Tăng đột biến Giáo sư, Phó Giáo sư vì nhiều người lo… trượt

ANTD.VN - Cuộc chạy nước rút của các GS, PGS trước thời điểm áp dụng tiêu chuẩn công nhận chức danh mới khiến số lượng lần này tăng đột biến tới 75% so với năm trước.

Công bố từ Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước cho thấy số GS, PGS được công nhận lần này tăng 75% so với năm 2016 và hơn 2 lần so với năm 2015. Mức tăng này được cho là bất thường, đặc biệt là khi dự thảo quy định tiêu chuẩn phong chức danh GS, PGS sẽ được triển khai vào năm tới.

Tăng đột biến Giáo sư, Phó Giáo sư vì nhiều người lo… trượt ảnh 1Tăng mạnh bất thường số Giáo sư, Phó Giáo sư được công nhận năm 2017 (Ảnh minh họa)

Bất ngờ trước số lượng GS, PGS tăng vọt

Theo báo cáo của Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước, năm 2017, số ứng viên nộp hồ sơ là 1.537, trong đó có 151 ứng viên GS và 1.386 ứng viên PGS. Qua 3 cấp xét duyệt,  tổng số ứng viên đạt là 1.226/1.537 hồ sơ (đạt 79,76%), trong đó ứng viên GS là 85 (56,29%), ứng viên PGS là 1.146 (82,68%). Số ứng viên năm nay có tuổi đời trung bình trẻ hơn các năm trước, với GS độ tuổi trung bình là 55 (năm 2016 là 57) và PGS là 45 (năm 2016 là 44). 

Trước thắc mắc về nguyên nhân việc số lượng GS, PGS năm nay tăng mạnh so với năm 2016, GS Trần Văn Nhung, Tổng  thư ký Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước cho biết, do thời gian hết hạn nộp hồ sơ kéo dài gần 6 tháng so với năm 2016 nên số lượng ứng viên đăng ký tăng mạnh.

Ngoài ra, GS Trần Văn Nhung cũng thừa nhận nguyên nhân có thể các ứng viên mong muốn được xét theo quy định hiện hành trước khi có sự thay đổi về tiêu chuẩn chức danh. Tuy nhiên, GS Trần Văn Nhung cũng khẳng định, số lượng năm nay tăng lên nhưng chất lượng cũng cao hơn năm 2016. Trong đó, thấy rõ nhất là số lượng bài báo công bố quốc tế trên các tạp chí ISI, Scopus  tăng lên, năm 2017 là 5.316 bài. Ngoài ra, năng lực tiếng Anh của các ứng viên tốt hơn các năm trước, nhất là các ứng viên trẻ, các ứng viên được đi du học theo Đề án 322, Đề án 911 của Chính phủ, ứng viên của các cơ sở giáo dục đại học có hợp tác quốc tế hiệu quả. 

“Tranh thủ” thời điểm quy định hiện hành còn hiệu lực 

PGS Bùi Mạnh Nhị - nguyên Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ GD-ĐT) cho rằng thế hệ trẻ nhiều người giỏi, các trường đại học, ngay cả trường ngoài công lập cũng chú ý phát triển đội ngũ giảng viên của mình nên con số này không quá ngạc nhiên. Bên cạnh đó, PGS Bùi Mạnh Nhị cho rằng các ứng viên đều có tâm lý sang năm quy chế thay đổi nên cố gắng để được xét trong đợt này. 

Thời điểm này chỉ còn 1 năm nữa sẽ áp dụng tiêu chuẩn mới phong chức danh GS, PGS nên có thể giải thích được lý do vì sao số lượng ứng viên tăng mạnh. Đặc biệt, với quy định mới, ứng viên GS, PGS phải có ít nhất 1-2  bài báo công bố quốc tế, đây sẽ là một tiêu chuẩn rất khó đối với nhiều người. 

Theo dự thảo quy định tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh GS, PGS mà Bộ GD-ĐT lấy ý kiến gần 1 năm nay tiêu chuẩn để được công nhận GS, PGS sẽ nâng lên rất cao và rất ít người có thể đạt được các tiêu chuẩn đó. 

Cụ thể, các GS, PGS phải sử dụng thành thạo ít nhất một ngoại ngữ phục vụ cho công tác chuyên môn (đã học tập, nghiên cứu toàn thời gian ở nước ngoài và được cấp bằng đại học, bằng thạc sĩ hoặc bằng tiến sĩ của cơ sở giáo dục đại học sử dụng một trong các ngôn ngữ Anh, Pháp, Nga, Đức, Nhật, Trung Quốc trong đào tạo. Có chứng chỉ TOEFL IBT điểm tối thiểu 56 hoặc IELTS điểm tối thiểu 5.5. Từ năm 2018-2020, tăng thêm 5 điểm mỗi năm trên thang điểm TOEFL IBT và tăng thêm 0.5 điểm mỗi năm trên thang điểm IELTS).

Ngoài ra, các ứng viên chức danh GS, PGS phải có công bố quốc tế. Cụ thể, đến năm 2019, ứng viên chức danh GS thuộc nhóm ngành khoa học tự nhiên, kỹ thuật và công nghệ là tác giả chính và đã công bố được ít nhất 2 bài báo khoa học trên tạp chí khoa học quốc tế thuộc hệ thống ISI, Scopus; hoặc ít nhất 1 bài báo khoa học hệ thống ISI và 1 quyển hoặc chương sách phục vụ đào tạo được xuất bản bởi một nhà xuất bản có uy tín trên thế giới; hoặc ít nhất 1 bài báo khoa học thuộc hệ thống ISI, Scopus và 1 bằng độc quyền sáng chế. Ứng viên thuộc nhóm ngành khoa học xã hội và nhân văn là tác giả chính và đã công bố được ít nhất 1 bài báo khoa học trên tạp chí khoa học quốc tế thuộc hệ thống ISI, Scopus. Từ năm 2020, ứng viên phải có thêm ít nhất 1 bài báo khoa học theo tiêu chuẩn trên.

Đối với chức danh PGS, ứng viên phải là tác giả chính và đã công bố được ít nhất 1 bài báo khoa học trên tạp chí khoa học quốc tế thuộc hệ thống ISI, Scopus hoặc 1 quyển hoặc 1 chương sách phục vụ đào tạo được xuất bản bởi một nhà xuất bản có uy tín trên thế giới hoặc 1 bằng độc quyền sáng chế. Từ năm 2020, ứng viên phải có thêm ít nhất 1 bài báo khoa học theo tiêu chuẩn này… 

Có thể thấy, việc thay đổi tiêu chuẩn theo hướng nâng cao chuyên môn lẫn năng lực ngoại ngữ sắp tới khiến các ứng viên PGS, GS bắt buộc phải “tranh thủ” thời điểm quy định hiện hành vẫn còn hiệu lực.