Sẽ nâng độ tuổi tham gia dân quân tự vệ của nữ tới 45, nam tới 50?

ANTD.VN -Thảo luận về Dự án Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi), một số Đại biểu Quốc hội cho rằng, về độ tuổi, thời hạn thực hiện nghĩa vụ tham gia DQTV trong thời bình, một số ý kiến đề nghị nâng độ tuổi và thời hạn thực hiện nghĩa vụ tham gia DQTV cho phù hợp với dự kiến nâng độ tuổi nghỉ hưu.

Về độ tuổi, thời hạn thực hiện nghĩa vụ tham gia DQTV trong thời bình, một số ý kiến đề nghị nâng độ tuổi và thời hạn thực hiện nghĩa vụ tham gia DQTV cho phù hợp với dự kiến nâng độ tuổi nghỉ hưu; một số ý kiến đề nghị giảm độ tuổi và thời hạn tham gia DQTV.

Theo UBTVQH, quy định độ tuổi tham gia DQTV cơ bản kế thừa Luật DQTV hiện hành, đã thực hiện ổn định và thực tế không phải tất cả công dân trong độ tuổi đều được tuyển chọn tham gia DQTV.

Ngoài ra, việc quy định kéo dài độ tuổi và thời hạn nhằm khắc phục một số nơi thiếu người để tổ chức đơn vị DQTV và thu hút công dân có kinh nghiệm, khả năng vào phục vụ trong DQTV.

Mặt khác, nhu cầu tuyển chọn công dân vào DQTV không lớn. Nếu tăng độ tuổi lên 5 năm và kéo dài thời hạn đến hết độ tuổi lao động sẽ không phù hợp với hoạt động quốc phòng, quân sự, phát sinh chi phí quản lý công dân trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ tham gia DQTV.

Độ tuổi tham gia dân quân tự vệ sắp tới có thể được nâng lên (ảnh minh họa)

Phát biểu thảo luận về nội dung trên, Đại biểu Nguyễn Thị Phúc (đoàn Hưng Yên) cho rằng, theo quy định tại dự thảo Luật, độ tuổi thực hiện nghĩa vụ DQTV với nam từ đủ 18 tuổi đến hết 45; nữ từ đủ 18 đến hết 40 tuổi, nếu tình nguyện có thể kéo dài đến hết 50 với nam và 45 với nữ. Đại biểu đồng tình với quy định điều chỉnh độ tuổi cao hơn để phù hợp với sự phát triển của xã hội.

Bày tỏ sự đồng tình với ý kiến, đại biểu Trần Văn Mão (Đoàn Nghệ An) kiến nghị cần mở rộng hơn thời gian tự nguyện tham gia lực lượng này. ”Sau khi hoàn thành nghĩa vụ DQTV, công dân thực hiện tốt, có nhu cầu, tâm huyết được phục vụ thêm thì nên tạo điền kiện để bổ sung lực lượng. Thực tế nhiều địa phương thiếu hụt nguồn lực nên việc khuyến khích kéo dài tuổi tham gia với lực lượng này là hết sức quan trọng”, đại biểu nêu.

Theo Báo cáo giải trình, tiếp thu Dự thảo Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi), về Ban chỉ huy quân sự cấp xã, thôn đội trưởng, có ý kiến đề nghị quy định Phó Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã là người hoạt động chuyên trách, vì công việc nhiều, nhưng phụ cấp ít.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) thấy rằng, việc quy định Phó Chỉ huy trưởng là người hoạt động không chuyên trách là phù hợp với Nghị quyết 18-NQ/TW. Hiện nay, chức danh này được hưởng nhiều loại phụ cấp, như: phụ cấp chức vụ, phụ cấp hàng tháng, phụ cấp thâm niên (nếu có), phù cấp đặc thù quốc phòng quân sự... Ngoài ra, theo quy định tại Điều 26 dự thảo Luật, Phó Chỉ huy trưởng được đào tạo ngành quân sự cơ sở và phong quân hàm sĩ quan dự bị, nên được hưởng thêm phụ cấp của sĩ quan dự bị. Do đó, đề nghị Quốc hội giữ như dự thảo Luật.

Về chế độ phụ cấp, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đối với các chức vụ chỉ huy dân quân tự vệ (DQTV), có ý kiến đề nghị cân nhắc phụ cấp Phó Chỉ huy trưởng tại khoản 2; bổ sung Chỉ huy trưởng được hưởng phụ cấp đặc thù quốc phòng, quân sự tại khoản 3 và rà soát lại Điều này cho chặt chẽ và bảo đảm tính khả thi.

Trên cơ sở ý kiến ĐBQH, UBTVQH đề nghị Quốc hội cho chỉnh lý lại quy định Phó Chỉ huy trưởng được trợ cấp một lần tại khoản 2 và chỉnh lý lại khoản 4 để bảo đảm công bằng với các chức vụ khác.

Về đề nghị bổ sung phụ cấp đặc thù quốc phòng, quân sự đối với Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã, UBTVQH thấy rằng, đối tượng này đã được hưởng lương, phụ cấp chức vụ. Mặt khác, nếu bổ sung quy định này thì cũng phải bổ sung chức danh Chính trị viên, Chính trị viên phó thuộc đối tượng được hưởng phụ cấp này là không phù hợp, làm tăng ngân sách của địa phương chi cho cán bộ công chức cấp xã.  

Quy định Thôn đội trưởng được hưởng phụ cấp hàng tháng là kế thừa Luật DQTV hiện hành và chức danh này kiêm chỉ huy đơn vị dân quân nên giảm biên chế và ngân sách.