Sẽ tăng đại biểu HĐND chuyên trách ở nhiệm kỳ tới

ANTĐ - Ngày 15-9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã nghe báo cáo về kết quả giám sát hoạt động của HĐND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sau khi tiến hành giám sát tại 8 tỉnh, thành phố và tổng hợp báo cáo từ Thường trực HĐND của 55 tỉnh, thành phố còn lại trên cả nước.

Hoạt động giám sát còn hình thức

Theo báo cáo từ Đoàn giám sát của UBTVQH, từ năm 2011 đến hết năm 2014, HĐND ở mỗi tỉnh, thành phố đã tổ chức từ 8 đến 14 kỳ họp, ban hành từ 89 đến 200 nghị quyết, chất lượng các nghị quyết ngày càng được nâng lên.

HĐND các tỉnh, thành phố cũng quan tâm và xác định chức năng giám sát là một trong các nội dung hoạt động quan trọng, cùng đó đã tiến hành việc lấy phiếu tín nhiệm đối với 907 người… Tuy vậy, trong báo cáo giám sát cũng chỉ ra hoạt động tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND vẫn còn hình thức, việc thực hiện chức năng giám sát hiệu quả còn hạn chế, chất lượng chất vấn và trả lời chất vấn ở một số địa phương chưa thật sự đổi mới.

Thảo luận về nội dung này, các đại biểu UBTVQH cho rằng hoạt động chung của HĐND các tỉnh, thành phố thời gian qua đã được nâng cao. Song thẩm quyền, trách nhiệm và chức năng giám sát vẫn chưa thực sự phát huy hết hiệu quả của mình. Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Đình Quyền nhận xét, qua thực tế cho thấy tính dân chủ đại diện của HĐND còn khá lu mờ, thể hiện trước hết ở ngay mối quan hệ giữa đại biểu HĐND và cử tri.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu và nhiều đại biểu khác cho rằng, một trong những nguyên nhân chính khiến hiệu quả hoạt động của HĐND còn hạn chế là do các trưởng, phó ban của HĐND đa phần hoạt động kiêm nhiệm, nhân sự không ổn định, nhiều địa phương chưa thực hiện công tác quy hoạch đối với lãnh đạo các Ban của HĐND, tỷ lệ đại biểu hoạt động chuyên trách ít… Trước thực trạng này, Đoàn giám sát của UBTVQH đã kiến nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư chỉ đạo các địa phương gia tăng cấp ủy trong quá trình chuẩn bị nhân sự HĐND nhiệm kỳ 2016-2021.

Theo đó, HĐND mỗi tỉnh cần có thêm một Phó chủ tịch HĐND tham gia ban thường vụ, Phó Chủ tịch HĐND còn lại và Trưởng các Ban của HĐND (nếu hoạt động chuyên trách) tham gia cấp ủy. Bên cạnh đó bố trí thêm đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách, tăng số lượng đại biểu ở khối Đảng, đoàn thể, giảm khối lượng đại biểu ở khối cơ quan hành chính. 

Chuẩn bị bầu Tổng thư ký Quốc hội

Cũng trong ngày 15-9, UBTVQH đã cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII. Theo đó, kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII dự kiến sẽ khai mạc vào ngày           20-10 tới và kết thúc vào ngày 26-11-2015.

Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, tại kỳ họp này, dự kiến Quốc hội sẽ xem xét thông qua 16 dự án luật và 3 dự thảo nghị quyết, cho ý kiến 11 dự án luật khác. Cũng tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội sẽ thảo luận, góp ý kiến về các dự thảo Văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng. Đặc biệt, Quốc hội sẽ bầu Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia, Tổng thư ký Quốc hội và quyết định ngày bầu cử toàn quốc đối với cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội, bầu cử đại biểu HĐND các cấp. Hiện các vấn đề về nhân sự và một số nội dung quan trọng khác đang được tích cực chuẩn bị. 

Theo quy định của luật, Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia do Quốc hội bầu, miễn nhiệm theo đề nghị của UBTVQH. Các Phó Chủ tịch và các Ủy viên Hội đồng bầu cử quốc gia do Quốc hội phê chuẩn theo đề nghị của Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia. Về ngày bầu cử toàn quốc, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, ngày bầu cử phải là ngày chủ nhật và được công bố chậm nhất 115 ngày trước ngày bầu cử.       

"Tôi thấy mỗi khi đại biểu Quốc hội đi tiếp xúc cử tri, người dân nêu rất nhiều vấn đề thuộc phạm vi địa phương, chúng tôi hỏi thì cử tri nói rằng đã kiến nghị rất nhiều lần với đại biểu HĐND nhưng không được giải quyết."

Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Đình Quyền