Sửa đổi Thông tư 30 vẫn chưa thống nhất

ANTD.VN - Sau 2 năm thực hiện Thông tư 30 (bỏ đánh giá học sinh tiểu học bằng điểm số và thay bằng nhận xét), Bộ GD-ĐT đã công bố sửa đổi trước nhiều vướng mắc nảy sinh. Tuy đang trong quá trình lấy ý kiến nhưng có thể thấy, Thông tư 30 sửa đổi vẫn chưa thuyết phục hoàn toàn cả phụ huynh lẫn chuyên gia giáo dục.

Vẫn nhiều ý kiến trái ngược về đánh giá học sinh tiểu học theo Thông tư 30

Lo lắng của phụ huynh là có cơ sở

“Tôi tha thiết yêu cầu Bộ GD-ĐT quay lại việc chấm điểm cho học sinh. Thứ nhất, để các cháu thấy tự hào về khoe với bố mẹ khi mình được điểm cao và tiếp tục phấn đấu.Thứ hai để học sinh lười học, học yếu không chủ quan, ngộ nhận mình đang học tốt mà không phấn đấu. Thứ ba là phụ huynh biết con mình đang học như thế nào để kèm cặp, dạy bảo. Trong giáo dục phải định lượng chứ không thể định tính được” - đây là một trong những ý kiến bạn đọc phản ánh tới Báo An ninh Thủ đô sau khi dự thảo sửa đổi Thông tư 30 của Bộ GD-ĐT được công khai.

Bản thân giáo viên vẫn có người khẳng định, chấm điểm dễ làm, đơn giản, dễ hiểu. Nếu với quan điểm này thì liệu khi áp dụng Thông tư 30 họ có thực hiện đúng theo tinh thần Thông tư hay chỉ làm chiếu lệ, hình thức? Thắc mắc của chị Nguyễn Quỳnh Nga, phụ huynh học sinh trường tiểu học Mai Động, Hoàng Mai không phải là không có cơ sở khi theo Thông tư 30 hiện hành, giáo viên phải ghi chép đánh giá, nhận xét thường xuyên hàng tuần, hàng tháng vào sổ theo dõi chất lượng, nay giáo viên được quyền chủ động ghi vào bản tổng hợp cuối kỳ.

“Vậy nếu có những giáo viên không nhiệt tình, không thực sự quan tâm tới học sinh nên bỏ qua, không nhận xét học sinh thì sao? Chắc chắn, với tâm lý học sinh tiểu học, các con sẽ chủ quan, lơ là nếu giáo viên không kiểm tra bài vở, không đánh giá nhận xét trong một tuần hay thậm chí vài tuần” - chị Nga lo ngại.

Tuy nhiên, nhiều phụ huynh cũng ủng hộ Thông tư 30 và đánh giá Thông tư này thể hiện tư duy mới. Nó thể hiện trách nhiệm của người lớn, từ giáo viên tới phụ huynh, với quá trình tiến bộ của con em mình cả về kiến thức lẫn phẩm chất, lối sống.

“Điểm 10 trên giấy chẳng có ý nghĩa gì khi các con không biết giao tiếp, không biết chia sẻ với bạn bè, không biết tới những trách nhiệm cá nhân thường ngày trong trường học, trong gia đình...” - anh Nguyễn Minh Tuấn, phụ huynh có con học tại trường tiểu học Pascal nhận định.

Thực tế triển khai mới quan trọng

Về phía giáo viên, việc sửa đổi Thông tư 30 theo hướng giảm tải nhận xét được cho là đã giải quyết trúng vướng mắc mà họ gặp phải trong 2 năm thực hiện Thông tư này.

“Trong quá trình dạy trên lớp chúng tôi luôn nhận xét đánh giá, sửa sai cho học sinh bằng lời.  Bất cập của Thông tư 30 là cũng những nhận xét đánh giá ấy lại bắt chúng tôi hàng ngày phải ghi chép lại vào sổ, thậm chí là chép đi chép lại vào 3,4 quyển sổ” - một giáo viên trường tiểu học Văn Chương, Đống Đa cho biết. 

Về ý kiến từ các chuyên gia giáo dục, TS Nguyễn Đức Minh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu đánh giá kết quả giáo dục cho rằng việc sửa đổi Thông tư 30 với tinh thần giữ nguyên nguyên tắc không đánh giá bằng điểm số là đi đúng mục tiêu đổi mới giáo dục.

Tuy nhiên, việc giáo viên thực hiện như thế nào, điều kiện thực tế triển khai ra sao, bồi dưỡng, đào tạo như thế nào là việc Bộ GD-ĐT cần tính đến để tránh rơi vào vướng mắc cũ khi thực hiện Thông tư 30 đại trà, không thí điểm, rút kinh nghiệm, quá gấp gáp.

Việc lộn xộn trong đánh giá, khen thưởng gây phản ứng trong dư luận trong năm học vừa qua cho thấy hiệu trưởng, giáo viên không đủ căn cứ và chưa nắm rõ cách thức thực hiện Thông tư 30. Với 3 mức đánh giá năng lực A, B, C theo dự thảo sửa đổi, sẽ không còn tình trạng học sinh nhận được giấy khen “một mặt” hay “nhiều mặt” nữa.

Tuy nhiên, có chuyên gia giáo dục cho rằng, đây chỉ là cách áp dụng tạm thời trong thời điểm quá độ. Sau này nên bỏ đánh giá theo A, B, C vì nó vẫn là một hình thức có thể làm nảy sinh ganh đua không cần thiết. Cái cần hướng tới phải là thay điểm số bằng tiêu chí. Điều này giúp ích cho người học nhanh tiến bộ hơn là những con số cụ thể.

Bên cạnh đó, việc lấy được sự ủng hộ của phụ huynh hay không còn phụ thuộc vào tính liên thông giữa cách đánh giá học sinh ở bậc tiểu học với các bậc học sau này. Bên cạnh đó, Bộ GD-ĐT chú ý diễn biến trong năm học 2016-2017 tới để nghiên cứu thêm tình hình thực tế, chỉnh sửa cho phù hợp, hoàn thiện Thông tư này để thích ứng với nội dung, mục tiêu chương trình phổ thông mới.