Tái hòa nhập cho phụ nữ và trẻ em bị buôn bán trở về
(ANTĐ) - Ngày 23-11, Bộ LĐ-TB&XH cùng tổ chức Di cư quốc tế (IOM) đã tổ chức hội thảo quốc gia hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng cho nạn nhân bị buôn bán nhằm đưa ra những giải pháp hỗ trợ hiệu quả hơn cho những nạn nhân. Kết quả cho thấy, việc tái hòa nhập cộng đồng cho phụ nữ và trẻ em bị buôn bán ra nước ngoài trở về chưa nhận được sự quan tâm của nhiều địa phương.
Nạn buôn bán phụ nữ và trẻ em qua biên giới Lạng Sơn đang có diễn biến phức tạp, có khoảng 4.900 phụ nữ, trẻ em vắng mặt ở địa phương thì có trên 97% phụ nữ, trẻ em tự ý đi Trung Quốc làm ăn và lấy chồng bất hợp pháp, số còn lại bị bọn buôn người lừa gạt.
Đa số phụ nữ và trẻ em này ở nông thôn, trình độ nhận thức thấp, kinh tế khó khăn, chủ yếu là hộ nghèo, không có việc làm, bất hạnh gia đình, quá lứa... Một địa phương nữa là Hòa Bình, năm 2007, cũng là điểm nóng về buôn bán phụ nữ và trẻ em.
Bọn tội phạm đã lợi dụng sự kém hiểu biết của đồng bào vùng sâu vùng xa và nhu cầu tìm kiếm việc làm của người dân, để lôi kéo, dụ dỗ những phụ nữ , trẻ em nhẹ dạ, cả tin bán cho các ổ chứa mại dâm trong nước và nước ngoài, chủ yếu bán sang Trung Quốc.
Hiện Công an tỉnh Hòa Bình đã thực hiện đấu tranh, triệt phá 4 đường dây buôn bán phụ nữ, trẻ em trong đó có 12 đối tượng tham ga, 15 người bị hại, có 3 trẻ em.
Cũng theo khảo sát của Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội C14, Bộ Công an phối hợp với Tổ chức Cứu trợ trẻ em Anh thực hiện (đầu năm 2007 tại 19 tỉnh thành phía Bắc) cho thấy, qua phân tích trong số 661 trường hợp bị buôn bán, số trẻ em chiếm 8,3%, nữ 99,85%.
Theo Bộ LĐ-TB&XH, qua báo cáo của các địa phương, từ năm 1998 đến tháng 6-2007 đã có 6.488 phụ nữ, trẻ em bị buôn bán, chủ yếu bị lừa bán lấy chồng nước ngoài, ép làm gái mại dâm, lao động khổ sai. |
Những người này có trình độ văn hóa thấp, chưa kết hôn 22,8%, hôn nhân có đủ vợ chồng 21%, nghề làm ruộng chiếm 54,5%, không có việc làm 18,5%, kinh tế khó khăn 58,8%, sức khỏe không ổn định 13%, khủng hoảng tâm lý khi trở về 6,1%.
Nạn nhân bị buôn bán khi trở về thường gặp nhiều khó khăn, hoảng loạn về tâm lý, bệnh tật, đặc biệt khó khăn về vốn và việc làm để ổn định cuộc sống tại quê hương.
Bà Đỗ Thị Ninh Xuân - Trưởng phòng Chính sách 06, Cục Phòng chống tệ nạn xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, hiện nay việc hỗ trợ nạn nhân tái hòa nhập cộng đồng được thực hiện ở nhiều địa phương còn mang tính hình thức.
Các hoạt động hỗ trợ chỉ dừng ở bước đầu và cũng chỉ dành cho nạn nhân trở về chính thức, hoặc trong các vùng, địa phương có các dự án quốc tế tài trợ, chưa chủ động lồng ghép các chương trình nhằm phát huy nguồn lực hỗ trợ nạn nhân.
Đặc biệt, cán bộ làm công tác hỗ trợ chưa được đào tạo chuyên nghiệp, khi tiếp xúc với nạn nhân không tạo được sự hợp tác và sự tin tưởng của nạn nhân.
Những nạn nhân bị buôn bán trở về nếu không được trợ giúp kịp thời, tạo điều kiện cho họ ổn định cuộc sống thì rất dễ bị lợi dụng, sa vào các tệ nạn xã hội.
Huệ Chi