Tăng lương để người lao động đủ sống

ANTĐ - Đó là chia sẻ của ông Đặng Quang Điều – Trưởng Ban Chính sách kinh tế xã hội (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) về đề xuất tăng mức lương tối thiểu vùng năm 2016 ít nhất 14,4 %. 

Tăng lương để người lao động đủ sống ảnh 1Người lao động phải làm thêm giờ, tăng ca để cải thiện cuộc sống của mình

Tăng 12,4% là chưa hợp lý

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (TLĐLĐ VN) vừa có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất tăng mức lương tối thiểu vùng năm 2016 lên 14,4%, tương đương mức tăng năm 2015 dù trước đó, ngày 3-9, Hội đồng Tiền lương Quốc gia đã họp, bỏ phiếu thông qua phương án điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng năm 2016 là 12,4%. TLĐLĐ VN đưa ra 4 lý do cho đề xuất của mình. 

Thứ nhất, tình hình kinh tế 9 tháng đầu năm 2015 đã khởi sắc. Dự báo, kinh tế xã hội năm 2016 có nhiều triển vọng và thuận lợi hơn năm 2015. Như vậy, tiền lương tối thiểu điều chỉnh tăng thấp hơn là không hợp lý. Thứ hai, Điều 91 Bộ luật Lao động quy định: “Mức lương tối thiểu là mức thấp nhất trả cho người lao động làm công việc giản đơn nhất, trong điều kiện lao động bình thường và phải đảm bảo nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ”.

Đề nghị điều chỉnh tiền lương tối thiểu năm 2016 lên 14,4% là thực hiện nghiêm túc quy định của Bộ luật Lao động và thực hiện lộ trình đến năm 2017 tiền lương tối thiểu đáp ứng được mức sống tối thiểu. Thứ ba, đời sống công nhân lao động còn nhiều khó khăn, theo điều tra của TLĐLĐ VN, có 19,9% người lao động cho biết tiền lương hiện nay không đủ sống, 72% người lao động cho biết phải chi tiêu tằn tiện và rất tiết kiệm mới đủ trang trải cho cuộc sống. Thứ tư, doanh nghiệp hiện đã chi trả cho người lao động cao hơn mức lương tối thiểu vùng từ 20-40%.

Ông Đặng Quang Điều nói: “Quan điểm của chúng tôi là mức tăng lương tối thiểu phải đạt 16,7%. Qua quá trình thương lượng, chúng tôi đề xuất phương án tăng ít nhất 14,4%. Dù Hội đồng Tiền lương quốc gia đã chốt phương án 12,4% nhưng chúng tôi thấy chưa thực sự thỏa mãn với mức tăng đó nên tiếp tục kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ”.

Tranh luận vẫn chưa dừng 

Trước đề nghị của TLĐLĐ VN, đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vẫn giữ quan điểm, tăng lương tối thiểu vùng năm 2016 tăng 12,4% đã là cao. Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI cho biết, theo kinh nghiệm của tổ chức Lao động quốc tế, mức lương tối thiểu chỉ nên bằng khoảng 40 – 60% mức lương trung bình, khoảng còn lại để thương lượng. Nếu chúng ta quy định mức lương tối thiểu quá cao, sát mức lương trung bình, sẽ không có cơ chế thương lượng. 

Năm 2016, ngoài việc tăng lương tối thiểu, doanh nghiệp phải đóng các khoản chi phí cho người lao động tăng thêm 35 - 40% so với năm 2015. Vì từ 1-1-2016, căn cứ đóng BHXH và kinh phí công đoàn cho người lao động không chỉ là tiền lương mà có thể bao gồm cả các khoản phụ cấp. Mới đây, VCCI cũng đề xuất giãn lộ trình đóng BHXH khi tăng lương tối thiểu. VCCI cảnh báo, mức điều chỉnh không hợp lý có thể làm một số doanh nghiệp ngừng hoạt động hoặc phá sản, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Khi không gánh nổi các khoản chi phí, doanh nghiệp sẽ buộc phải tái cơ cấu, cắt giảm nhiều thứ, kể cả nguồn lực lao động. 

Về phía TLĐLĐ VN, ông Đặng Quang Điều cho biết: “Tôi không đồng ý với quan điểm doanh nghiệp kêu thua lỗ, khó khăn thì trả lương tối thiểu cho người lao động không đủ sống. Nếu mức lương tối thiểu tăng lên 12,4%, cũng mới đáp ứng được 80% nhu cầu sống tối thiểu của người lao động”.