Siết chặt quản lý lòng hè đường

(ANTĐ) - “Quản lý, sử dụng vỉa hè còn nhiều bất hợp lý. Tình trạng hàng quán, hàng rong và để xe đạp, xe máy vi phạm... chưa được xử lý chặt chẽ, thường xuyên...”. Những tồn tại sau 1 năm triển khai thực hiện phân cấp quản lý về hạ tầng kỹ thuật đô thị trên địa bàn Hà Nội đã được lãnh đạo các sở, ngành, quận, huyện phân tích, mổ xẻ tại Hội nghị giao ban thành phố quý I, diễn ra sáng qua 28-3.

Siết chặt quản lý lòng hè đường

(ANTĐ) - “Quản lý, sử dụng vỉa hè còn nhiều bất hợp lý. Tình trạng hàng quán, hàng rong và để xe đạp, xe máy vi phạm... chưa được xử lý chặt chẽ, thường xuyên...”. Những tồn tại sau 1 năm triển khai thực hiện phân cấp quản lý về hạ tầng kỹ thuật đô thị trên địa bàn Hà Nội đã được lãnh đạo các sở, ngành, quận, huyện phân tích, mổ xẻ tại Hội nghị giao ban thành phố quý I, diễn ra sáng qua 28-3.

Kinh phí thiếu, quản lý yếu

Từ tháng 1-2007, UBND TP đã chỉ đạo Sở GTCC phối hợp cùng liên ngành, các quận, huyện phối hợp hoàn thành việc bàn giao tiếp nhận nguyên trạng hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị và hồ sơ quản lý để UBND 14 quận, huyện tiếp nhận duy tu, duy trì 2.040.610m2 hè của 517 tuyến phố; 951.410m đường dây điện với gần 30.000 bộ đèn của các tuyến chiếu sáng ngõ xóm, chiếu sáng đường trục chính thị trấn, thị tứ; 10 vườn hoa nhỏ lẻ và 1 công viên...

Thành phố tiếp tục thực hiện phân cấp vệ sinh môi trường cho các quận Thanh Xuân, Cầu Giấy, Tây Hồ, Long Biên và Hoàng Mai với mức kinh phí duy tu, duy trì khoảng 65.290 triệu đồng.

Báo cáo của Ban cán sự Đảng UBND TP Hà Nội cho biết, năm 2007, các quận, huyện đã tập trung cải tạo được 16 tuyến hè phố. Tuy nhiên, việc thực hiện quyết định 227/2006/QĐ - UBND của UBND TP về quản lý, sử dụng hè phố, lòng đường trên địa bàn thành phố có nhiều điểm bất hợp lý, nhất là việc cấp phép sử dụng hè phố để xe đạp, xe máy và thiếu kiểm tra, xử lý vi phạm các hoạt động kinh doanh trên hè phố nên ảnh hưởng đến diện tích người tham gia giao thông.

Bao giờ đường hết hàng rong?
Bao giờ đường hết hàng rong?

“Thành phố sẽ đề xuất cho áp dụng một số chế tài để xử phạt những trường hợp vi phạm, chế tài xử lý hiện nay là chưa đủ” - ông Nguyễn Thế Thảo - Chủ tịch UBND TP Hà Nội khẳng định.

Ông Thảo cho biết, nhiều nơi đã lạm dụng phân cấp, sử dụng vỉa hè để kinh doanh gây bức xúc trong nhân dân như tăng giá trông giữ xe tùy tiện, lấn chiếm vỉa hè. Có lúc thành phố và các cấp đã thiếu chỉ đạo, giám sát, thậm chí buông lỏng dẫn đến có những thiếu sót, bất cập trong quản lý hạ tầng giao thông, chiếu sáng, thoát nước, vệ sinh môi trường.

Đặc biệt, tình trạng “quận quản lý vỉa hè, thành phố quản lý lòng đường” cũng gây nhiều khó khăn, dẫn đến tình trạng có vỉa hè rất sạch nhưng người dân lại thoải mái đổ rác ra đường, hay khi cấm để xe trên hè thì người ta để xuống đường, và ngược lại!    

Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo nhận xét, tình trạng này xảy ra còn có nguyên nhân khách quan như thành phố quá thiếu hạ tầng, thiếu nơi đỗ xe tĩnh. Chủ tịch thành phố cho biết, thành phố sẽ chỉ đạo các cấp, ngành rà soát, bổ sung, hoàn thiện quy định về phân cấp sao cho phù hợp hơn, theo hướng “tăng phân cấp gắn với nâng cao trách nhiệm”.

Đồng thời, thống nhất quản lý hạ tầng đô thị một cách đồng bộ, khắc phục tình trạng bất hợp lý trong quản lý như thời gian qua. Thành phố cũng sẽ thực hiện có lộ trình từ nay đến cuối năm việc thực hiện phân cấp quản lý lòng lề đường theo QĐ sửa đổi QĐ 227/2006/QĐ-UB (đang lấy ý kiến nhân dân), QĐ 02/2008/QĐ-UB về quản lý hàng rong trên địa bàn Thủ đô.

“Đây là bài học phải rút kinh nghiệm nghiêm túc khi triển khai thực hiện, cần tuyên truyền thật tốt rồi mới triển khai và thực hiện, phải có dự lệnh rồi mới đưa ra động lệnh để thực hiện” - Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo nói.

Chuẩn bị tốt mọi điều kiện cho việc mở rộng địa giới Thủ đô

Về vấn đề mở rộng địa giới hành chính Thủ đô, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thế Thảo nhấn mạnh, phạm vi Hà Nội được mở rộng sẽ có những điều kiện thuận lợi cơ bản như quy mô địa giới hành chính phù hợp, bảo đảm cho sự phát triển bền vững, ổn định, lâu dài của Thủ đô; bảo đảm được yêu cầu phát triển của Thủ đô cho giai đoạn trước mắt và trong tương lai khi nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Địa giới Thủ đô được mở rộng sẽ có điều kiện giảm áp lực về dân số, môi trường đối với khu vực nội thành cũ và trung tâm thành phố.

Theo Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo, việc mở rộng địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội cũng có một số khó khăn trước mắt, cần được giải quyết như tình hình tư tưởng cán bộ, đảng viên và nhân dân sẽ có những xáo trộn cần được quan tâm chỉ đạo để tạo sự đồng thuận, thống nhất.

Số đơn vị hành chính tăng lên, phạm vi quản lý sẽ rộng hơn, địa bàn vùng sâu, vùng xa nhiều hơn, công tác quản lý của chính quyền thành phố sẽ có nhiều khó khăn hơn; thu nhập bình quân trên đầu người sẽ giảm, số hộ nghèo tăng lên, nhiều vấn đề KT-XH cần phải quan tâm giải quyết.

Hạ tầng kỹ thuật, cơ sở vật chất ban đầu, trụ sở làm việc của các cơ quan chuyên môn thuộc thành phố chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; công tác sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, cán bộ, công chức theo đơn vị hành chính mới khi hợp nhất sẽ có những khó khăn nhất định...

Chủ tịch UBND TP yêu cầu lãnh đạo quận, huyện, sở, ngành, đoàn thể thành phố cần phải tập trung làm tốt công tác tư tưởng đối với cán bộ, đảng viên và nhân dân, phổ biến, quán triệt đầy đủ quan điểm, kết luận của Hội nghị Trung ương, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về mở rộng địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội, tạo nên sự đoàn kết nhất trí cao, phấn khởi trước sự quan tâm của Trung ương và của cả nước với Thủ đô Hà Nội.

Sau khi Quốc hội có Nghị quyết về điều chỉnh địa giới hành chính, căn cứ chỉ đạo và hướng dẫn của Trung ương, thành phố sẽ nhanh chóng thực hiện các bước sắp xếp, ổn định bộ máy tổ chức để vận hành bảo đảm sự thông suốt, đoàn kết và hoàn thành các nhiệm vụ chính trị của thành phố và từng địa phương, đơn vị.

 Phương Anh