghiên cứu Kinh tế, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội cho rằng, dự thảo được xây dựng công phu, nghiêm túc, song vẫn cần cập nhật thêm thông tin mới.

Tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân phát triển ảnh 1TS Nguyễn Minh Phong - nguyên Trưởng phòng Nghiên cứu Kinh tế, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội 

“Theo tôi, dự thảo “Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ TP khóa XVI tại Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ TP Hà Nội”, được xây dựng công phu, nghiêm túc, thể hiện trí tuệ, tâm huyết, trách nhiệm của những người trực tiếp và gián tiếp tham gia tổ văn kiện Đại hội.

Dự thảo có cơ cấu và độ dày hợp lý, nội dung bao quát toàn diện các hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ thành phố. Số liệu, các chỉ tiêu phát triển được tập hợp và xây dựng có hệ thống, cập nhật và có căn cứ xác đáng, logic chặt chẽ, phản ánh khá đầy đủ, chính xác các thành công, hạn chế và phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu, các khâu đột phá cần thiết cho phát triển Thủ đô trong nhiệm kỳ qua và thời gian tới… Tuy nhiên, nội dung và hình thức của dự thảo vẫn cần chỉnh sửa, bổ sung để hoàn thiện hơn. 

Cụ thể, về nội dung, dự thảo cần bổ sung đánh giá thực trạng công tác chỉ đạo hoạt động, vai trò, hiệu quả hoạt động của các hiệp hội doanh nghiệp và tổ chức xã hội nghề nghiệp trong bối cảnh kinh tế tư nhân đang và sẽ là lực lượng xung kích trên mặt trận kinh tế; Từ đó có chủ trương về tăng cường chỉ đạo và hỗ trợ phát triển các hiệp hội doanh  nghiệp và nghề nghiệp này.

Trong bối cảnh hội nhập mới, nên chủ trương tăng vai trò, quyền hạn và trách nhiệm của các hiệp hội trong thực hiện một số chức năng tổ chức và hỗ trợ doanh nghiệp, phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng, tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy đổi mới sáng tạo và phát triển, hiện đại hóa cộng đồng doanh nghiệp Thủ đô để các doanh nghiệp này sẵn sàng đón bắt cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) như: Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) mà Việt Nam đã ký kết, cũng như khắc phục những khó khăn, thách thức do hội nhập mang lại.

Tương tự, dự thảo cũng nên xem xét bổ sung những nội dung liên quan đến vấn đề lao động theo cam kết EVFTA mà Việt Nam đã tham gia. 

Về mục tiêu tổng quát đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và tầm nhìn Thủ đô đến năm 2045, nên diễn đạt lại theo cách mới, có thể như sau: Chủ động, đồng bộ và quyết liệt chỉ đạo xây dựng, phát triển Hà Nội trở thành thành phố “Xanh - Văn hiến - Hiện đại”, phát triển nhanh và bền vững theo hướng đô thị thông minh, thành phố đổi mới sáng tạo, năng động, hiệu quả, có sức cạnh tranh cao và tương đương với Thủ đô của các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới; xây dựng Hà Nội trở thành thành phố tiêu biểu và xứng đáng là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế, động lực phát triển kinh tế - xã hội của vùng và cả nước.

Trong chiến lược này, chất lượng đời sống người dân không ngừng được cải thiện, phấn đấu duy trì tăng trưởng kinh tế hàng năm trên địa bàn Thủ đô luôn cao hơn so với trung bình cả nước. Mục tiêu là đến năm 2025, GRDP/người đạt 8.100 - 8.300 USD; năm 2030 đạt 12.000 - 13.000 USD và năm 2045 đạt trên 36.000 USD. 

Về hình thức, tên gọi của dự thảo còn dài, trùng lặp ý và chưa thể hiện sâu sắc các thông điệp của Đại hội, có thể điều chỉnh thành: “Nâng cao năng lực, hiệu lực và hiệu quả lãnh đạo của Đảng bộ và hệ thống chính trị; phát huy sức mạnh truyền thống ngàn năm văn hiến, anh hùng, đoàn kết, đẩy nhanh công cuộc đổi mới đồng bộ, toàn diện, xây dựng Thủ đô giàu đẹp, văn minh, hiện đại và phát triển bền vững”. Khi đánh giá quản lý Nhà nước nhiệm kỳ hiện tại, cần bổ sung thêm năng lực điều hành.

Dự thảo cũng cần làm rõ hơn các vấn đề như: Thu hút và trọng dụng nhân tài; chống tham nhũng, tiêu cực trong hệ thống chính trị và bộ máy quản lý Nhà nước các cấp, đặc biệt là trong các cơ quan trực tiếp quản lý doanh nghiệp, lĩnh vực xây dựng, tài chính, đất đai và tòa án, cũng như các cơ quan tham mưu, tư vấn tổng hợp và khoa học của thành phố; trách nhiệm quản lý đô thị... Xuất phát từ những hạn chế nêu trên, phần bài học kinh nghiệm cần bổ sung và nhấn mạnh nội dung bài học này”.