Tấm lòng với phạm nhân nhiễm HIV

ANTD.VN - “Đã là phạm nhân thì ai cũng có tâm trạng và những phạm nhân có HIV, tâm trạng ấy thường  trĩu nặng hơn. Họ sẽ suy nghĩ, hành động tiêu cực nếu không nhận được sự gần gũi, cảm thông, chia sẻ”. Với tâm niệm ấy, những quản giáo khoác áo blouse trắng của Trại tạm giam số 1 CATP Hà Nội đã luôn hết mình chăm sóc các phạm nhân nhiễm HIV. 

Tấm lòng với phạm nhân nhiễm HIV ảnh 1Cán bộ Bệnh xá Trại tạm giam số 1 - CATP Hà Nội tận tình chăm sóc bệnh nhân 

Đại úy Nguyễn Hồng Hải, Bệnh xá trưởng Bệnh xá Trại tạm giam số 1 CATP Hà Nội cho hay, nhiều phạm nhân nhiễm HIV khi nhập trại đều không có giấy xác định tình trạng sức khỏe hay qua khám sàng lọc để biết tình hình bệnh tật. Chỉ khi họ mắc bệnh khác, được đưa ra các bệnh viện bên ngoài hoặc gia đình gửi thuốc ARV để điều trị, thì lúc đó mới biết phạm nhân đã nhiễm HIV, thậm chí có người đã chuyển sang giai đoạn AIDS. 

“Công việc chăm sóc những phạm nhân này không hề đơn giản. Có những phạm nhân chuyển sang AIDS giai đoạn cuối nên tâm lý bi quan, nảy sinh tư tưởng chống đối khiến bác sỹ mỗi khi chăm sóc họ luôn phải đề phòng” - bác sỹ Nguyễn Hồng Hải bày tỏ. 

Nhớ lại câu chuyện về một phạm nhân mắc HIV/AIDS, Trung úy Đỗ Thị Nguyệt Thương, cán bộ Bệnh xá Trại tạm giam số 1 kể: “Năm 2006, một phạm nhân tên Hà Văn Vũ nhập trại. Qua kiểm tra sức khỏe, tôi mới biết Vũ nghiện ma túy và nhiễm HIV do sử dụng kim tiêm đã qua sử dụng để chích ma túy”. 

Bệnh nhân này đã bị vỡ hết ven, để có thể tiêm thuốc điều trị, các y tá, bác sỹ tại Trại tạm giam số 1 phải dùng cách “cấy mà”, tức là tiêm trực tiếp vào vùng bẹn, đùi mà không cần lấy ven. Trong một lần tiêm thuốc, Vũ đã bị “vỡ mà” ở bẹn, máu phun tung tóe. Trong tình huống ấy, Trung úy Đỗ Thị Nguyệt Thương không có nhiều thời gian để đắn đo, e ngại, bởi tính mạng của phạm nhân có thể nguy kịch. Phản ứng duy nhất là cầm máu nhằm cứu sống phạm nhân. Với sự khéo léo của nữ y tá trẻ tuổi, phạm nhân Vũ đã vượt qua cơn nguy kịch. 

Theo Bác sỹ Nguyễn Hồng Hải, ngày ngày chăm sóc, giao tiếp với phạm nhân nhiễm HIV có rất nhiều khó khăn, trở ngại, nếu không có một tình cảm yêu thương, không có 1 cái tâm, thì các y tá, bác sỹ ở đây đã không thể vượt qua. Đón nhận sự chăm sóc tận tình, chu đáo, không ít phạm nhân đã phải thốt lên: “Người nhà có khi cũng chưa chăm sóc được bằng các bác sỹ ở đây”. 

Hay có những bệnh nhân nhiễm HIV bị mắc bệnh viêm da tiết bã toàn thân, gần như toàn bộ cơ thể bị lở loét; trong những tình huống đó, nếu không có tâm niệm về y đức, thì các y bác sỹ khó có thể giúp cho bệnh nhân vượt qua được giây phút hiểm nghèo. 

Bao nhiêu năm qua, các bác sỹ, y tá Trại tạm giam số 1 đã tự nguyện chọn cho mình sự gian khổ, hiểm nguy nhất. Họ lặng lẽ viết lên bài ca đẹp về tình người, về cách đối xử nhân văn với những người đang phải trả giá cho những lầm lỗi cuộc đời, đúng như câu hát: “Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ biết dành phần ai?”.