“Sốt”
(ANTĐ) - Thời “bao cấp” hay là thời “kế hoạch hóa” hầu như không có “sốt” nhà đất, “sốt” xăng dầu, “sốt” karaoke và vũ trường. Lại chả bao giờ có “sốt” “lên sàn” v.v và v.v... Nhiều lắm, chỉ có đổ mồ hôi hoặc rét run lên cầm cập, khi xếp hàng để mua hàng hóa, mua vé tàu, vé xe trong khí trời cực nóng hoặc cực rét mà thôi.
Nay thì đủ loại “sốt”: “Sốt” nhà và đất, “sốt” chứng khoán, “sốt” giá, “sốt” xi măng, sắt thép, “sốt” bằng cấp... Và cả “sốt” các “ông sao”, các “bà sao”... “Sốt” các thứ “bệnh”: “Bệnh” tham nhũng, “bệnh” quan liêu, “bệnh” lắc, “bệnh” giật... Cứ là “sốt” đùng đùng cả lên. Chỉ có điều, dù phải sống chung với “sốt” con người ta không thể bỏ mà đi được. Không thể ngoảnh mặt mà trông đi nơi khác được. Không thể “quay đằng sau quay” được, càng không thể phán lung tung được. Cứ là phải sống chung với “sốt” thôi.
Cơ thể đang “sốt” là cơ thể đang có vi trùng hay là cơ thể đang có sức sống mãnh liệt có khả năng đề kháng cao? Đại đa số người có chút ít am hiểu về y học bảo đó là một cơ thể đang có sức sống. Ngược lại, một cơ thể yếu ớt, già nua thường ít “sốt”. Hoặc có “sốt” chỉ “sốt” nhè nhẹ. Hoặc không còn biết “sốt” nữa. Nghĩ thế, nên con người ta vẫn lạc quan dù có mệt đùng đùng lên vì “sốt”.
Nhưng dù sao đã có “sốt” là có vi trùng thâm nhập vào cơ thể. Hoặc là “gien” bị lỗi, thậm chí là bị “rối loạn” về gien. Nghĩa là có bệnh rồi.
“Có bệnh thì vái tứ phương”. Người bệnh nào chả vậy.
Nhưng phàm là thầy thuốc thì không thể giật đùng đùng được. Không thể cũng đi vái tứ phương được. Càng không thể phán lung tung được cho dù động cơ có trong sáng hoặc khiêm tốn đến đâu chăng nữa. Thầy thuốc nào mà đi vái tứ phương thì chưa hẳn là thầy thuốc thuộc loại giỏi và có bản lĩnh. Thầy thuốc nào mà giật đùng đùng lên thì chẳng những không làm cho con bệnh thuyên giảm.
Mà còn làm cho con bệnh chết vì phát khiếp trước hành vi và những thái độ thiếu bình tĩnh của thầy thuốc. Y học hiện đại ngày nay bảo: Đó là cái chết tâm lý. Thầy thuốc nào mà phán lung tung thì chẳng may mà trúng thì con bệnh khỏi phần nhiều và không trúng thì không khỏi. Mà cái chết được báo trước là cái chết về uy tín của thầy thuốc, không trước thì sau sẽ có ít người tin cậy lắm.
Thế nên, người lạc quan về một cơ thể đang có sức sống là người thế nào cũng biết sống chung với “sốt”. Và người thầy thuốc giỏi là người thầy thuốc có đủ tri thức dự phòng để dự báo và ngăn ngừa “sốt” hoặc chí ít là bao vây cơn “sốt” trong phạm vi hậu quả xảy ra ít nhất và kiểm soát được.
Vái tứ phương hoặc phán lung tung chưa bao giờ nằm trong tiêu chí để phân loại là người thầy thuốc giỏi.
Con người ta, ai ai cũng có vi trùng ở trong người. Người ít, người nhiều đều mang bệnh cả. Đều ít nhiều biết đến thầy thuốc cả. Thế nên thầy thuốc giỏi hay thầy thuốc chưa giỏi cứ “sốt” là biết liền. Vì thế mà “sốt” là một cơ hội, một phép thử màu nhiệm để đánh giá con người. Xin đừng bao giờ bỏ qua các cơn “sốt” đến từng chi tiết một, động thái một và tất tần tật cái gì ở đằng sau các cơn “sốt”. “sốt” một hiện tượng thật là tích cực lắm thay.
Lò Văn Minh