Tăng lương tối thiểu vùng 2019: Có đáp ứng được kỳ vọng của người lao động?

ANTD.VN - Mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2019 dù chưa đáp ứng đúng kỳ vọng của người lao động, tuy nhiên cũng giúp người lao động bớt khó khăn, có sự chia sẻ với doanh nghiệp.

Lương tối thiểu vùng năm 2019 sẽ tăng từ 160-200.000 đồng/người/tháng

Hội đồng Tiền lương quốc gia vừa thống nhất mức tăng lương tối thiểu vùng 2019  sẽ tăng thêm 5,3% so với mức lương tối thiểu năm 2018. Như vậy, mức sống tối thiểu sẽ được đảm bảo khoảng 92-93%.

Với mức tăng 5,3% tính theo các vùng quy định, mức lương tối thiểu của người lao động được tăng từ 160-200 nghìn đồng/người/tháng. Cụ thể, mức tăng mức lương vùng 1 lên 4.180.000 đồng, vùng 2 lên 3.710.000đồng, vùng 3 lên 3.250.000 đồng, vùng 4 lên 2.950.000 đồng.

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp, Chủ tịch Hội đồng tiền lương Quốc gia cho biết, thời điểm này mức lương tối thiểu tăng 5,3% là hợp lý. Đây là mức mà ngoài việc bù trượt giá (4%/năm) thì người lao động vẫn còn có mức tăng trưởng, tích lũy và doanh nghiệp cũng có thể chi trả được.

Theo ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng Ban quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam), mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2019 chưa thực sự đáp ứng được kỳ vọng của người lao động.

“Ban đầu, Tổng Liên đoàn Lao động đề xuất mức tăng 8%, còn phía đại diện người sử dụng lao động đề xuất không tăng. Sau các phiên họp, chúng tôi kỳ vọng ít nhất mức tuyệt đối của năm ngoái, tức là tăng 6,1 %, tương đương với việc tăng từ 180.000-230.000 đồng trên 4 vùng lương. Tuy nhiên, trong quá trình đàm phán, Tổng liên đoàn Lao động đã có những chia sẻ với doanh nghiệp.

Do đó, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã chấp thuận, mức lương tối thiểu vùng năm 2019 sẽ tăng thêm 5,3 % so với lương tối thiểu vùng năm 2018.  Đây là kết quả của sự thương lượng cũng như nhượng bộ của các bên” – ông Lê Đình Quảng cho biết thêm.

Mức tăng này tuy chưa đáp ứng được kỳ vọng, nhưng Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chấp nhận với tinh thần chia sẻ với doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp có điều kiện phát triển tốt hơn, tạo đà để có nhiều biện pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh, nâng cao hơn nữa hiệu quả, từ đó doanh nghiệp quay lại quan tâm, chăm lo đời sống người lao động tốt hơn.

Với mức tăng này, để đạt được mục tiêu Chính phủ đề ra “Lương tối thiểu phải đáp ứng được mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ vào năm 2020”, nếu các tính toán không thay đổi thì khả năng lương tối thiểu vùng năm 2020 phải tăng 8-10%. 

Theo các chuyên gia lao động, để cải thiện đời sống người lao động, điều chỉnh lương tối thiểu là việc phải thực hiện. Tuy nhiên, tăng lương đồng nghĩa với việc tăng chi phí nên để hài hòa lợi ích người lao động có thể chia sẻ với doanh nghiệp bằng cách cải thiện tay nghề, nâng cao chất lượng lao động.