Sự minh bạch phải lên tiếng

ANTD.VN - Theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội, từ năm 2016, người lao động được quyền giữ sổ Bảo hiểm xã hội. Tuy nhiên, do một số vướng mắc nên dự kiến từ năm 2017 hoặc chậm nhất là đầu năm 2018, người lao động mới có thể được giữ sổ. 

Như vậy quyền quản lý sổ Bảo hiểm xã hội được chuyển từ chủ sử dụng lao động sang cho chính người lao động. Người lao động sẽ được giữ toàn bộ chứng từ gốc - đó là quy định cần thiết để đảm bảo quyền lợi cho người lao động, bởi trên thực tế việc các chủ sử dụng lao động trốn tránh đóng bảo hiểm cho người lao động hay gây khó dễ khi người lao động nghỉ việc thông qua cuốn sổ Bảo hiểm xã hội diễn ra hết sức phổ biến. 

Điều đó thể hiện rõ ràng nhất qua con số nợ bảo hiểm xã hội. Tính tới tháng 10-2016, số nợ đã lên tới 13.121 tỷ đồng, chiếm 6% số phải thu. Đã đến lúc sự minh bạch phải lên tiếng, người lao động có quyền biết doanh nghiệp đã đóng Bảo hiểm xã hội cho mình là bao nhiêu tiền và trong thời gian bao lâu.

Nhiều người lao động cho biết, khi cuốn sổ Bảo hiểm xã hội nằm trong tay chủ sử dụng lao động thì người mới được ký hợp đồng hay người đã làm việc cả chục năm trời cũng không biết “mặt mũi” cuốn sổ này ra sao. Trong khi đó, Bảo hiểm xã hội là sự bảo đảm thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi họ bị giảm hoặc mất thu nhập do ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, thất nghiệp, hết tuổi lao động hoặc chết, trên cơ sở đóng vào Quỹ Bảo hiểm xã hội.

Việc chủ sử dụng lao động trốn không đóng hoặc đóng không đầy đủ, nợ tiền bảo hiểm sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới những quyền lợi sát sườn của người lao động nhưng lâu nay thông tin về việc đóng bảo hiểm ra sao thì người lao động lại không được biết và dường như họ phải tự hiểu đó là quyền của người sử dụng lao động, mặc dù nghĩa vụ của người sử dụng lao động phải công khai cho người lao động biết điều đó. Đây được xem là một nghịch lý bởi người lao động bị tách khỏi thông tin về quyền lợi của mình, muốn khiếu nại hay thắc mắc về quyền lợi theo đó cũng hết sức khó khăn.

Chính vì vậy, việc trả sổ Bảo hiểm xã hội để người lao động giữ và có thể theo dõi thường xuyên, đảm bảo quyền lợi của người lao động trong thời gian làm việc nhận được sự ủng hộ của đông đảo người lao động. Cũng theo quy định tại Luật Bảo hiểm xã hội thì người sử dụng lao động có trách nhiệm định kỳ 6 tháng phải niêm yết thông tin về việc đóng Bảo hiểm xã hội cho người lao động và công khai thông tin do cơ quan Bảo hiểm xã hội cung cấp. 

Quy định này là hoàn toàn cần thiết để đáp ứng được một trong những nguyên tắc cơ bản của Bảo hiểm xã hội đó là phải đơn giản, dễ dàng, thuận tiện, bảo đảm kịp thời và đầy đủ quyền lợi của người tham gia. Tuy nhiên, không ít doanh nghiệp vẫn tiếp tục kiến nghị để chủ sử dụng lao động giữ sổ Bảo hiểm xã hội của người lao động. Nhiều lý do được doanh nghiệp đưa ra như, nếu trả sổ cho người lao động sẽ bị thất lạc sổ và ảnh hưởng đến việc giải quyết các thủ tục liên quan.

Tuy nhiên có thể khẳng định rằng, kiến nghị tiếp tục giữ sổ Bảo hiểm xã hội là vì quyền lợi của mình chứ không vì quyền lợi của người lao động. Phải chăng những doanh nghiệp đưa ra kiến nghị này vẫn muốn tiếp tục “mù mờ” thông tin để gây khó dễ cho người lao động? Bởi theo quy định thì người lao động được giữ sổ nhưng cơ quan bảo hiểm sẽ lưu chứng từ điện tử trên hệ thống mạng quản lý. Nếu người lao động lỡ làm mất sổ sẽ dễ dàng được cấp lại.