Sợ mất... độc quyền

(ANTĐ) - Thủ tướng Chính phủ đã quyết định điều chỉnh giá điện. Một quyết định khó khăn nhưng không còn cách lựa chọn nào khác. Bộ Công Thương đã đề xuất Đề án tái cơ cấu ngành điện, nhưng Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) lại không nhất trí với đề án đó, bởi lập luận rằng, làm như vậy sẽ không còn EVN theo đúng nghĩa của tập đoàn. Có đúng như thế không hay là vì EVN lo giảm vị thế độc tôn, sợ mất độc quyền?

Sợ mất... độc quyền

(ANTĐ) - Thủ tướng Chính phủ đã quyết định điều chỉnh giá điện. Một quyết định khó khăn nhưng không còn cách lựa chọn nào khác. Bộ Công Thương đã đề xuất Đề án tái cơ cấu ngành điện, nhưng Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) lại không nhất trí với đề án đó, bởi lập luận rằng, làm như vậy sẽ không còn EVN theo đúng nghĩa của tập đoàn. Có đúng như thế không hay là vì EVN lo giảm vị thế độc tôn, sợ mất độc quyền?

Tăng giá điện là một bước tất yếu tiến tới “thả giá” điện theo cơ chế thị trường. Để hình thành thị trường điện, dứt khoát phải tái cơ cấu ngành điện. Theo Quyết định số 26/TTg về lộ trình hình thành thị trường điện, giai đoạn 2009-2014 là thời gian thị trường phát điện cạnh tranh hoàn chỉnh.

Để thực hiện bước đi này, các chuyên gia cho rằng, các nhà máy điện thuộc EVN phải tách ra thành các công ty độc lập, không có chung lợi ích kinh tế với người mua điện duy nhất (hiện nay vẫn chỉ là EVN), với đơn vị truyền tải điện và đơn vị điều hành giao dịch thị trường điện. Đối chiếu đề án của Bộ Công Thương, EVN phàn nàn là sẽ bị chia nhỏ ra.

Đề án chỉ đề cập việc chia tách các đơn vị của EVN, mà không xem xét các đơn vị sản xuất điện khác cùng do Nhà nước sở hữu là không toàn diện và khó khả thi. EVN còn phản ứng quyết liệt rằng, việc tái cấu trúc mô hình tổ chức của EVN theo hướng tách các khâu đầu tư nhà máy điện - truyền tải điện - phân phối điện là không cần thiết và đầy rủi ro, nhất là trong tình trạng thiếu điện trầm trọng như hiện nay.

Hầu hết ý kiến của các chuyên gia và các nhà nghiên cứu thuộc Hiệp hội Năng lượng lại cho rằng, với mô hình tổ chức hiện nay, khi EVN chiếm tỷ lệ chi phối trong sản xuất điện (phần lớn các nhà máy do EVN nắm giữ 100% vốn hoặc có cổ phần chi phối, hiện chiếm tỷ trọng hơn 60%); đồng thời EVN còn là nhà bán lẻ điện duy nhất - độc quyền, nhưng vẫn luôn xảy ra tình trạng thiếu điện, cắt điện không báo trước, khiến các doanh nghiệp sản xuất và người tiêu dùng bức xúc, rõ ràng là không thể tiếp tục kéo dài mãi được.

Hơn thế, với tư cách là tập đoàn lớn được giao trách nhiệm chính trong việc phát triển nguồn điện quốc gia mà EVN phải trả lại một số dự án điện do thiếu vốn hoặc đang phải kêu gọi các nhà đầu tư góp cổ phần đầu tư nhà máy điện, thì việc tách các nhà máy điện ra khỏi EVN là việc không thể chần chừ, nấn na mãi được. Mục tiêu của doanh nghiệp là lợi nhuận. Việc của Chính phủ là tạo ra cơ chế để lợi ích của doanh nghiệp song hành hay chí ít cũng không đi ngược lại lợi ích của người tiêu dùng.

EVN là tập đoàn được độc quyền kinh doanh điện; được sở hữu toàn bộ hệ thống đường dây tải điện trên toàn quốc, hệ thống các công ty bán lẻ. EVN còn sở hữu khoảng 85% năng lực sản xuất điện cả nước. Số còn lại do các nhà sản xuất điện độc lập cung cấp. EVN mua điện của họ qua các hợp đồng dài hạn và có ưu thế ép giá vì họ được độc quyền mua điện. Nếu EVN hoạt động không hiệu quả thì cũng chẳng ai làm gì được.

Một thị trường điện đúng nghĩa, hoạt động hiệu quả sẽ tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa các công ty sản xuất điện, giữa các nhà bán lẻ và giữa các công ty cung cấp đường dây tải. Gần như độc quyền trên thị trường bán buôn, bán lẻ điện và đường dây tải điện, EVN không có lý do gì phải làm hài lòng khách hàng. Nói cho cùng, việc hoạt động thiếu hiệu quả và liên tục đòi tăng giá, không phải là lỗi của EVN. Đó là sản phẩm tất yếu của độc quyền.

Đan Thanh