Siết chặt quản lý cơ sở giáo dục

(ANTĐ) - Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận cho biết, đến tháng 6-2010, Bộ GD-ĐT dự kiến sẽ hoàn thành 31 văn bản mới và sửa đổi để có thể triển khai những điều khoản sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục vừa được Chính phủ công bố ngày 18-12.

Luật sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục:

Siết chặt quản lý cơ sở giáo dục

(ANTĐ) - Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận cho biết, đến tháng 6-2010, Bộ GD-ĐT dự kiến sẽ hoàn thành 31 văn bản mới và sửa đổi để có thể triển khai những điều khoản sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục vừa được Chính phủ công bố ngày 18-12.

Trường mới thành lập sẽ được kiểm soát chặt chẽ hơn về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất thực tế

Trường mới thành lập sẽ được kiểm soát chặt chẽ hơn về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất thực tế

Kiểm tra thực tế việc thành lập trường

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận khẳng định với những quy định trong luật sửa đổi, bổ sung điều 50 về thành lập nhà trường chia làm hai phần điều kiện để thành lập và điều kiện để được cho phép hoạt động, cơ quan chức năng sẽ có hành lang pháp lý để chấn chỉnh, sắp xếp lại hệ thống các cơ sở giáo dục, khắc phục tình trạng thành lập mới ở những nơi, những lĩnh vực không đủ điều kiện về đội ngũ cán bộ giảng dạy, cơ sở vật chất, trang thiết bị…

“Thay vì việc chỉ xem xét hồ sơ trên giấy tờ mà không khảo sát thực tế, việc được phép thành lập trường và được cấp phép hoạt động của các cơ sở đào tạo sẽ được các Bộ, ngành phối hợp cùng kiểm tra thực tế” - Thứ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết.

Cùng với việc quy định cụ thể hơn các điều kiện thành lập, nhiều quy định về đình chỉ, giải thể nhà trường cũng như thẩm quyền cho phép hoạt động giáo dục, đình chỉ giải thể… cũng được ban hành trong luật sửa đổi để tăng cường trách nhiệm của nhà trường cũng như tính năng quản lý của cơ quan chức năng. “Việc đình chỉ sẽ xem xét từ ngành đào tạo nào chưa đủ điều kiện triển khai phải dừng hoạt động trước, tiếp đến sẽ xem xét việc đình chỉ nhà trường nếu không kịp thời bổ sung những điều kiện cần có” - Thứ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết.

Tăng cường phối hợp quản lý

Việc phân cấp chưa khoa học và thiếu hợp lý đã dẫn đến tình trạng không quản lý được hoặc buông lỏng và triệt tiêu sự sáng tạo của cơ sở. Luật sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục lần này đưa ra những quy định nhằm thực hiện phân cấp mạnh mẽ hơn, nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước với quyền và trách nhiệm của UBND các cấp trong kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giáo dục đối với các cơ sở giáo dục trên địa bàn.

“Thực tế Ủy ban nhân dân các cấp được giao quản lý hành chính Nhà nước với tất cả các cơ sở giáo dục trên địa bàn, trong đó có các cơ sở giáo dục đại học. Tuy nhiên, các Sở GD-ĐT không được UBND tỉnh, thành phố giao nhiệm vụ kiểm tra việc chấp hành pháp luật của các cơ sở này. Chính vì vậy, nhiều sai phạm về quản lý đào tạo, tài chính, tuyển dụng, hợp tác quốc tế ở các cơ sở giáo dục đại học chậm được phát hiện, xử lý” - Thứ trưởng Phạm Vũ Luận giải thích. Luật sửa đổi, bổ sung lần này đã giải quyết bất cập trên bằng quy định giao Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giáo dục của tất cả các cơ sở trên địa bàn.

Sẽ hoàn thiện bộ máy thẩm định, kiểm định giáo dục

Cùng với việc chịu trách nhiệm cao hơn trong công tác thẩm định hồ sơ thành lập trường, Thứ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết, Bộ GD-ĐT đang nghiên cứu tìm ra những điểm cần khắc phục trong công tác thẩm định hiện nay. Có vai trò giúp Bộ trưởng Bộ GD-ĐT thẩm định điều kiện thành lập các trường, hiện nay Hội đồng thẩm định đang đảm nhiệm bao gồm các Bộ, ngành, quản lý địa phương… Bên cạnh đó, Bộ cũng xem xét thêm về việc có nên thành lập một cơ quan độc lập chuyên phụ trách thẩm định điều kiện thành lập trường hay không.

Ngoài ra, để thường xuyên giám sát chất lượng các cơ sở giáo dục, luật sửa đổi, bổ sung lần này cũng đưa thêm quy định về công tác kiểm định chất lượng giáo dục như quy định về quy trình, chu kỳ kiểm định chất lượng giáo dục từng cấp học, cấp, thu hồi giấy chứng nhận kiểm định chất lượng giáo dục.

Ngoài ra, luật sửa đổi, bổ sung cũng quy định tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục có thể do Nhà nước thành lập hoặc do tổ chức, cá nhân thành lập. Tuy nhiên để thực hiện được việc này, theo Thứ trưởng Phạm Vũ Luận, Bộ GD-ĐT đang có hướng phải có cơ quan riêng để ban hành văn bản pháp luật đối với hoạt động kiểm định của các tổ chức, cá nhân hay của các cơ quan quản lý địa phương. Theo đó, cơ quan này nhiều khả năng sẽ là Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục của Bộ GD-ĐT.

Vinh Hương