Kéo dài thời gian thu phí trên Quốc lộ 1:

Tăng gánh nặng cho người dân, doanh nghiệp

ANTĐ - Bộ GTVT cho biết, sẽ triển khai công nghệ thu phí không dừng tại 35 trạm trên QL1, dự kiến kéo dài thêm thời gian thu phí để hoàn vốn. Gánh nặng phí trên QL1 sau mở rộng đã hiện hữu, trong khi hàng loạt gói thầu mở rộng tuyến đường này đang chậm tiến độ.

Tăng gánh nặng cho người dân, doanh nghiệp ảnh 1Thời gian thu phí các trạm BOT Quốc lộ 1 sẽ kéo dài thêm

Mới đạt 47,3%

Theo ông Trần Xuân Sanh, Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông, có tới 8 gói thầu của dự án mở rộng QL1 đang bị chậm tiến độ. Đến thời điểm hiện tại, đã có 7 dự án được đưa vào khai thác, 30 dự án đang thi công. Đáng chú ý, trong 14 dự án trái phiếu Chính phủ có 2 dự án chưa đạt yêu cầu về tiến độ là đoạn qua Phú Yên và Bình Thuận. “Đến thời điểm này, dự án mở rộng QL1 đoạn từ Thanh Hóa-Cần Thơ mới đạt 47,3% khối lượng công việc”, ông Trần Xuân Sanh cho biết. Trong khi đó, theo chỉ đạo mới nhất của Bộ trưởng Bộ GTVT  Đinh La Thăng, dự án này phải hoàn thiện vào cuối năm nay. 

Đối với các dự án BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao), 6/16 dự án tiến độ thi công còn chậm như các đoạn qua tỉnh Thừa Thiên-Huế, đoạn Cần Thơ-Phụng Hiệp… “Những dự án này có nguy cơ làm ảnh hưởng đến “mốc” hoàn thành vào cuối năm 2015. Do vậy, Cục Quản lý chất lượng công trình giao thông kiến nghị Bộ GTVT rà soát năng lực nhà đầu tư, thay thế nhà đầu tư yếu kém để dự án về đích đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng dự án”, ông Trần Xuân Sanh kiến nghị.

Liên quan đến việc thu phí hoàn vốn sau đầu tư mở rộng, nâng cấp QL1 đoạn từ Thanh Hóa đến Cần Thơ, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho biết, theo tính toán, sau khi hoàn thiện, tuyến đường này sẽ có thêm 24 trạm thu phí BOT. 

Kéo dài thời  gian thu phí

Để giúp cho việc thu phí hoàn vốn tiện lợi hơn cũng như giảm bớt thời gian, chi phí cho người điều khiển phương tiện, Bộ GTVT quyết định xây dựng các trạm thu phí không dừng trên 2 tuyến đường huyết mạch là QL1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên (QL14). Ông  Nguyễn Hồng Trường cho biết, mô hình trạm thu phí không dừng sẽ được áp dụng thí điểm tại 3 trạm Hoàng Mai, trạm Km604+700QL1 và trạm Km1813+650 trên đường Hồ Chí Minh trong tháng 3. Tháng 5 sẽ áp dụng ra các trạm khác, tiến tới sẽ áp dụng tại 35 trạm thu phí đoạn Thanh Hóa-Cần Thơ và QL14.

Cũng theo Bộ GTVT, kinh phí xây dựng trạm thu phí không dừng (ETC) thấp hơn hoặc tương đương kinh phí xây dựng trạm thu phí một dừng (MTC) hiện nay đang áp dụng, vì vậy không làm tăng suất đầu tư cầu đường. Công nghệ này sẽ do Công ty CP TASCO và Ngân hàng BIDV cùng thực hiện và thu phí. Theo đó, tại mỗi trạm thu phí BOT sẽ lắp đặt 1 hoặc 2 làn thu phí tự động ECT song song với các làn thu phí một dừng, tùy theo lưu lượng xe qua lại. Thời gian thu phí của mỗi xe khi đi qua trạm chỉ mất 5-6 giây so với 3 phút như hiện nay. Theo tính toán, nếu áp dụng công nghệ thu phí ETC tại 100 trạm, với trung bình 6.000 lượt xe đi qua/ngày đêm thì sẽ tiết kiệm được 3.400 tỷ đồng/năm. Trong đó, riêng việc tiết kiệm về thời gian nộp phí, theo ông Phạm Quang Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP TASCO, lên tới 2.800 tỷ đồng/năm. 

Để hoàn vốn cho nhà đầu tư, lãnh đạo Bộ GTVT cho biết, Bộ GTVT đã trình Chính phủ cho phép kéo dài thời gian thu phí các dự án BOT trên QL1 đoạn Thanh Hóa-Cần Thơ và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên để hoàn vốn. Theo quy định, các dự án BOT cầu đường có thời gian thu phí hoàn vốn tối đa là 20 năm. Trong khi đó, theo lộ trình của Bộ Tài chính, từ năm 2016, mức phí thu qua các trạm sẽ tăng 3,5 lần so với hiện nay. Như vậy, trên QL1 sẽ dày đặc các trạm thu phí và gánh nặng này đang đổ lên đầu doanh nghiệp vận tải và người dân. 

Để sử dụng dịch vụ thu phí tự động không dừng, chủ phương tiện sẽ được phát một thẻ định danh E- tag (miễn phí) dán lên kính trước xe và kèm theo một tài khoản thu phí để giao dịch. Sau khi xe được gắn thẻ E-tag chạy vào làn thu phí không dừng, hệ thống nhận diện xe bằng công nghệ laser sẽ kích hoạt camera chụp biển số và hệ thống Atena sẽ phát tín hiệu để đọc thẻ E-tag. Hình ảnh và thông tin được chuyển về trung tâm dữ liệu để xử lý và kiểm tra số dư tài khoản thu phí của xe. Nếu tài khoản thu phí của xe đủ điều kiện, thanh chắn barrier sẽ mở tự động để xe qua. Trường hợp tài khoản thu phí của xe không đủ tiện hoặc xe không dán thẻ E-tag đi vào làn thu phí tự động, hệ thống sẽ tự động chuyển sang chế độ thu phí MTC.