Tại cả đôi bên

(ANTĐ) - Hiện nay đang diễn ra một cuộc tranh cãi bất phân “thắng bại” giữa khối doanh nghiệp vừa và nhỏ với các chủ “nhà băng”. Doanh nghiệp thì kêu rằng: “Quá khó tiếp cận vốn ngân hàng”. Nói thẳng ra là ngân hàng quá khắt khe, không chịu mở: Két bạc cho doanh nghiệp nhỏ vay. Ngược lại, một quan chức Ngân hàng Nhà nước lại phản ứng rằng phía doanh nghiệp thông tin thiếu… sòng phẳng. Thực hư ra sao, ai đúng ai sai?

Tại cả đôi bên

(ANTĐ) - Hiện nay đang diễn ra một cuộc tranh cãi bất phân “thắng bại” giữa khối doanh nghiệp vừa và nhỏ với các chủ “nhà băng”. Doanh nghiệp thì kêu rằng: “Quá khó tiếp cận vốn ngân hàng”. Nói thẳng ra là ngân hàng quá khắt khe, không chịu mở: Két bạc cho doanh nghiệp nhỏ vay. Ngược lại, một quan chức Ngân hàng Nhà nước lại phản ứng rằng phía doanh nghiệp thông tin thiếu… sòng phẳng. Thực hư ra sao, ai đúng ai sai?

Trong các giải pháp kích cầu sản xuất kinh doanh của Chính phủ, có một giải pháp “kích” vào vốn và lãi suất cho doanh nghiệp. Trong khi đó, các doanh nghiệp luôn kêu ca là khó sát gần chứ chưa nói tới “chạm tay” vào vốn vay.

Đã bao giờ thử phân tích xem lý do tại sao như vậy? Ông Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đưa ra số liệu thống kê cho thấy, chỉ có khoảng 15% số hồ sơ đề nghị vay vốn của khối doanh nghiệp này là không được ngân hàng cho vay. Hầu hết là bởi không đủ điều kiện.

 Thực tế này cũng được các ngân hàng lớn như Vietin Bank, Oceanbank, Agribank xác nhận qua những con số sống động về tỷ lệ dư nợ của các doanh nghiệp. Phải thừa nhận là lâu nay, khá nhiều doanh nghiệp nhỏ thường có định kiến, thậm chí ác cảm rằng, ngân hàng luôn phân biệt đối xử với mình. Bao nhiêu sự quan tâm, ưu ái đều đổ dồn cho các doanh nghiệp có “vai vế” trên thị trường.

Thực tế này thật khó ai bác bỏ được. Dẫu vậy cũng cần phải nghe cả… hai tai. Tại một diễn đàn vừa mới diễn ra, các ngân hàng đều “đồng thanh tương ứng” cho rằng, khối doanh nghiệp vừa và nhỏ lại chính là đối tượng khách hàng trọng tâm đang được ngân hàng để mắt, quan tâm “chăm sóc”. Ngân hàng nào cũng tích cực tiếp thị sản phẩm, dịch vụ.

Hơn thế, ngân hàng còn cố gắng thu hút những khách hàng “vừa và nhỏ” với những chính sách linh hoạt về điều kiện tín dụng, sản phẩm, dịch vụ mới. Một đại diện Vietin Bank đã khẳng định: “Không có sự phân biệt giữa các doanh nghiệp lớn với doanh nghiệp nhỏ, giữa doanh nghiệp Nhà nước với doanh nghiệp tư nhân. Mà chỉ có sự phân biệt doanh nghiệp “tốt” và doanh nghiệp “chưa tốt” (tốt và chưa tốt là nói về độ rủi ro khi cho vay).

Nói tóm lại, ngân hàng không thiếu tiền mà chỉ thiếu những dự án kinh doanh hiệu quả. Vậy là, không phải vốn vay… khó gần mà chính tại bản thân các doanh nghiệp. Nói cách khác, họ phải chứng tỏ được năng lực sử dụng đồng vốn vay một cách hiệu quả. Ngân hàng phải “trông giỏ bỏ thóc”, chọn mặt gửi… tiền.

Ai dám “liều mạng” cho vay những doanh nghiệp mà vốn chủ sở hữu quá thấp, thông tin tài chính không minh bạch, kế hoạch sản xuất kinh doanh thì mù mờ, không phù hợp với khả năng huy động  vốn cũng như năng lực quản lý? Có lẽ đây là mắc mớ chính khiến nhiều doanh nghiệp thường đổ “oan” cho ngân hàng trong mối quan hệ đi vay - cho vay. Doanh nghiệp luôn nặng trĩu tâm trạng đi vay như “đi xin”, trông chờ vào sự “rộng lượng” của ngân hàng.

Trong khi đó, hàng loạt ngân hàng đang muốn vươn lên vị trí tiên phong để thu hút các doanh nghiệp vay vốn. Nhiều ngân hàng còn hứa hẹn “bắt tay” với các hiệp hội ngành nghề, mở rộng đầu tư tín dụng, nhất là vốn vay dài hạn. Có ngân hàng còn đi xa hơn, có kế hoạch giúp các doanh nghiệp nâng cao năng lực sử dụng vốn hiệu quả, qua đó tăng khả năng tiếp cận các nguồn vốn vay.

Có thể nói giới doanh nghiệp và các ngân hàng tìm “tiếng nói” chung không đến nỗi quá khó. Ngân hàng còn khối tiền, không sợ thiếu vốn vay và cũng không quá khó gần. Vấn đề còn lại là tự thân các doanh nghiệp vừa và nhỏ phải tăng năng lực quản lý tài chính. Chớ nên mặc cảm “thân phận” vừa và nhỏ. Nhỏ không có nghĩa là... bé và nhỏ cũng chẳng phải là yếu.

Đan Thanh