Tắc đường do quá nhiều cơ quan ở trung tâm thành phố

ANTĐ - Ngày 1-12, HĐND TP Hà Nội đã thông qua Dự thảo Nghị quyết về Chương trình mục tiêu giảm thiểu ùn tắc giao thông TP Hà Nội giai đoạn 2016-2020. Bên lề kỳ họp sáng 2-12, ông Nguyễn Văn Hải, Bí thư Quận ủy Nam Từ Liêm (đại biểu HĐND TP tổ Nam Từ Liêm) đã chia sẻ vấn đề này với báo chí.

Tắc đường do quá nhiều cơ quan ở trung tâm thành phố ảnh 1Tình trạng ùn tắc giao thông trên địa bàn Hà Nội còn diễn biến phức tạp, khó lường

- PV: Trong báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết về Chương trình mục tiêu giảm ùn tắc giao thông của Ban Pháp chế HĐND TP Hà Nội có đề cập, sắp tới Hà Nội sẽ thực hiện các biện pháp kiểm soát về  điều chỉnh quy hoạch trong nội đô. Là người từng đảm nhiệm trọng trách Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội, ông đánh giá thế nào về vấn đề này?

Tắc đường do quá nhiều cơ quan ở trung tâm thành phố ảnh 2

- Đại biểu Nguyễn Văn Hải: Sau hơn 3 năm thực hiện Chương trình mục tiêu nhằm giảm thiểu ùn tắc giao thông giai đoạn 2012-2015, UBND TP Hà Nội cho biết, tình hình ùn tắc giao thông đã giảm rõ rệt, số điểm ùn tắc giao thông giảm từ 89 điểm xuống còn 51 điểm. Tai nạn giao thông trên địa bàn Hà Nội giảm trên cả 3 tiêu chí, nhiều nút giao thông thường xuyên ùn tắc nghiêm trọng đã được giải quyết cơ bản.

Vấn đề ùn tắc giao thông hiện nay có nhiều nguyên nhân. Sự gia tăng nhanh chóng lượng phương tiện giao thông cá nhân (tốc độ tăng trung bình khoảng 10% năm), việc đầu tư các công trình hạ tầng giao thông còn nhiều khó khăn, ý thức chấp hành các quy định về trật tự an toàn giao thông của một số bộ phận người dân chưa cao, mạng lưới vận tải hành khách công cộng chưa đáp ứng được yêu cầu… nên tình trạng ùn tắc giao thông trên địa bàn Hà Nội còn diễn biến phức tạp, khó lường.

Đến cuối năm 2011, Hà Nội có 7.365km đường giao thông, trong đó 20% là trục đường chính, 7 trục hướng tâm và 3 tuyến vành đai, cũng như đang quản lý hơn 4,3 triệu phương tiện giao thông các loại, trong đó riêng xe máy chiếm gần 4 triệu. Kết cấu hạ tầng giao thông vận tải còn nhiều bất cập và yếu kém, thiếu một mạng lưới khung hoàn chỉnh về hạ tầng giao thông vận tải.

Tỷ lệ quỹ đất dành cho giao thông quá thiếu (hiện tại chỉ chiếm khoảng 7 - 8% đất xây dựng đô thị), trong khi đó mức yêu cầu hợp lý cho một đô thị hiện đại là từ 20 - 26% (theo quy hoạch xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2020, chỉ tiêu này là 20 - 25%). Mặt cắt ngang đường phần lớn là hẹp (mặt cắt ≥ 11m chỉ chiếm khoảng 30% và có quá nhiều nút giao đồng mức. Mạng lưới giao thông đường bộ chưa hoàn chỉnh để kết nối liên thông tạo thành mạng lưới chính đồng bộ; các tuyến vành đai chưa hoàn chỉnh và khép kín.

Nguyên nhân căn bản của ùn tắc đường là do tập trung quá nhiều cơ quan, đơn vị, trường học ở trung tâm thành phố. Việc kiểm soát, điều chỉnh quy hoạch nội đô là một trong những giải pháp để làm giảm dân số trong nội đô cũng đồng thời thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đó là di chuyển một số cơ quan, đơn vị, trường học; kèm với đó là xây dựng cơ chế, phát triển đô thị mới thu hút người dân ra khỏi khu vực nội đô thực hiện chủ trương của quy hoạch chung là giảm dân số khu vực nội đô từ 1,5 triệu dân xuống còn 800.000 dân cũng là một điều kiện để giảm ùn tắc giao thông

- Vậy các cao ốc, tòa nhà có là nguyên nhân làm tăng mật độ dân số trong nội thành không, thưa ông?

- Thực tế, việc xây dựng các tòa nhà, cao ốc trong khu vực nội đô cũng đã được đảm bảo không làm gia tăng dân số, góp phần tạo cảnh quan kiến trúc của khu vực, tạo điểm nhấn đô thị, tăng tiện ích công cộng cho người dân. Hiện nay, thành phố đã chỉ đạo nghiên cứu xây dựng Quy định quản lý công trình cao tầng khu vực nội đô, sau khi Thủ tướng Chính phủ có ý kiến sẽ ban hành và là công cụ để quản lý và kiểm soát. Tôi tin việc kiểm soát sẽ không làm gia tăng dân số khu vực này.