Siết gọng kìm đánh "cát tặc" giữa mùa nước nổi

ANTD.VN - Chưa khi nào, cuộc chiến chống “cát tặc” trên ngã ba sông Hồng lại cam go, khốc liệt như bây giờ.

Thống kê của Cảnh sát đường thủy số 1, Phòng Cảnh sát đường thủy, CATP Hà Nội cho thấy, trong vòng 6 tháng qua, đơn vị đã phát hiện 84 phương tiện, hàng trăm đối tượng khai thác cát trái phép trên tuyến sông Hồng, sông Đà. Đáng nói, bên cạnh những đối tượng là người ở địa phương, nhiều đối tượng vi phạm dù đã bị lập biên bản xử phạt nhưng vẫn cố tình tái phạm. Riêng từ ngày 19-8 đến nay, 10 chiếc thuyền với tổng trọng tải lên tới hàng chục nghìn tấn, khai thác cát trái phép đã bị CBCS trong đơn vị phát hiện, thu giữ. 

Siết gọng kìm đánh "cát tặc" giữa mùa nước nổi ảnh 1Hàng chục chiếc thuyền với hàng trăm đối tượng khai thác cát trái phép bị Đội Cảnh sát đường thủy số 1, Phòng Cảnh sát đường thủy phát hiện, bắt giữ từ đầu năm đến nay

Một đêm hai gọng kìm siết “cát tặc”

Do ảnh hưởng của cơn bão số 6 nên trong nhiều ngày mưa lớn triền miên không dứt. Từ trên thượng nguồn, các hồ thủy điện đồng loạt xả lũ khiến cho mực nước sông Hồng liên tục dâng cao. Ngã ba sông Hồng, đoạn chảy vào Hà Nội nước cuồn cuộn đỏ, ùng ục chảy với tốc độ khủng khiếp. Chẳng ai có thể ngờ rằng, trong bối cảnh mưa lũ như vậy nhưng trên mặt sông, các đối tượng vẫn tìm đủ mọi cách để khai thác cát trái phép. Và cũng không ai có thể biết rằng, giữa không gian mịt mùng bão gió đó, hai mũi trinh sát của Đội Cảnh sát đường thủy số 1 lặng lẽ tiếp cận mục tiêu sau nhiều ngày lên kế hoạch.

“Giờ cán bộ chiến sĩ trong đơn vị muốn xử lý tàu thuyền khai thác cát thì chẳng khác gì phải lập một chuyên án để “đánh”. Hơn 80km tuyến sông Hồng đơn vị quản lý gồm 2 tuyến sông Hồng, sông Đà không phải là nhiệm vụ dễ dàng…”.

Trung tá Đỗ Văn Chuẩn (Đội trưởng Đội Cảnh sát đường thủy số 1, CATP Hà Nội)

Mũi trinh sát thứ nhất “ém” tại huyện Đan Phượng từ chiều. Thay vì sử dụng thuyền đánh cá của ngư dân để ngụy trang như những lần đánh án trước đó, chiếc xuồng đặc chủng của đơn vị được cất giấu tại một vị trí bí mật. Trước đó, những dấu hiệu về khai thác cát trái phép tại tuyến sông Hồng đi qua địa bàn huyện Đan Phượng giáp ranh với huyện Mê Linh đã được CBCS của đơn vị đưa vào tầm ngắm.

Đáng chú ý, chủ thuyền khai thác cát trái phép lại là người địa phương thuộc địa bàn Hà Nội. Chính vì vậy, dường như “lực lượng vệ tinh” của những chủ thuyền này cũng khá dày đặc, cả trên bờ lẫn dưới sông. Chỉ cần CBCS ở đơn vị tháo dây xuồng cao tốc ở bãi tập kết của đơn vị chuẩn bị đi tuần tra, những chiếc vòi rồng ở vị trí cách đó hàng chục km đã nhanh chóng được rút lên, khi các đối tượng liên tục thông báo cho nhau. 

Cùng thời gian khi tổ công tác số 1 tiếp cận mặt sông, tại vị trí bí mật ở sông Hồng thuộc địa bàn xã Chu Minh, huyện Ba Vì, tổ công tác số 2 của đơn vị cũng lặng lẽ xuất kích. Đúng giờ lệnh, cả hai mũi công tác phóng xuồng với tốc độ cao, đồng loạt áp sát những phương tiện đang khai thác cát trái phép dưới lòng sông Hồng.

Sự xuất hiện bất ngờ của lực lượng Cảnh sát đường thủy đã khiến cho những chủ tàu thuyền đang khai thác cát không kịp trở tay. 4 chiếc thuyền với cả nghìn tấn cát vừa moi từ dưới lòng sông lên bị “khóa máy”. Các đối tượng gồm Hà Anh Tuấn (SN 1974, ở Phú Thịnh, huyện Sơn Tây, Hà Nội), Nguyễn Danh Khoa (SN 1975, ở Chu Minh, huyện Ba Vì, Hà Nội), Nguyễn Huy Quyết (SN 1974, ở huyện Đan Phượng, Hà Nội) và Nguyễn Văn Nam (SN 1986, ở huyện Kim Thành, Hải Dương) đã bị đưa về nơi tạm giữ tàu thuyền cùng với các phương tiện vi phạm. 

Những nguy cơ chưa bao giờ “nguội” 

Dù theo quy định mỗi tuần chỉ trực 3 ngày ở đơn vị, nhưng Trung tá Đỗ Văn Chuẩn, Đội trưởng Đội Cảnh sát đường thủy số 1 dường như cả tháng vợ con cũng chẳng được gặp mặt. Kể từ khi giữ trọng trách chỉ huy đơn vị, những lần về nhà thăm vợ con, gia đình đối với Trung tá Đỗ Văn Chuẩn chỉ đếm trên đầu ngón tay.

“Công việc ở đơn vị cứ cuốn mình đi, biết làm sao được. Mà vắng mình thì anh em lại không yên tâm khi xuống sông”, Trung tá Đỗ Văn Chuẩn tâm sự. Cầm trên tay cuốn sổ bên trong ghi dày đặc những vụ việc đối tượng, tàu thuyền khai thác cát trái phép, Trung tá Đỗ Văn Chuẩn chia sẻ: “Giờ anh em trong đơn vị muốn xử lý tàu thuyền khai thác cát thì chẳng khác gì phải lập một chuyên án để “đánh”. Hơn 80km tuyến sông Hồng đơn vị quản lý gồm 2 tuyến sông Hồng, sông Đà không phải là nhiệm vụ dễ dàng khi CBCS trong đơn vị chỉ vỏn vẹn có 14 người”. 

Giữa hơn 80km đường sông này, dằng dặc những nỗi niềm trăn trở của những người lính Cảnh sát đường thủy trước nạn khai thác cát trái phép. Những địa danh, vị trí như khu vực Khánh Thượng, Ba Vì giáp ranh với Hưng Thịnh, Kỳ Sơn, Hòa Bình, xã Tu Vũ, Thanh Thủy, Phú Thọ; hay ngã ba Bạch Hạc, Việt Trì, Phú Thọ; Cao Đại, Vĩnh Phúc, là những địa bàn giáp ranh với Hà Nội luôn “nóng”về tình trạng khai thác cát trái phép.

Đáng nói, nếu như ở địa phận tuyến sông Hà Nội cấm khai thác cát trái phép thì ở nửa tuyến sông bên kia, các tỉnh, thành phố khác lại cấp phép cho tàu thuyền khai thác. Mà ở giữa sông, giữa mênh mông nước, chẳng có một hạn định rõ ràng nào phân chia nơi cấm, nơi được phép khai thác, để rồi những kẻ khai thác cát này cứ “xập xí xập ngầu” hút trộm cát ở khắp nơi. 

Không như thời gian trước đó, hiện công nghệ khai thác cát trái phép đã được các đối tượng nâng cấp, nhằm trốn tránh sự kiểm tra của Cảnh sát đường thủy. Hệ thống vòi rồng, sen, vòi dùng để khai thác cát trái phép được thiết kế hiện đại, liên hoàn. Trong vòng 1 giờ đồng hồ, hệ thống này sẽ hút đầy cả khoang thuyền với cả nghìn khối cát. Khi phát hiện lực lượng chức năng, chỉ cần một cái ấn nút, hệ thống sen, vòi này sẽ tự động rút lên thuyền, hoặc tự động tách rời thuyền chủ để phi tang vật chứng. Trong vòng 1 giờ, với giá cát như hiện nay, các đối tượng sẽ kiếm được vài chục triệu đồng. Nếu hút trong một đêm, lợi nhuận thu được là khổng lồ, điều đó cũng đồng nghĩa với khối lượng cát ở dưới lòng sông sẽ bị moi thủng xuống nhiều tầng đáy, gây sạt lở nghiêm trọng hành lang an toàn đê điều.

Lợi nhuận lớn đã khiến các đối tượng tìm đủ mọi cách chống đối, che đậy tinh vi thủ đoạn khai thác cát của mình trước cơ quan chức năng. Nhiều người cho rằng trong mùa nước nổi, nước lũ, nước sông dâng cao chảy siết, sẽ không có “cát tặc”. Tuy nhiên, càng ở những thời điểm như vậy, những đối tượng “cát tặc” vẫn bất chấp pháp luật để moi ruột tài nguyên dưới lòng sông. 

Và cuộc chiến chống “cát tặc” của Trung tá Đỗ Văn Chuẩn cùng CBCS trong đơn vị chưa khi nào vơi hiểm nguy, cam go.