Sẽ chấm dứt tình trạng "chạy" luân chuyển đến nơi có lợi cho mình

ANTD.VN - Việc một vài cán bộ lãnh đạo có năng lực hạn chế, thậm chí bị kỷ luật nhưng lại được luân chuyển, điều về Trung ương hay sang địa phương khác sẽ khiến dư luận bức xúc.

Trả lời phỏng vấn Báo An ninh Thủ đô, PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng kỳ vọng, tình trạng trên sẽ chấm dứt sau khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành Quy định của Bộ Chính trị về luân chuyển cán bộ lãnh đạo và quản lý. Theo đó, việc luân chuyển cán bộ lãnh đạo từ nay sẽ phải tuân thủ những quy định cụ thể mang tính nguyên tắc, bắt buộc.

Sẽ chấm dứt tình trạng "chạy" luân chuyển đến nơi có lợi cho mình ảnh 1PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc

- Với quy định mới của Bộ Chính trị về luân chuyển cán bộ lãnh đạo và quản lý vừa được ban hành, chúng ta sẽ khắc phục được các hạn chế gì, thưa ông?

- Vấn đề luân chuyển cán bộ đã được Đảng ta quan tâm và thực hiện từ lâu, trong suốt quá trình phát triển của mình chứ không phải đến bây giờ mới có quy định. Thậm chí, ngược lại dòng lịch sử, ngay từ thời vua Lê Thánh Tông, năm 1483, đã có những điều luật quy định khá cụ thể về luân chuyển cán bộ như quan chức địa phương bắt buộc phải là người từ nơi khác điều đến. Tuy nhiên, những năm qua, ở ta vẫn có tình trạng tỉnh nào dùng cán bộ lãnh đạo là người của tỉnh đó. Việc này đã nuôi dưỡng tư tưởng cục bộ địa phương. Trong tác phẩm “Sửa đổi lề lối làm việc” năm 1947, Bác Hồ đã phê phán thực trạng này và gọi đó là tư tưởng “óc địa phương”. Đó là chưa kể còn xuất hiện nhiều dạng tiêu cực khác trong công tác luân chuyển, điều động cán bộ như “chạy luân chuyển” về địa phương một thời gian để làm bàn đạp thăng tiến…

Tất cả những hạn chế, khuyết điểm, tồn tại kể trên đã được thẳng thắn nhận diện và đề cập đến tại Quy định số 98 của Bộ Chính trị về luân chuyển cán bộ lãnh đạo và quản lý vừa được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành. Quy định số 98 đã thể hiện rõ hơn, cụ thể hơn, nêu ra được các vấn đề có tính nguyên tắc để bắt buộc phải thực hiện. Tôi kỳ vọng Quy định này sẽ tạo ra được một làn gió mới, hiệu quả mới trong công tác cán bộ, luân chuyển cán bộ thời gian tới.

- Thời gian qua, có tình trạng một số cán bộ kém năng lực hoặc bị kỷ luật nhưng lại được điều động, luân chuyển sang nơi khác. Quy định mới của Bộ Chính trị liệu có ngăn chặn được tình trạng này?

- Quy định mới nêu rõ nguyên tắc, chỉ luân chuyển cán bộ lãnh đạo (chứ không đề cập chung đến luân chuyển cán bộ chuyên môn) và người được luân chuyển phải là cán bộ trẻ, có triển vọng phát triển. Điều này giúp khắc phục tư tưởng cục bộ địa phương, mặt khác tạo cơ hội bồi dưỡng, đào tạo nâng cao trình độ, năng lực lãnh đạo quản lý của cán bộ trẻ. 

Qua nghiên cứu nhiều năm, tôi thấy việc này chắc chắn đem lại hiệu quả cao bởi khi luân chuyển cán bộ lãnh đạo từ Trung ương về địa phương và ngược lại hay từ địa phương này sang địa phương khác theo nguyên tắc trên sẽ giúp người được luân chuyển gắn lý luận với thực tiễn, gắn tư duy ở tầm vĩ mô với giải quyết công việc cụ thể. Hơn nữa, việc quy định mang tính nguyên tắc về diện cán bộ được đưa đi luân chuyển như vậy cũng giúp loại bỏ được tình trạng điều động, đưa cán bộ lãnh đạo đi luân chuyển chỉ vì cán bộ đó… không cùng “nhóm” với mình. 

Sẽ chấm dứt tình trạng "chạy" luân chuyển đến nơi có lợi cho mình ảnh 2Việc điều động và bổ nhiệm cán bộ sai quy định ở Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bình Phước gần đây là một ví dụ điển hình 

Thứ hai, quy định của Bộ Chính trị đã nêu rõ “không điều động về Trung ương, về địa phương hoặc sang địa phương khác những cán bộ bị kỷ luật, năng lực yếu”. Thứ ba là thời gian cán bộ đi luân chuyển cũng đã được quy định rất rõ ràng, tối thiểu là 3 năm. Trước nay chúng ta không có quy định cụ thể nên có tình trạng nhiều cán bộ lãnh đạo được luân chuyển, điều động về cơ sở “ngồi chưa ấm chỗ”, chưa đủ thời gian làm quen với cơ quan mới đã được rút về, “nhấc” lên. 

Nói cách khác là xuất hiện tình trạng “chạy” để được luân chuyển đến nơi có lợi cho mình, để làm bước đệm cho mục đích, lợi ích cá nhân của mình chứ không phải để bồi dưỡng và cống hiến. 

- Dù đã có những “công cụ” mạnh mẽ như vậy nhưng thực tế triển khai chắc chắn vẫn sẽ có những vấn đề phát sinh cần giải quyết. Theo ông, để thực hiện hiệu quả Quy định mới của Bộ Chính trị, trước mắt, cần phải tập trung vào các vấn đề gì?

- Chúng ta cần phải nhìn rõ vào sự thật, đó là không ít cán bộ được cử đi luân chuyển chỉ coi đây là “bước đệm” nên không toàn tâm toàn ý cống hiến với công việc. Ngược lại, lãnh đạo nhiều địa phương - nơi tiếp nhận cán bộ luân chuyển cũng không mặn mà, không tạo điều kiện cho các đồng chí luân chuyển đến phát huy hết khả năng của mình, thậm chí còn có biểu hiện bè phái, mất đoàn kết. Xử lý vấn đề này thế nào cho tốt là vấn đề tới đây cần đặt ra.

Mặt khác, cần tính toán, xem xét đến việc sắp xếp, bố trí công việc cho những cán bộ luân chuyển sau khi hết thời gian luân chuyển sao cho phù hợp. Thực tế, có không ít cán bộ lãnh đạo khi đi luân chuyển được hứa hẹn rất nhiều nhưng khi trở về cơ quan thì các vị trí lãnh đạo đã “hết ghế”, không được bố trí vị trí phù hợp, dẫn tới nhiều vấn đề phức tạp. Đây là băn khoăn, tâm tư của người đi luân chuyển cần phải được quan tâm hơn.