Tạo cơ hội phát triển cho Hà Nội

(ANTĐ) - Ngày 4-11, Quốc hội đã thảo luận tại tổ về dự án Luật bổ sung, sửa đổi một số điều của Luật Chứng khoán. Chiều cùng ngày, Quốc hội đã nghe báo cáo về dự án Nhà máy lọc dầu Dung Quất và tờ trình dự án Luật Thủ đô.

Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XII:

Tạo cơ hội phát triển cho Hà Nội

(ANTĐ) - Ngày 4-11, Quốc hội đã thảo luận tại tổ về dự án Luật bổ sung, sửa đổi một số điều của Luật Chứng khoán. Chiều cùng ngày, Quốc hội đã nghe báo cáo về dự án Nhà máy lọc dầu Dung Quất và tờ trình dự án Luật Thủ đô.

Cần thu phí để giảm phương tiện giao thông cá nhân ở Hà Nội
Cần thu phí để giảm phương tiện giao thông cá nhân ở Hà Nội

Theo tờ trình của Chính phủ, Thủ đô Hà Nội sẽ được một số cơ chế, chính sách mang tính đặc thù, nhằm phục vụ công tác quản lý của thành phố. Tuy vậy, cùng với cơ chế, chính sách mang tính ưu tiên cho Thủ đô, dự luật cũng đưa ra những yêu cầu cao hơn, nghiêm ngặt hơn đối với Thủ đô so với mặt bằng chung của cả nước. Một nội dung trong dự thảo được nhiều người quan tâm là quy định, HĐND TP Hà Nội được quyền quy định thu phí lưu thông một số phương tiện ở nội thành nhằm hạn chế ùn tắc, tai nạn giao thông. Dự kiến, sẽ thu phí lưu thông đối với 2 loại phương tiện cá nhân là xe máy và ôtô.

Ngoài ra, theo dự thảo, HĐND TP được quyền ban hành chính sách sử dụng các phương tiện giao thông cá nhân phù hợp với điều kiện kết cấu hạ tầng giao thông và yêu cầu quản lý của Thủ đô. Hà Nội cũng được quyền áp dụng mức xử phạt tiền đối với một số hành vi vi phạm hành chính ở nội thành cao hơn mức xử phạt áp dụng chung cho cả nước trong lĩnh vực văn hóa, đất đai, môi trường, xây dựng, giao thông vận tải và cư trú.

Đây cũng là những vấn đề hiện còn có ý kiến khác nhau. Về thu phí lưu thông, Chính phủ nhận thấy quy định như vậy là cần thiết trong bối cảnh Thủ đô Hà Nội đang phải đối mặt với nhiều vấn đề hết sức bức xúc đã tồn tại nhiều năm nay, không những chưa được giải quyết, mà còn có xu hướng ngày càng nghiêm trọng hơn, đặc biệt là tình trạng ùn tắc giao thông, úng ngập, đất công bị lấn chiếm, ô nhiễm môi trường... Phạm vi áp dụng các biện pháp này chỉ hạn chế trong khu vực nội thành Thủ đô và trong một số lĩnh vực nhất định.

Mục tiêu trực tiếp của việc thu phí lưu thông đối với một số phương tiện giao thông cá nhân là nhằm khuyến khích người dân sử dụng các loại phương tiện giao thông công cộng; mục tiêu gián tiếp là tạo kinh phí để bù đắp một phần cho việc xây dựng, cải tạo, nâng cấp các công trình giao thông. Tuy nhiên, đây là một loại phí mới, chưa nằm trong danh mục phí và lệ phí hiện hành, do vậy Chính phủ đề nghị Quốc hội cho ý kiến về việc quy định loại phí này.

Tương tự, tình trạng lấn chiếm đất đai, xâm lấn các công trình văn hoá, vi phạm các quy định về xây dựng, cư trú đang phổ biến hiện nay ở Hà Nội, đòi hỏi phải có những biện pháp hành chính nghiêm để xử lý. Việc cho phép áp dụng mức phạt cao hơn trong các lĩnh vực nêu trên là cần thiết, còn có ý nghĩa răn đe, nhằm chấn chỉnh công tác quản lý đô thị và đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn Thủ đô.

Về quản lý dân cư, có một số ý kiến băn khoăn, liệu việc đặt thêm các điều kiện hạn chế cư trú ở khu vực nội thành có trái với quy định tại Điều 68 của Hiến pháp hay không? Chính phủ cho rằng quy định như dự thảo luật là cần thiết, bảo đảm tính hợp hiến, đã được Pháp lệnh quy định, hợp lý và phù hợp với chủ trương của Đảng. Mặt khác, Hà Nội đang phải chịu áp lực ngày một tăng do tình trạng quá đông dân cư ở nội thành, gây sức ép về kinh tế, xã hội.

Dự thảo Luật Thủ đô sẽ được thảo luận tổ vào chiều 6-11 và tại hội trường vào sáng 16-11.

Chính Trung

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường:

Nên quy định làm việc lâu dài mới cho nhập hộ khẩu

Trao đổi với báo chí bên lề kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XII, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho rằng, Hà Nội đang rất cần những cơ chế, chính sách đặc thù để phục vụ công tác quản lý, hướng tới hình ảnh một đô thị phát triển bền vững.

- Quan điểm của ông thế nào về những cơ chế đặc thù cho Thủ đô?

- Sau khi dự thảo trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đã có chỉnh sửa, giảm 2 cơ chế trong số 20 cơ chế đặc thù. Vì 2 cơ chế đó không phải đặc trưng của Hà Nội, không đảm bảo cho sức sống lâu dài của một bộ luật. Chẳng hạn như việc thành lập Sở Phòng cháy chữa cháy. Hà Nội rất cần cơ quan này song việc này Chính phủ hoàn toàn có thể tự quyết định nên không đưa vào dự luật nữa.

- Dư luận đang rất quan tâm các quy định về quản lý nhập cư của Hà Nội?

- Luật Thủ đô có bổ sung cho các luật hiện hành, về nguyên tắc không trái với Hiến pháp. Vì thế, nếu nói Luật Thủ đô trái với luật khác là làm quá vấn đề. Hơn nữa, luật nào cũng do Quốc hội quyết định. Nguyên tắc là luật ban hành sau có quy định khác thì theo luật ban hành sau, tuân thủ luật chuyên ngành rồi mới tuân thủ luật chung. Còn việc giảm nhập cư là cần thiết để tránh việc gia tăng dân số ở Thủ đô, hạn chế gây ùn tắc giao thông. Hiến pháp quy định mọi người có quyền tự do cư trú theo quy định của pháp luật chứ không phải được cư trú khắp nơi. Vì thế, không thể nói quy định cư trú trong luật là trái với Hiến pháp. Theo tôi, cần có quy định có việc làm lâu dài mới được nhập khẩu là vững chắc nhất. Nếu Quốc hội đồng ý thì Nghị định của Chính phủ ban hành sẽ theo hướng đó. Hiện nay, việc nhập hộ khẩu theo tôi là hơi dễ.

- Theo dự luật, Thủ đô sẽ được một số đặc quyền trong vấn đề ngân sách, như vậy có gây khó khăn cho ngân sách Trung ương?

- Điều này thực ra cũng đã được quy định trong Pháp lệnh Thủ đô. Luật này cũng tạo ra một cơ chế mới, đặc biệt là khai thác quỹ đất để quay lại đầu tư. Các quy định mới đều hướng tới sự phát triển ổn định cho Hà Nội.

- Có ý kiến băn khoăn về việc người Hà Nội sẽ phải đóng phí cao hơn những nơi khác?

- Nói người dân Thủ đô phải chịu là không phải mà phải hiểu là bất kỳ ai đến Thủ đô cũng phải chịu, thế là bình đẳng. Người dân ở Thủ đô được hưởng nhiều lợi thế mà cả nước đã đầu tư nên nếu có phải nộp một số loại phí nào đó cao hơn cũng là hợp lý. Hơn nữa, việc thu thuế trước bạ đối với ô tô cao hơn không phải để thu tiền cho ngân sách mà mục đích chính là để hạn chế sở hữu ô tô cá nhân. Nếu phương tiện cá nhân giảm sẽ đỡ cho chi phí xã hội.

Phương Mai (Ghi)