Sự đam mê hiếm có

(ANTĐ) - Sinh năm 1987, chỉ học hết lớp 9 vì kinh tế gia đình khó khăn, sáng chế ra nhiều loại máy hữu dụng trong cuộc sống. Đoạt giải nhất trong cuộc thi sáng tạo khoa học dành cho thanh thiếu niên toàn quốc khi mới 18 tuổi. Đó là chàng thanh niên Nguyễn Hữu Năm, ở thôn Phú Yên, xã Trường Yên, Chương Mỹ, Hà Nội.

Sự đam mê hiếm có

(ANTĐ) - Sinh năm 1987, chỉ học hết lớp 9 vì kinh tế gia đình khó khăn, sáng chế ra nhiều loại máy hữu dụng trong cuộc sống. Đoạt giải nhất trong cuộc thi sáng tạo khoa học dành cho thanh thiếu niên toàn quốc khi mới 18 tuổi. Đó là chàng thanh niên Nguyễn Hữu Năm, ở thôn Phú Yên, xã Trường Yên, Chương Mỹ, Hà Nội.

Làm robot từ linh kiện... chợ  Trời

Từ Hà Nội theo Quốc lộ 6 gần 40km chúng tôi đến thôn Phú Yên, xã Trường Yên vào một buổi trưa khi Năm đang dở tay với những chi tiết của máy đục thủy lực. Từ khi 12 tuổi em đã theo bố làm nghề mộc, khi thấy những người thợ phải kỳ công bào và đục những chi tiết rất khó khăn và mất thời gian, Năm đã có ý tưởng sẽ thiết kế và sản xuất ra các loại máy để giúp người thợ giảm bớt công sức lao động. Do hoàn cảnh kinh tế khó khăn, nhà lại có 6 anh chị em nên Năm phải nghỉ học từ năm lớp 9 để phụ giúp gia đình.

Với lòng ham mê môn Vật lý, Năm đã tự đi tìm những mảnh sắt phế liệu và các con ốc vít để lắp ghép thành robot. Chẳng hạn robot DC26, được cấu tạo một phần từ chiếc đầu video hỏng và mấy mảnh gỗ thừa của gia đình, hay robot DN5 là một trong ba sản phẩm của Việt Nam tham dự Triển lãm Sáng tạo Quốc tế tổ chức tại ấn Độ, được làm chủ yếu từ các linh kiện điện tử Năm mua ở “chợ Trời”, Hà Nội.

Ban đầu những robot của Năm chỉ là những robot bất động nhưng điều đó không làm em nản chí. Năm vẫn tiếp tục niềm đam mê sáng chế của mình, em đã tìm mọi thứ vật dụng trong nhà có thể để chế tạo các bộ phận của robot.

“Ham mê, miệt mài với robot đến mất ăn, mất ngủ, tháo xích cam xe máy để chế tạo những chi tiết cho robot “ - mẹ Năm tâm sự. Sau một thời gian dài nghiên cứu và sáng tạo những robot của Năm đã làm được một số việc như cẩu hay đẩy dụng cụ. 

Nguyễn Hữu Năm kiểm tra việc gia công chi tiết máy đục thủy lực
Nguyễn Hữu Năm kiểm tra việc gia công chi tiết máy đục thủy lực

“Có công mài sắt …”

ý tưởng mang robot đi thi cũng thật tình cờ khi xem tivi thấy có chương trình cuộc thi “ý tưởng sáng tạo khoa học dành cho thanh thiếu niên toàn quốc”, do Trung ương Đoàn, Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức. Vậy là Năm đã mạnh dạn gửi sản phẩm của mình đi thi.

Năm kể: “Khi mang sản phẩm đi thi em cũng không nghĩ là mình lại đoạt giải nhất, em vẫn còn nhớ mãi đêm trao giải năm 2005. Đây là những thành quả lớn nhất mà em đạt được. Kỷ niệm đáng nhớ nhất với em là lần đầu tiên được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp”.

Mô hình cẩu robot của Năm đã vượt qua 227 sáng chế khác trên cả nước để giành giải nhất. Đây là động lực giúp Năm tiếp tục con đường nghiên cứu, sáng chế. Năm 2006, em tiếp tục tham gia cuộc thi “ý tưởng sáng tạo dành cho thanh thiếu niên toàn quốc” lần thứ 2, lần này Năm chỉ đoạt giải khuyến khích về sản phẩm bộ van chống lật cho xe ôtô.

Sau hai lần tham gia cuộc thi “ý tưởng sáng tạo dành cho thanh thiếu niên toàn quốc”, Năm đã có những sáng chế thực tế áp dụng trong cuộc sống. Vào năm 2006, chàng thanh niên đã thiết kế thành công chiếc máy bào gỗ đầu tiên giúp những người thợ mộc giảm bớt công sức lao động.

Tiếp đó là chiếc máy kéo nan mành, giúp cho người làm mây tre đan tăng năng suất lao động và hạn chế được tai nạn lao động khi vót nan. Và gần đây nhất, Năm cho ra đời chiếc máy thái sắn, công suất 2-4 tấn/giờ, hiện tại đã có nhiều cơ sở chế biến nông sản đặt mua.

Đến nay, Năm đã sáng chế được 8 loại máy phục vụ trong cuộc sống từ máy chế biến nông sản đến máy phục vụ cho công nghiệp. Hiện nay có rất nhiều khách hàng là các doanh nghiệp đến đặt hàng, có những doanh nghiệp ở tận Hưng Yên, Phú Thọ cũng tìm đặt mua.

Năm 2007, em đã đứng ra mở một xưởng cơ khí chuyên chế tạo các loại máy phục vụ cho công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp như máy soi trục đứng, máy đục thủy lực, máy kéo mành, máy cuốn gầm... Những chiếc máy này do tự tay Năm vẽ, thiết kế và gia công sản xuất. Hiện nay xưởng cơ khí của Năm đã tạo việc làm cho nhiều thanh niên trong thôn.

Trao đổi với phóng viên ANTĐ, anh Nguyễn Văn Đệ - Phó Bí thư Chi đoàn xã Trường Yên cho biết “Năm là một thanh niên rất sáng tạo và tham gia nhiệt tình vào công tác xã hội tại địa phương, nhưng cái khó khăn nhất hiện nay để những thanh niên như Năm lập nghiệp là việc thiếu vốn để sản xuất”.

Năm cũng đã được mời tham dự nhiều cuộc tọa đàm về lập nghiệp dành cho thanh niên của Trung ương Đoàn. Với những thành tích đã đạt được, Năm đã được UBND tỉnh Hà Tây (cũ) và huyện đoàn Chương Mỹ tặng Bằng khen về sự sáng tạo dành cho thanh thiếu niên.

Lê Quân