Tăng cường an ninh trật tự học đường

(ANTĐ) - Đảm bảo an ninh trật tự trong trường học là vấn đề được Bộ GD-ĐT và Bộ Công an đề cập tới từ 6 năm nay qua Thông tư liên tịch giữa hai Bộ. Tuy nhiên, sau 6 năm thực hiện, cả ngành giáo dục và công an đều nhận thấy diễn biến vi phạm pháp luật về trật tự an toàn xã hội của học sinh, sinh viên đang ngày càng phức tạp. Ngày 26-11, Bộ GD-ĐT và Bộ Công an đã cùng thảo luận để đưa ra biện pháp phối hợp xử lý phù hợp với tình hình mới.

Tăng cường an ninh trật tự học đường

(ANTĐ) - Đảm bảo an ninh trật tự trong trường học là vấn đề được Bộ GD-ĐT và Bộ Công an đề cập tới từ 6 năm nay qua Thông tư liên tịch giữa hai Bộ. Tuy nhiên, sau 6 năm thực hiện, cả ngành giáo dục và công an đều nhận thấy diễn biến vi phạm pháp luật về trật tự an toàn xã hội của học sinh, sinh viên đang ngày càng phức tạp. Ngày 26-11, Bộ GD-ĐT và Bộ Công an đã cùng thảo luận để đưa ra biện pháp phối hợp xử lý phù hợp với tình hình mới.

Ma túy và nhiều tệ nạn khác đang đe dọa an ninh trật tự trường học
Ma túy và nhiều tệ nạn khác đang đe dọa an ninh trật tự trường học

Phức tạp xã hội xuất hiện trong đời sống học đường

Nhận định về tình hình an ninh trật tự trong trường học, đại diện Phòng Công tác học sinh - sinh viên ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết, cùng với sự phát triển vượt bậc của đời sống kinh tế, xã hội trong những năm gần đây thì mọi vấn đề phức tạp trong xã hội đều tác động và phản ánh trong đời sống học sinh, sinh viên.

Đại diện này dẫn chứng, nếu như năm 2002, Bộ GD-ĐT và Bộ Công an đưa ra Thông tư liên tịch về công tác bảo vệ an ninh trật tự trong trường học thì mạng Internet chưa phát triển như bây giờ. An ninh mạng đang là vấn đề cần được đặt ra khi đây được coi là nơi khởi nguồn nhiều hoạt động gây bất ổn an ninh trật tự xã hội và rất khó kiểm soát, trong khi học sinh, sinh viên lại là đối tượng thường xuyên tiếp xúc với công nghệ thông tin.

Vụ Công tác học sinh - sinh viên, Bộ GD-ĐT cũng cho biết, tình trạng học sinh, sinh viên bỏ học, sống lang thang, thông qua mạng Internet để kết thành băng nhóm, sử dụng ma túy, gây rối trật tự xã hội... có xu hướng gia tăng. Đáng chú ý hơn nữa là các hành vi vi phạm đạo đức do tiêm nhiễm từ băng đĩa đen, trang web hay các thiết bị công nghệ cao... có nội dung khiêu dâm, đồi trụy đang đe dọa môi trường giáo dục. “Đây cũng chính là lý do dẫn đến tình trạng trẻ hóa tội phạm” - đại diện Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế khẳng định.

Điểm lại các tệ nạn xã hội đã len vào trường học như ma túy, mại dâm, cờ bạc hiện nay đời sống học đường còn nổi lên các vấn đề như tệ nạn cầm đồ, cho vay nặng lãi, tình trạng nghiện game, chat, hay những quan điểm lệch lạc về lối sống tự do, buông thả như “sống thử”, ăn ở với nhau như vợ chồng đang đi trái với văn hóa, đạo đức dân tộc, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe sinh sản của một bộ phận học sinh, sinh viên.

Cần giáo dục các em học sinh sử dụng internet phục vụ cho việc học tập
Cần giáo dục các em học sinh sử dụng internet phục vụ cho việc học tập

Nhà trường thiếu kỹ năng

Ông Trần Đình Mai - Trưởng ban Công tác học sinh-sinh viên ĐH Đà Nẵng rất băn khoăn khi nhà trường chưa tìm được cách kiểm soát thông tin trên mạng liên quan đến học sinh, sinh viên. “Hàng triệu blog cá nhân, bao nhiêu địa chỉ diễn đàn có sự tham gia của học sinh, sinh viên. Làm sao nhà trường có thể nắm bắt được thông tin ở đây để có thể tìm hiểu cũng như đề phòng những vấn đề gây mất ổn định tư tưởng, chính trị, ảnh hưởng đến lối sống của sinh viên?” - ông Trần Đình Mai đặt vấn đề.

Đại diện trường CĐ Sư phạm TP Hồ Chí Minh cho biết, trường chưa hài lòng cách thức phối hợp với lực lượng công an khu vực trong việc quản lý học sinh, sinh viên. “Phía công an tìm đến nhà trường chủ yếu là để nắm bắt thông tin còn chúng tôi hầu như không nhận được tham vấn nào của công an về vấn đề quản lý sinh viên ngoại trú hay việc nắm bắt các hoạt động, tâm tư của nội bộ sinh viên trong trường”.

Vấn đề được nhiều trường đề cập đến là việc thiếu thông tin chính thống đối với các tình huống, sự kiện liên quan đến an ninh chính trị trong nước và thế giới. “Bộ GD-ĐT và Công an cần có cơ chế cung cấp thông tin đa chiều, chính thống về các vấn đề trật tự xã hội cho nhà trường.

Có như vậy trường mới có thể phổ biến, định hướng cho giáo viên, sinh viên trong trường” - bà Nguyễn Thị Ngọc Lan, Trưởng phòng Công tác học sinh, sinh viên, ĐH Ngoại thương kiến nghị. Rút kinh nghiệm từ một số sự kiện chính trị, xã hội xảy ra gần đây, ông Đỗ Duy Truyền - Phó Hiệu trưởng ĐH Hà Nội  cũng cho rằng các trường đại học vừa qua rất bị động, phải tự tìm kiếm thông tin, thẩm định lại để phổ biến cũng như nắm bắt những phản ứng của sinh viên trong trường.

Theo ông Truyền, Vụ Công tác học sinh-sinh viên nên chú ý tới vấn đề này, phối hợp với ngành an ninh để kịp thời cung cấp thông tin cũng như đưa ra định hướng cho các trường trong các trường hợp xảy ra sự việc ảnh hưởng đến an ninh trật tự trường học cũng như ngoài xã hội.

Tiếp thu ý kiến của các trường, Trung tướng Vũ Hải Triều - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh, Bộ Công an cho biết, sẽ giao trách nhiệm cho các ngành liên quan phối hợp với các trường xây dựng một số tình huống cụ thể liên quan đến vấn đề an ninh trật tự để tập huấn cho các trường.

Trung tướng Vũ Hải Triều cũng thống nhất ý kiến cấn cập nhật và cung cấp thông tin cần thiết cho các trường để kịp thời định hướng cho cán bộ, giảng viên và học sinh, sinh viên trước những sự kiện chính trị xã hội lớn.

Vinh Hương