Tận dụng thời cơ tăng trưởng kinh tế, kinh doanh năm 2019

ANTD.VN - Năm mới 2019 được kỳ vọng sẽ đem đến những thắng lợi mới cho cộng đồng doanh nghiệp. Ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội đã trò chuyện với phóng viên Báo An ninh Thủ đô về những cơ hội, thách thức trong năm mới Kỷ Hợi.

Tận dụng thời cơ tăng trưởng kinh tế, kinh doanh năm 2019 ảnh 1

- PV: Ngay những ngày đầu năm mới 2019, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ban hành Nghị quyết số 02/NQ-CP 2019 về môi trường kinh doanh với những mục tiêu rất cụ thể. Cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng gì vào sự thay đổi này?

- Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội Mạc Quốc Anh: Động thái đó từ Chính phủ khiến doanh nghiệp tin tưởng hơn vào sự quyết liệt của Chính phủ và sự thay đổi của các bộ, ngành. Đến hết quý III-2018, các bộ, ngành đã cắt giảm trên 50% điều kiện kinh doanh. Nghị quyết 02 được ban hành sớm cho thấy chắc chắn là 6 tháng đầu năm 2019, điều kiện kinh doanh còn được cắt giảm nữa. Chính phủ muốn thúc các bộ, ngành, địa phương phải rà soát lại để xem còn thủ tục nào gây cản trở doanh nghiệp không. Khi đã cắt giảm điều kiện kinh doanh, môi trường kinh doanh sẽ thay đổi theo hướng minh bạch hơn, bớt phiền hà, nhũng nhiễu cho doanh nghiệp.

Hiện nay, chúng ta được nghỉ 2 lần Tết, Dương lịch và Âm lịch. Trên thực tế, nếu sau Tết Âm lịch mới ban hành Nghị quyết thì chậm quá. Đặt ra mục tiêu sớm, Thủ tướng không chỉ đốc thúc bộ, ngành, địa phương mà còn muốn nhắc nhở doanh nghiệp không được chủ quan, mải mê nghỉ Tết quá dài mà cần chú ý công việc, tăng thêm thời gian làm việc. 

Từ góc độ nhà đầu tư, Chính phủ ban hành Nghị quyết sớm, cộng với việc kinh tế vĩ mô ổn định, GDP năm 2018 tăng trưởng cao (7,08%) sẽ là động lực để các tổ chức kinh tế, tài chính nước ngoài muốn đầu tư vào Việt Nam, đặt ra quyết sách ngay từ đầu năm. Nhờ đó, doanh nghiệp Việt Nam có thêm bạn hàng, đối tác và mở rộng thị trường… 

- Bên cạnh môi trường kinh doanh không ngừng được cải thiện, doanh nghiệp Việt Nam còn đứng trước nhiều cơ hội khi đã tham gia nhiều Hiệp định Thương mại tự do (FTA), đặc biệt là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Vậy doanh nghiệp đã có những đổi mới thế nào để hưởng lợi ích, thưa ông?

- Điều quan trọng nhất đối với doanh nghiệp trong hội nhập là họ muốn tham gia được vào chuỗi giá trị, nên nhiều doanh nghiệp đã đầu tư nguồn nhân lực để tham gia nghiên cứu ở các thị trường có FTA, nhất là các nước tham gia CPTPP. Họ đã liên kết hợp tác với tham tán thương mại tại các nước ký FTA và tham tán kinh tế các nước có mặt tại Hà Nội để tìm giải pháp đưa sản phẩm hàng hóa vào các thị trường này.

Ngoài ra, doanh nghiệp cũng có những đổi mới về khoa học - công nghệ và thương mại, dịch vụ để nâng cao năng lực cạnh tranh. Doanh nghiệp hiện nay cũng quan tâm sở hữu trí tuệ hơn trước rất nhiều, làm thủ tục bảo vệ thương hiệu của mình, đặc biệt là đối với sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao; chuyển dịch đầu tư ngành sản xuất, trước đầu tư dàn trải, giờ chuyên sâu hơn; đồng thời, định giá sản phẩm rõ ràng hơn ở phân khúc giá cao và giá trung bình tiếp cận số đông. Trước đây, giá sản phẩm của chúng ta không được định vị, cao không tới, thấp không thông. 

- Ông đánh giá thế nào về năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Hà Nội?

Tận dụng thời cơ tăng trưởng kinh tế, kinh doanh năm 2019 ảnh 2

- Doanh nghiệp Hà Nội luôn nhận được sự ủng hộ, tạo điều kiện của các cấp, các ngành thành phố. Thành phố rất quan tâm đến các sản phẩm công nghiệp chủ lực như: cơ khí, dệt may, da giày, nông nghiệp công nghệ cao, đồ gia dụng. Thành phố đã tổ chức các đoàn giao thương, kết nối, đưa sản phẩm chủ lực vào hệ thống phân phối của các nước. 

Lợi thế thứ hai của doanh nghiệp Hà Nội là kênh phân phối rộng khắp, hiện đại. Các doanh nghiệp cũng bắt đầu liên kết, hợp tác để phát triển. Bên cạnh đó, Hà Nội có các doanh nghiệp khởi nghiệp trẻ. Đây là cơ sở để tiếp cận khoa học công nghệ mới, tăng sản lượng, chất lượng, quy mô và sức cạnh trạnh của doanh nghiệp. 

 Tuy nhiên, để khai thác hết các thế mạnh của doanh nghiệp thì bên cạnh việc cắt giảm điều kiện kinh doanh, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật phải được hiện thực hóa, đặc biệt là Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, quỹ đổi mới khoa học công nghệ, quỹ bảo lãnh tín dụng... Cần có biện pháp tháo gỡ để doanh nghiệp tiếp cận các quỹ này dễ dàng và hiệu quả hơn. Hiện nay, các chính sách hỗ trợ này mới đang dừng ở lại văn bản. 

- Xin cảm ơn ông!

Ông Nguyễn Bích Lâm (Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê): 5 động lực có tính nền tảng cho tăng trưởng kinh tế

Tận dụng thời cơ tăng trưởng kinh tế, kinh doanh năm 2019 ảnh 3

“Năm 2019, kinh tế Việt Nam đứng trước rất nhiều cơ hội. 

- Một là, hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam chuyển sang giai đoạn mới, gắn kết chặt chẽ với nền kinh tế khu vực và toàn cầu. Những thỏa thuận thương mại tự do kiểu mới tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế nước ta với độ mở cao của nền kinh tế, đồng thời tăng cường cơ hội thu hút và tận dụng dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trong năm 2019 và những năm tiếp theo.

- Hai là, kinh tế tư nhân phát triển mạnh mẽ sẽ là nền tảng quan trọng đóng góp rất lớn cho kinh tế Việt Nam. Làn sóng khởi nghiệp hình thành đã huy động được nguồn vốn cho nền kinh tế. 

- Ba là, chuyển đổi cơ cấu kinh tế không chỉ diễn ra giữa các ngành kinh tế mà còn có xu hướng chuyển đổi tích cực trong nội bộ ngành sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cả về tốc độ và chất lượng trong thời gian tới. Công nghiệp chế biến, chế tạo sẽ tiếp tục là động lực quan trọng cho tăng trưởng năm 2019 với sự hỗ trợ tích cực của khu vực doanh nghiệp FDI, đặc biệt là từ các tập đoàn kinh tế lớn, có chuỗi giá trị toàn cầu như            Samsung, LG, Fomosa, Toyota… 

- Bốn là, nhiều năng lực sản xuất mới được bổ sung vào nền kinh tế trong năm 2019. Dự kiến năm 2019, bên cạnh hơn 3 triệu m2 sàn xây dựng nhà ở và trung tâm thương mại, nhiều dự án, công trình lớn sẽ đi vào sản xuất kinh doanh như: Tổ hợp Nhà máy VinFast tại Hải Phòng với công suất 250.000 xe/năm; dự án đầu tư công trình Nhà máy điện sông Hậu tỉnh Hậu Giang có công suất 1.200MW; dự án BOT Bắc Giang - Lạng Sơn với chiều dài 63,9km; công trình đường cao tốc La Sơn - Túy Loan tại Thừa Thiên - Huế với chiều dài 78km... 

Bên cạnh đó, nhiều nhà máy chế biến thực phẩm dự kiến đi vào hoạt động trong năm 2019 và hàng loạt công trình, dự án khác sẽ là động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội trong năm 2019. Và cuối cùng, quy mô dân số trên 95 triệu dân Việt Nam và số lượng khách quốc tế đến nước ta ngày càng tăng cao sẽ tạo động lực cho khu vực sản xuất, dịch vụ và tăng trưởng năm 2019”. 

Ông Trương Văn Phước (Quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia): Khơi dậy tiềm năng của nền kinh tế

Tận dụng thời cơ tăng trưởng kinh tế, kinh doanh năm 2019 ảnh 4

“Trong năm 2018, nền kinh tế Việt Nam gặp nhiều bất lợi. Chiến tranh thương mại đã trực tiếp ảnh hưởng đến tăng trưởng thương mại thế giới, rơi xuống còn 4,2%, từ mức 5,2% cuối năm trước. Bên cạnh đó, giá dầu thô tăng mạnh với mức tăng bình quân 30% trong năm qua, ảnh hưởng mạnh đến lạm phát toàn cầu cũng như của Việt Nam...

Trong bối cảnh đó, kinh tế Việt Nam vẫn tiếp tục đạt được một số thành tựu đáng ghi nhận, đặc biệt tăng trưởng kinh tế đã vượt mức 7% - mức cao nhất trong 10 năm trở lại đây. Lạm phát được kiểm soát dưới 3,6%. Với những thành tựu này, tôi tin tưởng kinh tế Việt Nam năm 2019 sẽ tiếp tục cất cánh, đặc biệt tăng trưởng kinh tế sẽ ít nhất giữ được mức như năm 2018, trong biên độ 6,9-7%. 

Có thể thấy, trong năm 2019, bên cạnh điều lo lắng nhất là chiến tranh thương mại vẫn tiếp tục thì vẫn có những thuận lợi. Chẳng hạn như, giá xăng dầu trong năm tới sẽ không còn tăng cao như năm 2018. Chính sách tiền tệ của nhiều nước, đặc biệt là Mỹ sẽ hết sức thận trọng để làm sao đảm bảo duy trì mức tăng trưởng của họ như hiện nay. Đó là những nhân tố mà chúng tôi tin rằng lạm phát toàn cầu sẽ giảm, lạm phát khu vực và các nền kinh tế mới nổi như Việt Nam cũng sẽ giảm. Công nghiệp chế biến chế tạo và dịch vụ của chúng ta trong năm 2018 tuy có giảm tốc nhưng vẫn còn nhiều điều kiện để phát triển. Nông nghiệp đầu năm tăng trưởng tốt nhưng quý cuối năm có chững lại do tác động của thị trường thế giới. 

Tuy nhiên, chúng ta cũng đứng trước nhiều thách thức và đó là những thách thức chung với nền kinh tế thế giới, vì chúng ta đang hội nhập sâu. Đó là chiến tranh thương mại, sẽ làm cho khối lượng thương mại toàn cầu giảm mạnh. Chúng ta là nền kinh tế mở cửa và tăng trưởng thương mại của chúng ta dựa nhiều vào xuất khẩu. Nếu quy mô thương mại toàn cầu giảm xuống thì chắc chắn xuất khẩu của chúng ta khó khăn. Nhưng thách thức lớn hơn nữa chính là tính thích ứng của chúng ta ở góc độ các chính sách kinh tế vĩ mô như thế nào để có thể loại trừ những khó khăn, đồng thời khơi dậy những tiềm năng của nền kinh tế”. 

Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa (Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh doanh - BDI): Muốn thịnh vương, cần khuyến khích doanh nghiệp tư nhân phát triển

Tận dụng thời cơ tăng trưởng kinh tế, kinh doanh năm 2019 ảnh 5

“Với những thành tựu mà nền kinh tế Việt Nam đạt được trong năm 2018 và những năm qua, có thể rút ra những bài học để nền kinh tế Việt Nam tiếp tục cất cánh trong những năm tới?

- Bài học thứ nhất là, phải khuyến khích doanh nghiệp tư nhân đầu tư và phát triển. Tôi nghĩ đó là bài học đầu tiên và là bài học chiến lược. Bởi không có kinh tế tư nhân, không có doanh nghiệp tư nhân, không có doanh nghiệp khởi nghiệp thì không có tương lai của nền kinh tế.

- Bài học thứ hai là, phải gỡ bỏ nhanh những rào cản hành chính. Năm vừa rồi chúng ta đã làm rất tốt, dù vậy vẫn còn xa so với cái đích mong muốn. Vì vậy, những năm tới, chúng ta phải cải cách mạnh để gỡ bỏ những rào cản này.

- Bài học thứ ba là, phải nhanh chóng có những nguồn tài trợ, có thể dưới dạng các quỹ hoặc các chính sách tín dụng để phát triển công nghệ, để hỗ trợ cho các khu vực kinh tế khó khăn về vốn như nông nghiệp, nông thôn, khởi nghiệp.

Việt Nam đang có 2 thế mạnh lớn. Đầu tiên là nông nghiệp. Nông nghiệp muốn mạnh thực sự thì phải là nông nghiệp sạch. Đầu tư ngành nông nghiệp sạch thì chúng ta có thể nổi danh trên toàn cầu về nông sản. Thế mạnh thứ hai là du lịch. Chúng ta có một môi trường du lịch lý tưởng nhưng làm sao để chúng ta giàu lên vì du lịch, làm sao để làm du lịch sạch, du lịch văn minh? Các chính quyền địa phương cần phải thúc đẩy đầu tư mạnh mẽ vào du lịch theo hướng đầu tư mềm. Cái đáng đầu tư hơn cả là đầu tư vào tính văn minh của con người Việt, đầu tư vào văn hóa cộng đồng của con người Việt, đầu tư khiến mỗi một con người Việt Nam trở thành một sứ giả của quốc gia đối với người nước ngoài. Cuối cùng, vấn đề rất cấp thiết là chúng ta phải nhanh chóng có một cuộc cải cách giáo dục, ít nhất phải đạt tiêu chuẩn khu vực”. 

Đại biểu Quốc hội, PGS.TS Hoàng Văn Cường (Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Quốc dân): Nền kinh tế Việt Nam sẽ cất cánh nếu biết chớp thời cơ

Tận dụng thời cơ tăng trưởng kinh tế, kinh doanh năm 2019 ảnh 6

“Trước hết, muốn phát triển được thì phải nhìn vào khả năng cung và cầu. Năm 2018 vừa qua, tình hình kinh tế - xã hội đất nước ta đã đạt được những kết quả phát triển tích cực, toàn diện và khả năng, tiềm năng cung - cầu của nền kinh tế nước ta trong năm 2019 cũng như những năm tới là rất tốt, hoàn toàn có cơ sở để tin tưởng. 

Chúng ta có một thị trường tiêu thụ lớn và đã được duy trì tốt nhiều năm qua, sức mua vẫn tiếp tục tăng lên khá nhanh. Về cầu thế giới, chúng ta đang có nhiều lợi thế để duy trì các thị trường sẵn có và mở rộng ra các thị trường mới. Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chính thức có hiệu lực với Việt Nam từ ngày 14-1-2019 sẽ mang đến cơ hội cho hàng Việt xuất sang các nước đã phê chuẩn CPTPP với những ưu đãi thuế quan, nhất là trong thời gian đầu. 

Về cung, chúng ta nhìn thấy điểm nổi bật thời gian gần đây là nguồn cung từ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của Việt Nam. Nguồn cung về nông nghiệp năm 2018 có thể nói có sự phát triển đột phá và hoàn toàn có thể kỳ vọng hơn nữa trong những năm tới khi nhiều sản phẩm nông nghiệp Việt Nam đã chiếm được chỗ đứng trên thị trường thế giới. Điểm nữa là nguồn cung về du lịch cũng còn triển vọng tăng trưởng rất lớn…

Song điều cốt yếu nhất, là thời gian qua chúng ta đã cải cách mạnh môi trường đầu tư kinh doanh, chú trọng phát triển kinh tế tư nhân; khuyến khích, thúc đẩy các phong trào khởi nghiệp sáng tạo và tạo điều kiện tốt nhất cho kinh tế tư nhân phát triển, trở thành động lực của nền kinh tế. 

Lợi thế là có song thách thức cũng không nhỏ. Để nền kinh tế Việt Nam có thể cất cánh, hay trở thành quốc gia thịnh vượng, hùng cường, ngoài nội lực từ bên trong, chúng ta cần phải chú ý đánh giá chính xác bối cảnh của nền kinh tế thế giới để chớp thời cơ, có biện pháp ứng biến phù hợp trong từng thời điểm. Phải tiếp tục duy trì được sự ổn định của các chỉ số kinh tế vĩ mô, tiếp tục cải cách môi trường đầu tư kinh doanh, coi đây là trọng tâm của Chính phủ hành động. Nếu làm tốt những điều đó, chúng ta hoàn toàn tin tưởng nền kinh tế Việt Nam sẽ cất cánh”. 

Đại biểu Quốc hội, PGS.TS Trần Hoàng Ngân (Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ): Phải tăng tính tự chủ của nền kinh tế

Tận dụng thời cơ tăng trưởng kinh tế, kinh doanh năm 2019 ảnh 7

“Nhìn lại 3 năm gần đây cho thấy, năm 2016 nền kinh tế của Việt Nam tăng trưởng 6,21%, năm 2017 tăng trưởng 6,8% và năm 2018 tăng trưởng trên 7%. Đó là cơ sở để tin tưởng vững chắc rằng chúng ta hoàn toàn có thể tự tin cho việc thực hiện trọn vẹn kế hoạch kinh tế xã hội 5 năm 2016-2020. Điều đáng ghi nhận là chúng ta đạt được kết quả kép, vừa đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhưng đồng thời đảm bảo được ổn định kinh tế vĩ mô. 

Tuy vậy, trong đề án tái cơ cấu kinh tế, chỉ số năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2018 Việt Nam tụt 3 hạng do yếu tố đổi mới sang sáng tạo đạt thấp, đấy chính là điểm đáng lo ngại. Chính phủ cần có những chính sách đúng và hiệu quả đối với chỉ tiêu đổi mới sáng tạo ứng dụng khoa học công nghệ trong các doanh nghiệp. Một nút thắt nữa trong tình hình kinh tế xã hội cần phải tháo gỡ đó là kết cấu hạ tầng giao thông khi ngân sách Nhà nước dành cho giao thông rất lớn nhưng các dự án vẫn còn nhiều vướng mắc và giậm chân tại chỗ. 

Điểm nữa, bên cạnh việc tiếp tục thực hiện các mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô; kiểm soát lạm phát; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả của nền kinh tế; tập trung cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế... thì năm 2019, Quốc hội đặt thêm mục tiêu nâng cao tính tự chủ của nền kinh tế, bởi nếu như nền kinh tế quá phụ thuộc vào đầu tư nước ngoài sẽ thiếu bền vững, không ổn định. Chúng ta có thể thấy, nếu không nâng cao tính tự chủ, mà chỉ trông chờ vào doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), thì khi họ rời khỏi Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp có quy mô lớn, sẽ khiến mục tiêu quan trọng nhất là ổn định kinh tế vĩ mô của ta bị đe dọa. 

 Tiến Hưng (Ghi)