Sốt xuất huyết bùng phát, nhiều người vẫn thờ ơ

ANTĐ - Sốt xuất huyết (SXH) đang ở đỉnh dịch của năm, 25 người đã chết, nhiều bệnh viện quá tải. Phun thuốc diệt muỗi là biện pháp phòng trừ bệnh hiệu quả nhất, song ở nhiều nơi người dân vẫn chưa nhận thức đầy đủ.
Sốt xuất huyết bùng phát, nhiều người vẫn thờ ơ ảnh 1

Bệnh viện quá tải

Hiện cả nước ghi nhận 40.000 ca SXH, trong đó TP.HCM dẫn đầu với 9.000 ca. Riêng tại Hà Nội, toàn thành phố đã ghi nhận hơn 2.100 ca mắc SXH và số mắc tiếp tục có xu hướng tăng. Chỉ tính riêng Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương số ca mắc SXH trong tháng 9 đã tăng gần gấp đôi so với tháng 8, từ 188 ca lên hơn 300 ca, khoảng 4% bệnh nhân trong tình trạng nặng.

Tính tới ngày 28-9 có gần 650 bệnh nhân SXH khám và điều trị tại đây. Bệnh nhân chủ yếu ở Hà Nội, nhiều nhất là từ quận Hoàng Mai, quận Hai Bà Trưng, huyện Thanh Trì… Hiện bệnh viện 220 giường bệnh nhưng có 400 bệnh nhân, trong đó gần 80 người bệnh SXH. Một số phòng bệnh đã diễn ra tình trạng quá tải phải nằm ghép 2, 3 người một giường. Riêng Khoa Virus - Ký sinh trùng mỗi ngày trung bình tiếp nhận khoảng 20 bệnh nhân nhập viện, trong khi đó số bệnh nhân cũ chưa kịp ra viện đã dẫn đến tình trạng quá tải. Khoa đã phải tăng cường nhiều giường tại hành lang nhưng bệnh nhân vẫn phải nằm ghép. Do tình trạng bệnh viện quá tải nên tất cả bệnh nhân nằm ghép đều chấp nhận ký cam kết tự nguyện. 

Theo khuyến cáo của các bác sĩ, người dân không tự ý điều trị SXH tại nhà dẫn đến bệnh trở nặng và có thể tử vong. Khi có các biểu hiện nghi ngờ như sốt cao liên tục 2-7 ngày, khó hạ sốt; đau cơ, đau khớp; buồn nôn, nôn, đau bụng, đau đầu; phát ban, xuất huyết dưới da... thì cần đến ngay cơ sở y tế.

Người dân thờ ơ với phun thuốc diệt muỗi

Để phòng bệnh, phương pháp chính là kiểm soát số lượng muỗi, đảm bảo vệ sinh môi trường, không để có nước đọng, những nơi ẩm thấp muỗi thường cư trú. Tránh tuyệt đối bị muỗi đốt, ngủ phải nằm màn. Đặc biệt ở những ổ dịch thì cần phải phun thuốc diệt muỗi trên diện rộng. Mặc dù cơ quan y tế đã đẩy mạnh tuyên truyền về việc phòng dịch bệnh, nhưng không ít người dân vẫn thờ ơ, thiếu hiểu biết. Theo ghi nhận, việc tổ chức chiến dịch phun hóa chất phòng bệnh SXH tại các khu dân cư được coi là ổ dịch không ít hộ dân đã không hợp tác với cán bộ phun thuốc. Khảo sát của Cục y tế dự phòng thì chỉ có 60% hộ gia đình hợp tác với cơ quan y tế trong việc phun thuốc trừ muỗi. 

Nguyên nhân một phần do các gia đình đi làm không có người ở nhà, một phần cho rằng nhà mình “sạch sẽ” không có muỗi hoặc đã phun trước đó, nhưng một bộ phận không nhỏ cho rằng phun thuốc diệt muỗi có mùi khó chịu và sợ gây độc hại nên không mở cửa. Tại Hà Nội, nhiều địa bàn dân cư khi các cán bộ đi phun thuốc, mặc dù đã thông báo trước nhiều ngày nhưng đến ngày phun vẫn đóng cửa, cán bộ phải vất vả bắc loa kêu gọi từng gia đình. Nhiều người có thái độ khó chịu, thậm chí ở nhà nhưng vẫn đóng cửa khiến cán bộ phải giải thích vất vả.

Hiện các loại thuốc được cơ quan y tế sử dụng phun trừ muỗi đều đã được Tổ chức Y tế thế giới khẳng định an toàn cho con người. Vì vậy, để chủ động phòng trừ bệnh SXH, người dân cần chủ động phối hợp với cơ quan y tế.