Tai nạn... bệnh viện
(ANTĐ) - Dư luận vừa rộ lên những tai nạn và sự cố đáng lo ngại trong ngành y tế. Tiêm vaccine, trẻ sơ sinh bị thiệt mạng. Cắt amidan, một cháu gái 14 tuổi qua đời. Gây mê nhầm bệnh nhân; có thai ngoài dạ con, chẩn đoán viêm dạ dày. Nếu hệ thống lại hàng loạt các tai nạn đáng tiếc đã xảy ra, thì người dân không thể không lo sợ trước khi bước vào bệnh viện, giao phó tính mạng của mình cho những người được học hành, đào tạo để chăm sóc sức khỏe, chữa trị bệnh tật, giành lại sự sống cho con người.
Bản thân ngành y tế cũng “giật mình” trước thực trạng điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị xập xệ, thiếu thốn. Hệ thống kiểm định vaccine ở nhiều nơi của Việt Nam hàng chục năm nay tồn tại trong tình trạng “tiêu điều”, nhếch nhác. Vaccine nhập khẩu vào nước ta để tiêm phòng cho hàng triệu “mầm non” của giống nòi chỉ được kiểm định một cách sơ sài, qua loa.
Thật thiếu công bằng nếu nói rằng “tai nạn” chỉ xảy ra ở các bệnh viên nước ta quanh năm, bốn mùa luôn chen chúc, chật ních bệnh nhân. Hiện đại tiên tiến nhất thế giới như y tế Mỹ cũng có khoảng 4% bệnh nhân là nạn nhân của những sai lầm “chết người” trong các bệnh viện lớn.
Thực tế có tới hàng triệu trường hợp không được công bố, ngay cả bệnh nhân hay nạn nhân cũng không hề hay biết. Các bệnh viện ở Úc, Canada và châu Âu tỷ lệ bệnh nhân – nạn nhân vào khoảng 7-17%. Trong số này, 1/3 là do cẩu thả trong điều trị và 70% là do lỗi lầm của bác sỹ, dược sỹ và điều dưỡng viên. ở Mỹ, mỗi năm có khoảng 120.000 bệnh nhân chết vì sai lầm và tai nạn y khoa, cao gấp 3 lần số tử vong do tai nạn giao thông.
Tai nạn trong y tế có nhiều nguyên nhân gây tử vong: Chẩn đoán sai, điều trị không đúng quy trình, tai nạn hoặc sự cố trong và sau phẫu thuật, cho thuốc sai liều lượng... Một khi tai nạn xảy ra thường được coi là “ngoài ý muốn”, người ta luôn truy tìm thủ phạm để quy tội. Vấn đề ở đây là hệ thống và môi trường làm việc. Tai nạn y tế không đơn giản là vấn đề cá nhân cán bộ, nhân viên y tế mà chính là “lỗi” của hệ thống: Hệ thống điều hành bệnh viện, phân phối thuốc, an toàn lâm sàng.
Ở Mỹ, trước tình trạng tai nạn trong các bệnh viện trở nên nghiêm trọng, đích thân Tổng thống cho thành lập và trực tiếp chỉ đạo một ủy ban điều tra toàn quốc về những tai nạn y khoa và thẩm định chất lượng y tế tại các bệnh viện. Ở nước ta, chưa hề có ủy ban này. Nếu chấp nhập tỷ lệ tai nạn y tế là 7% (như ở Mỹ, Úc, Canada và châu Âu), thì ở Việt Nam với tổng số bệnh nhân điều trị nội trú khoảng hơn 7 triệu người, ước tính mỗi năm có 493.500 bệnh nhân là nạn nhân bị “tai nạn” trong các bệnh viện.
Ngành y tế chưa từng công bố số liệu “tai nạn” trong các bệnh viện cũng như chất lượng khám chữa bệnh trên quy mô toàn quốc. Chỉ khi nào “nổ” ra một sự cố như teo cơ delta, tiêm chủng vaccine... thì mới hối hả vào cuộc, thành lập đoàn kiểm tra. Như thế có khác gì ngồi chờ “cháy” xảy ra rồi mới lo chữa cháy.
Đan Thanh