Số cử nhân thất nghiệp tiếp tục tăng cao

ANTĐ - Nếu như cuối năm 2013, cả nước có 152.000 cử nhân thất nghiệp thì đến hết 3 tháng đầu năm 2014, con số này đã tăng lên 162.400 người. Cùng với đó, tỷ lệ người thất nghiệp nói chung trên cả nước trong quý I - 2014 tiếp tục tăng cao, khả năng tìm kiếm việc làm ngày càng khó khăn.

Trình độ càng cao càng khó tìm việc

Ngày 1-7, tại Hà Nội, Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với Tổng cục Thống kê và Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) đã công bố Bản tin Cập nhật thị trường lao động quý II-2014. Theo đó, qua khảo sát 3 tháng đầu năm nay, tổng số người có việc làm trên cả nước là 52,5 triệu người, giảm 25.000 người so với 3 tháng cuối năm 2013. Điều này cũng đồng nghĩa với việc tỷ lệ thất nghiệp gia tăng. Cụ thể, quý I năm nay cả nước có khoảng hơn 1 triệu lao động thất nghiệp, tăng 145.800 người so với quý IV - 2013. Đáng lo ngại là số người thất nghiệp dài hạn (từ 12 tháng trở lên) chiếm tỷ lệ khá cao, khoảng 14%. Đặc biệt, số lao động có trình độ cao đẳng, đại học trở lên bị thất nghiệp gia tăng khá mạnh.  

PGS.TS Nguyễn Bá Ngọc, Phó Viện trưởng Viện Khoa học lao động và xã hội - Bộ LĐ-TB&XH cho biết, nếu như cuối năm 2013, cả nước có 152.000 cử nhân không có việc làm thì đến hết 3 tháng đầu năm nay, số cử nhân thất nghiệp đã tăng lên trên 162.400 người. Bên cạnh đó còn có hơn 79.100 người lao động có trình độ cao đẳng và 174.000 lao động có trình độ cao đẳng nghề, trung học chuyên nghiệp, trung cấp nghề, sơ cấp nghề đang thất nghiệp. Tỷ lệ thất nghiệp ở nhóm lao động có trình độ cao gấp đôi so với tỷ lệ thất nghiệp nói chung, nhất là nhóm thanh niên trẻ ở thành thị. 3 tháng đầu năm nay, hơn 21% thanh niên độ tuổi 20-24 có trình độ đại học trở lên không tìm được việc làm. Đây là tình trạng thực sự báo động và cũng cho thấy nhu cầu tìm kiếm việc làm ở nhóm lao động này ngày càng khó khăn hơn.

Ngành xây dựng dễ bị thất nghiệp nhất

Trong số các ngành nghề có biến động lớn về lao động so với cuối năm 2013, ngành xây dựng bị giảm nhiều lao động nhất với gần 488.000 người. Tiếp đến là ngành công nghiệp chế biến chế tạo với 257.000 người, ngành bán buôn và bán lẻ giảm 218.000 người... Điều này phản ánh đúng thực trạng hoạt động khó khăn của những ngành nghề nói trên trong 3 tháng đầu năm nay. Xét cụ thể hơn, nghề giảm nhiều lao động nhất vào đầu năm nay là 3 nghề: nhân viên dịch vụ cá nhân, bảo vệ trật tự an toàn xã hội và bán hàng có kỹ thuật, với số lượng giảm 430.000 lao động.

 Ngược lại, do sự suy giảm tăng trưởng kinh tế và di chuyển ngược của lao động nên lao động chuyển sang làm việc trong ngành nông-lâm-ngư nghiệp và thủy sản lại gia tăng thêm 814.000 người. Cùng với đó, tỷ trọng lao động gia đình không hưởng lương cũng tăng đáng kể so với 3 tháng cuối năm 2013, từ 16,2% lên 21,9%. 

Theo PGS.TS Nguyễn Bá Ngọc, những số liệu nói trên phần nào phản ánh khó khăn của thị trường lao động và cơ hội tìm kiếm việc làm trong thời kỳ suy thoái giảm tăng trưởng. Nhiều chuyên gia nhận định, với diễn biến tình hình kinh tế hiện nay cho thấy chưa có dấu hiệu thị trường lao động sẽ chuyển biến tích cực và khả quan hơn trong thời gian ngắn sắp tới. 

Thu nhập bình quân của người “làm công ăn lương” là 4,8 triệu đồng/ tháng. Theo số liệu điều tra lao động – việc làm của Tổng cục Thống kê, thu nhập bình quân của lao động làm công ăn lương (chỉ tính việc làm chính) trong quý I năm 2014 là 4,8 triệu đồng/tháng, tăng 534.000 đồng/tháng so với quý IV năm 2013. Trong đó, thu nhập bình quân tháng của nhóm “lãnh đạo” là cao nhất, đạt 8,2 triệu đồng/ tháng; tiếp đến là nhóm “chuyên môn kỹ thuật bậc cao” là 6,9 triệu đồng/ tháng; thấp nhất là nhóm lao động giản đơn, đạt 3 triệu đồng/tháng.