GS.TS Nguyễn Xuân Kính, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Văn hóa, Viện hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam:

Tâm lý thực dụng phá hỏng lễ hội

ANTĐ - Lễ hội là một hiện tượng có chung của nhân loại, đây là dịp thăng hoa của mỗi một cộng đồng sau một vụ mùa bội thu hay sau chiến thắng chống quân xâm lược. Nói chung, trong nhận thức của người dân, hội phải linh thiêng nhưng cũng phải vui vẻ, thời nhà Nguyễn có câu “Vui xem hát, nhạt xem bơi, tả tơi xem hội, bối rối xem đám ma”. 

Tâm lý thực dụng phá hỏng lễ hội ảnh 1Kẹp tiền vào tay tượng Phật bà nghìn mắt nghìn tay ở hội Lim

Trong một khoảng thời gian nhất định của hội, con người trở nên bình đẳng. Trước thời Bắc thuộc, người Việt cứ đến mùa Thu tháng 8 thì mở hội bởi lúc ấy mùa vụ đã gặt hái xong. Đến thời Bắc thuộc, chúng ta tiếp thu lịch của người Trung Quốc nên từ đấy người Việt mở hội theo 2 mùa: Xuân - Thu mà sau này trong ngôn ngữ hay gọi là “Xuân Thu nhị kỳ”. 

Từ sau đổi mới, chúng ta mở hội nhiều do đời sống kinh tế khá hơn trước. Cái được thì tôi không nhắc lại nhưng cái chưa được còn nhiều điều để nói.

Một là, nhiều khi người ta cực đoan, thái quá nên số lượng lễ hội mở ra nhiều, gây tốn kém thời gian, của cải.

Hai là, trong bối cảnh thị trường, đã nảy ra tâm lý thực dụng, nhìn nhận tín ngưỡng dưới góc độ tiền bạc mà không phải cái tâm, họ đến với nơi linh thiêng như hội đền Bà Chúa Kho, đầu năm vay bà, cuối năm mang lễ trả.

Ba là, chính quyền địa phương cũng muốn thu được doanh thu từ các lễ hội nên đã thổi phồng quy mô của hội làng, hội vùng lớn hơn nhiều lần nguyên bản.

Bốn là, ý thức người dân địa phương kém, có tâm lý “chặt chém” khách du lịch để thu lợi nhanh chóng. Năm là, tâm lý người đi dự hội không phải hướng lòng thành về các bậc tiền nhân mà chỉ chăm chăm cầu lợi, cầu tài cho bản thân. Tổng hợp các nguyên nhân này lại đã dẫn đến một loạt các hiện tượng xấu xí tại các lễ hội như: “đút lót” thần thánh (lấy tiền lẻ dắt vào chân vào tay thậm chí mũi tượng), tranh giành lộc dẫn đến xô xát, gây thương tích giữa những người đi hội, ăn thịt thú rừng giữa nơi tôn nghiêm, ngang nhiên ngồi lên các di tích, nạn sùng bái đi lễ, đi hội đầu năm…

Để tìm lối thoát cho những hiện tượng tiêu cực tại các lễ hội, tôi cho rằng, sự phối hợp đồng bộ cần được đặt lên hàng đầu. Trách nhiệm định hướng, quản lý các lễ hội thuộc về Bộ VH-TT&DL nhưng địa phương phải chấp hành và nhìn nhận đúng về lễ hội. Người dân cần được giải thích để nâng cao ý thức làm du lịch và gìn giữ nét đẹp văn hóa của ngày hội. Cuối cùng là sự vào cuộc của các nhà khoa học để lễ hội được phục dựng đúng tính chất và quy mô như vốn có. Bản thân lễ hội cũng thay đổi bởi nó được xuất phát từ nhu cầu văn hóa của cộng đồng.

Trong thời kinh tế thị trường, lễ hội ồ ạt được phục dựng dẫn đến nhiều hệ lụy đáng tiếc. Nhưng dù phục dựng hay biến tấu, thay đổi chi tiết đến đâu thì có một điều không bao giờ thay đổi ở lễ hội. Đó là giữ được tính thiêng, người đi trảy hội có niềm thành kính hướng về tổ tiên. Điều này đặc biệt quan trọng và kiểm soát hành vi ứng xử của những người đi hội với nhau. Nếu hướng về các bậc tiền nhân, thấy thiêng liêng đến với nơi cửa Phật, cửa đền thì con người sẽ sợ, không dám ngồi lên di tích, không dám ăn mặc hở hang, không dám “chặt chém” du khách và càng không dám lao vào “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” như tại một số lễ hội vừa qua.