“Sống khổ” ở chung cư cao cấp

ANTĐ - Chung cư cao cấp (CCCC) xuất hiện ở Việt Nam chưa lâu nhưng cũng không quá mới. Đến thời điểm này, tới hơn một nửa số chung cư trên địa bàn Hà Nội được quảng cáo là cao cấp. Cuộc tranh luận về tiêu chí nào để định hình CCCC còn chưa ngã ngũ thì người dân lại được những phen dở khóc dở cười vì những cảnh trớ trêu chỉ có thể xảy ra ở CCCC.

Người dân tòa nhà Keangnam phản đối chủ đầu tư vì mức phí dịch vụ quá cao


Ở chung cư cao cấp là phải... kiện

Kiện cáo tùm lum nhất phải kể đến tòa nhà Keangnam. Phải bỏ ra hàng tỷ đồng để sở hữu một căn hộ ở tòa nhà cao nhất Việt Nam nhưng người dân ở đây chưa lúc nào thôi phiền lòng, bức xúc về chất lượng phục vụ “thượng đế” của chủ đầu tư. Đỉnh điểm là vụ việc xảy ra ngày 3-12 vừa qua khi chủ đầu tư và ban quản lý tòa nhà đã hạn chế quyền sử dụng thang máy của 370 hộ dân vì không chịu đóng phí dịch vụ.

Không chịu lép vế, hàng trăm cư dân Keangnam đã mang chiếu, loa phát thanh thậm chí đốt than tổ ong để phản đối chủ đầu tư. Nhiều hộ dân không thể lên nhà phải vạ vật ở sảnh hai tòa tháp A, B. Sự việc lên đến đỉnh điểm khi cư dân bức xúc ùa đến văn phòng của Ban quản lý yêu cầu cung cấp lại dịch vụ. Buổi tối, nhiều cư dân còn mang cả võng, chăn gối, lều chõng, thức ăn ở sảnh trước tòa nhà và trụ sở Ban quản lý để tá túc nếu không được cung cấp lại dịch vụ. Vụ việc kéo dài nhiều giờ đồng hồ, cuối cùng khi có sự xuất hiện của cơ quan chức năng thì đơn vị quản lý mới nhượng bộ để người dân sử dụng thang máy, tình trạng hỗn loạn mới tạm thời chấm dứt.

Sự việc này chỉ là “giọt nước tràn ly”, bởi thực tế việc kiện tụng giữa người dân và chủ đầu tư tòa nhà đã diễn ra từ lâu. Vừa dọn đồ đạc vào nhà mới, cư dân ở đây đã nhận được thông báo mức thu phí dịch vụ “trên trời”. Cụ thể: Phí trông giữ xe ôtô là 1.462.000 đồng/tháng, 20.000 đồng/2h; Phí trông giữ xe máy là 104.000 đồng/tháng, 10.000 đồng/lượt; 60.000 đồng/qua đêm; Phí dịch vụ khác 21.000 đồng/m2, chỉ bao gồm vệ sinh, quét dọn và bảo vệ; còn bể bơi, sân tennis... muốn sử dụng phải mất thêm tiền. Như vậy, với căn hộ chừng trên 100m2, mỗi tháng chỉ tính riêng phí dịch vụ cũng mất trên 2 triệu đồng chưa kể tiền gửi xe và các khoản khác.

Sau nhiều kiện tụng, phản đối, cuối cùng chủ đầu tư cũng chịu nhượng bộ giảm phí gửi xe xuống đúng quy định của UBND TP Hà Nội. Riêng phí dịch vụ tòa nhà vẫn ở mức trên 18.000 đồng/tháng/m2. Chưa tán đồng với mức phí đưa ra, cư dân ở đây đã tiếp tục có hàng chục văn bản gửi tới chủ đầu tư cũng như cơ quan chức năng nhưng sự việc vẫn chưa được giải quyết.

Theo một thành viên trong ban đại diện tòa nhà, phí dịch vụ cao đã đành nhưng chất lượng dịch vụ lại thiếu chuyên nghiệp. Chẳng hạn như tháng 6 vừa qua, nhân viên vận hành làm vỡ ống nước khiến hàng chục căn hộ bị ngập nước, hỏng thang máy, hỏng sàn, tường. Giữa tháng 9, nhân viên kỹ thuật của Ban quản lý tòa nhà báo động nhầm khiến hàng trăm người tá hỏa chạy nạn vì tưởng tòa nhà bị cháy. Rồi các vụ mất trộm, hành hung người vẫn xảy ra, sân chơi trẻ em bị chiếm dụng vào việc khác…

Không chỉ Keangnam, hầu tất các khu chung cư cao cấp khác cũng rơi vào cảnh kiện tụng. Trước đó là vụ việc tại khu chung cư The Manor. Người dân sống tại chung cư này bức xúc vì cho rằng Ban quản lý đã áp đặt, không bàn bạc, không có sự thỏa thuận với người dân về mức phí gửi xe tại tầng hầm. Đỉnh điểm, trong khi chờ đợi thỏa thuận của hai bên, ban quản lý tòa nhà đã hạ rào chắn và không cho người dân gửi xe. Tương tự, cư dân tòa nhà Golden Westlake (Thụy Khuê) cũng phải bỏ ra gần 1 tỷ đồng để sở hữu một chỗ để xe thuận lợi. Cụ thể cư dân sẽ phải nộp khoảng 800 triệu đồng trong 38 năm để có một chỗ để xe ở tầng hầm B1. Nếu không có tiền thuê dài hạn thì có thể thuê theo tháng với giá 1 triệu đồng/tháng nhưng phải đỗ tại tầng hầm B2, xa và chật chội hơn. Trước đó, mức giá này đã phải giảm từ 3 triệu đồng/tháng xuống mức 1 triệu đồng do sự phản đối của người dân. Theo tính toán của các cư dân nơi đây, nếu đem số tiền 800 triệu gửi tiết kiệm với lãi suất 14% mỗi năm thì cư dân sẽ nhận được 112 triệu đồng mỗi năm, tương đương với hơn 9 triệu đồng mỗi tháng. Điều này, đồng nghĩa với chủ đầu tư đã thu được ít nhất 9 triệu đồng một chỗ để xe mỗi tháng, một hình thức kinh doanh siêu lợi nhuận.

Chủ đầu tư thì khẳng định nội quy chung trong hợp đồng mua bán nhà nêu rõ diện tích kho tầng hầm là một trong những công trình tiện ích không phải diện tích chung mà thuộc quyền sở hữu của chủ đầu tư, do đó họ có toàn quyền trong việc định giá thuê. Ngược lại, phía cư dân thì cho rằng mình bỏ ra hàng chục tỷ đồng để sở hữu một căn hộ ở đây mà đến nay lại bị hạn chế quyền sử dụng các tiện ích này là không xứng đáng.

Nỗi khổ khó gọi thành tên

Tại các khu đô thị mới như Văn Quán, Hà Đông thì người dân ở đây lại rơi vào cảnh trớ trêu khi họ sống ở đây đã mấy năm nhưng chẳng có tổ dân phố, chẳng có Chi hội Người cao tuổi, Hội Phụ nữ hay Đoàn Thanh niên… gì để người dân sinh hoạt. Rồi tình trạng thiếu Nhà văn hóa, thiếu cây xanh, không gian vui chơi, giải trí, dịch vụ tiện ích… là chuyện phổ biến ở các CCCC.

Tìm tiếng nói chung?

Ngày 29-9-2011, UBND TP Hà Nội đã ra quyết định 4520 về việc phê duyệt Đề án giá dịch vụ chung cư và ban hành giá trần giá dịch vụ nhà chung cư trên địa bàn Hà Nội. Theo quyết định này thì có 3 mức giá, đó là 2.400 đồng/m2/tháng cho nhà chung cư không có thang máy; 3.100 đồng/m2/tháng cho nhà chung cư có thang máy mức thiết yếu và 4.000 đồng/m2/tháng cho nhà chung cư có thang máy mức mở rộng.

Tuy nhiên, quyết định này lại có một quy định mở, đó là nếu giữa bên cung cấp và bên sử dụng dịch vụ đã có thỏa thuận về giá dịch vụ nhà chung cư thì thực hiện theo thỏa thuận đó. Nhưng trên thực tế, hầu tất các vụ thỏa thuận giữa chủ đầu tư, Ban quản lý và cư dân trong các tòa CCCC đều đi vào bế tắc. Theo đại diện một chủ đầu tư thì nếu thực hiện như quy định về mức trần giá dịch vụ như trên thì các chủ đầu tư phải bù lỗ một khoản lớn để duy trì các hoạt động của tòa nhà.

Còn theo Luật Nhà ở thì nhà chung cư phải có Ban quản trị gồm đại diện chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư đó để bảo vệ quyền lợi, lợi ích của chủ sở hữu, người sử dụng chung cư. Tuy nhiên, hình thức chủ yếu tại các chung cư hiện nay chỉ là 1 Ban quản lý được chính chủ đầu tư lập ra. Vì vậy, khi có tranh chấp hoặc mâu thuẫn thì việc ban quản lý này đứng về phía chủ đầu tư là đương nhiên. Ngoài ra, các cư dân thường phải buộc chấp nhận chủ đầu tư là người duy nhất cung ứng các dịch vụ, tiện ích trong toàn bộ tòa nhà. Khi mua nhà không ít hộ dân không xem kỹ hợp đồng trong đó có điều khoản chủ đầu tư giữ lại các hạng mục, công trình phụ gắn với nhu cầu thiết yếu hàng ngày của những người sống trong chung cư. Vì vậy, khi chung cư được đưa vào khai thác, thì chủ đầu tư tổ chức việc sử dụng các công trình ấy để kinh doanh theo mức giá tự đề ra. Việc này đã vi phạm Luật Nhà ở quy định “phần sở hữu chung” trong nhà chung cư bao gồm: hành lang, cầu thang bộ, thang máy, đường thoát hiểm, nơi để xe... và các phần khác không thuộc sở hữu riêng của căn hộ nào.

Ông Phạm Sĩ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng cho biết, Bộ Xây dựng đã ra Quy định về quản lý chung cư. Theo đó, khi có quá nửa số căn hộ được sử dụng thì chủ đầu tư phải triệu tập cuộc họp với dân bầu ra Ban quản lý chung cư. Ban quản lý này sẽ soạn thảo Quy chế hoặc Điều lệ quản lý tòa nhà. Quan trọng nhất, trong quy chế này sẽ thể hiện rõ về mức phí, trách nhiệm người dân, họ có thể tự làm vệ sinh hoặc thuê riêng một công ty dịch vụ, quản lý, số tiền sẽ được chia theo m2 để chi trả. Đa số chung cư hiện nay đều theo mô hình quản lý mà chủ đầu tư lập ra để nắm độc quyền, áp đặt người dân về giá dịch vụ. Họ thu phí cao nhưng chất lượng phục vụ không tương xứng.

Cũng có ý kiến cho rằng khi chấp nhận ở một khu chung cư hiện đại thì người dân phải chấp nhận mức phí cao hơn bình thường. Tuy nhiên, mức phí này như thế nào cho hợp lý là một câu hỏi lớn (?) Trước tiên, chủ đầu tư và người sử dụng cần dung hòa lợi ích của mình để bộ mặt CCCC không quá tệ hại, điều này rất cần sự ra tay của Nhà nước để có một khung pháp lý phù hợp cho CCCC.