Tăng thuế VAT sẽ tác động nhất định đến nhóm thu nhập thấp

ANTD.VN - Bà Lê Thị Mai Liên, Trưởng ban Chính sách Tài chính công, Viện Chiến lược và Chính sách tài chính (Bộ Tài chính) cho rằng:  

Tăng thuế VAT sẽ tác động nhất định đến nhóm thu nhập thấp ảnh 1

“Mọi sự điều chỉnh về chính sách thuế trong đó có thuế giá trị gia tăng (VAT) sẽ có  tác động khác nhau đến nhiều mặt kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, mức độ và phạm vi ảnh hưởng của nó phụ thuộc vào nhiều yếu tố và cách thức thiết kế của chính sách.

Bản chất thuế VAT là đánh vào tiêu dùng cuối cùng, doanh nghiệp chỉ là người thu hộ. Hơn nữa, khi tăng thuế VAT, đánh cả vào hàng nhập khẩu lẫn hàng trong nước, vì vậy cơ bản không ảnh hưởng đến sức cạnh tranh doanh nghiệp. Đối với doanh nghiệp xuất khẩu thì quy định hiện hành là thuế xuất khẩu 0%, doanh nghiệp được hoàn thuế. 

Tuy nhiên, đối với doanh nghiệp trong nước thì việc tăng thuế có ảnh hưởng đến mặt bằng giá, vì vậy có ảnh hưởng đến tiêu dùng. Nhưng theo tôi cần xem xét là mức độ ảnh hưởng, cái này cần sự chia sẻ của người dân và doanh nghiệp. 

Về tác động đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI), về lý thuyết khi giá cả tăng thì sẽ có tác động tăng CPI. Tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng như nào phải phụ thuộc vào quy mô, khối lượng hàng hóa và dịch vụ mà người tiêu dùng sử dụng. Ngoài ra, CPI còn chịu ảnh hưởng của các yếu tố kinh tế vĩ mô khác như lãi suất, cung tiền hay lạm phát... Trong thời điểm hiện nay, theo dự báo, chỉ số giá ở mức thấp nên với điều kiện kinh tế vĩ mô hiện tại thì lạm phát không phải một yếu tố quá lớn.

Còn tác động đến người thu nhập thấp thì nhìn trên góc độ tổng thể, ngoài tăng thuế VAT thì Bộ Tài chính cũng đề nghị giảm thuế thu nhập doanh nghiệp. Hơn nữa, trong 25 nhóm hàng hóa dịch vụ không chịu thuế VAT thì nhóm thu nhập thấp chủ yếu sử dụng nhóm hàng hóa dịch vụ không chịu thuế hoặc chịu thuế ưu đãi như y tế, giáo dục, thực phẩm tươi sống...

Vì vậy tôi nghĩ việc tăng thuế VAT có tác động nhất định đến nhóm người thu nhập thấp nhưng tác động sẽ không quá nhiều.  Vì vậy, Chính phủ cũng cần có những chính sách hỗ trợ khác. Hiện nay, Chính phủ đã có rất nhiều chính sách hỗ trợ liên quan như chính sách hỗ trợ tiền điện, học phí, bảo hiểm...

Về nhiều ý kiến cho rằng tỷ trọng thuế VAT của nước ta cao hơn nhiều nước khác, tôi cho rằng cấu trúc thu ngân sách của các nước khác nhau là khác nhau, để so sánh cao hay thấp thì phải có các chỉ tiêu mang tính chất tương đồng. 

Một số nước không sử dụng thuế VAT mà thay vào đó là các sắc thuế như thuế hàng hóa dịch vụ hay thuế tiêu dùng. Vì vậy,  nếu tính toán tổng thuế tiêu dùng thì nên tính tổng thu của các sắc thuế tiêu dùng trên tổng thu ngân sách Nhà nước thì sẽ phù hợp hơn. Nếu tính theo cách này thì tỷ trọng các sắc thuế tiêu dùng ở Việt Nam là 47,5%; thấp hơn Thái Lan (53,9%), Lào (55,9%), Campuchia (55,5%); nhỉnh hơn Philippines (45,6%)...”.