Sau vụ hacker tấn công mạng của Vietnam Airlines: Tránh việc suy diễn, khiêu khích

ANTĐ -Tại cuộc họp báo Chính phủ tháng 7-2016, diễn ra chiều 2-8, trả lời câu hỏi quan điểm của Chính phủ về vụ việc hacker tấn công hệ thống mạng của Vietnam Airlines (VNA) tại 2 sân bay Tân Sơn Nhất và Nội Bài vừa qua, Bộ trưởng Bộ Thông tin- Truyền thông (TT-TT) kêu gọi dư luận, người dân tránh suy diễn quanh vụ việc này.

Theo Bộ trưởng Bộ TT-TT Trương Minh Tuấn, trước thời điểm 2 sân bay bị tấn công khoảng 2 tiếng, Trung tâm ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNCert) của Bộ đã phát đi cảnh báo số 1 về yêu cầu kiểm tra và xử lý sự cố mã độc khẩn cấp. Sau khi sự cố xảy ra, các đơn vị thuộc Bộ TT-TT và VNCert cử cán bộ trực tiếp có mặt tại hiện trường, cùng VNA và Bộ Công an khắc phục kịp thời sự cố.

Bộ trưởng Bộ TT-TT Trương Minh Tuấn trả lời báo chí

Đến chiều 1-8, tất cả các máy tính và hệ thống thông tin tại 2 sân bay đã hoạt động bình thường. Về phía Bộ TT-TT, từ 30-7, Bộ đã ban hành văn bản gửi tới các địa phương và các bộ ngành liên quan yêu cầu tăng cường kiểm tra, giám sát, rà soát đảm bảo an toàn thông tin. VNCert cũng đã ban hành hai văn bản hướng dẫn cụ thể tăng cường các biện pháp đảm bảo an toàn thông tin.

Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho rằng, ngày nay, không thể chắc là những cuộc tấn công như thế không còn xảy ra, và khó có thể ngăn chặn triệt để mọi cuộc tấn công trong không gian mạng. Trong tương lai, các mối nguy cơ tiềm ẩn ngày càng cao, không bao giờ có an toàn tuyệt đối nên chúng ta phải chủ động nâng cao bảo mật, an toàn của hệ thống thông tin.

Trả lời câu hỏi "Thông điệp được nhóm hacker đưa ra sau vụ tấn công mạng nói trên được cho là mang màu sắc chính trị, quan điểm của Chính phủ ra sao?", Bộ trưởng Bộ TT-TT Trương Minh Tuấn cho biết, lúc đầu, chúng ta đều hướng chú ý tới nhóm hacker 1937cn của Trung Quốc. Tuy nhiên sau đó trên website của mình, nhóm này cũng đã bác bỏ mình là thủ phạm.

"Về nguyên tắc phải tìm ra thủ phạm với đầy đủ bằng chứng buộc tội. Vì thế, trong lúc này, đề nghị báo chí thận trọng, tránh suy diễn. Chúng tôi cũng khuyến nghị các cơ quan báo chí và khuyến nghị cộng đồng mạng tránh những hành vi khiêu khích và thách thức không cần thiết đối với các nhóm hacker nước ngoài, không kêu gọi dùng hacker Việt Nam tấn công lại hacker nước này, nước khác, làm ảnh hưởng sự phát triển kinh tế xã hội và an ninh của quốc gia trong lúc cơ quan chức năng đang xác định thủ phạm" - Bộ trưởng Bộ TT-TT kêu gọi.

Tiếp tục trả lời câu hỏi: "Hiện rất nhiều nhà mạng Việt Nam dùng thiết bị của Trung Quốc, điều này có đáng lo ngại và chúng ta có biện pháp gì để đảm bảo an toàn an ninh mạng, tránh những vụ tấn công tương tự?" Bộ trưởng Bộ TT-TT Trương Minh Tuấn cho biết, đúng là có thực trạng các nhà mạng lớn hiện nay ở Việt Nam sử dụng thiết bị công nghệ Trung Quốc và cũng có khả năng thiết bị công nghệ đó có vấn đề. Ví dụ như Laptop của hãng Lenovo (Trung Quốc) đã bị phát hiện vi phạm quyền riêng tư của người sử dụng.

Tuy nhiên, việc cá nhà mạng mua thiết bị Trung Quốc do nhiều yếu tố như điều kiện lịch sử; luật đấu thầu có những hạn chế, nhất là về giá thành; cách tiếp cận linh hoạt của doanh nghiệp Trung Quốc; một số hãng công nghệ Trung Quốc có thương hiệu toàn quốc. Hơn thế, về luật hiện nay thì không có sự phân biệt đối xử. Tuy nhiên, cơ quan quản lý nhà nước sẽ có đánh giá toàn diện hơn trong thời gian tới để có tiêu chuẩn cụ thể để đảm bảo an toàn thông tin khi mua các hệ thống thông tin quan trọng.

Bộ trưởng Trương Minh Tuấn nhấn mạnh, không thể đảm bảo an toàn an ninh thông tin nếu chỉ phụ thuộc vào một công nghệ hay một doanh nghiệp nào và cũng không có thiết bị nào có thể đảm bảo tin tưởng hoàn toàn.

"Chúng tôi khuyến nghị các doanh nghiệp Việt Nam ngoài việc kinh doanh, trong điều kiện cần thiết phải biết hy sinh lợi ích doanh nghiệp để đặt lợi ích dân tộc, quốc gia lên hàng đầu góp phần cùng nhà nước đảm bảo an toàn thông tin trong mọi điều kiện, hoàn cảnh" - ông Tuấn nói.