Sau mở rộng, Hà Nội mạnh mẽ vươn mình thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài

ANTD.VN - Với vai trò là Thủ đô - đầu não chính trị, hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước, suốt 10 năm qua sau mở rộng địa giới hành chính, thành phố Hà Nội luôn quán triệt nghiêm túc và chủ động, sáng tạo triển khai thực hiện các văn bản chỉ đạo của Trung ương về đối ngoại và phát triển kinh tế đối ngoại nói chung, thu hút FDI nói riêng phục vụ các chương trình, kế hoạch phát triển của thành phố; góp phần đắc lực thực hiện nhất quán và thành công chính sách đối ngoại chủ động, tích cực hội nhập kinh tế và mở rộng hợp tác quốc tế của cả nước. 
 

Tại Hội nghị “Hà Nội 2018 - Hợp tác đầu tư và phát triển”, thành phố đã trao quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đầu tư cho 71 dự án, với tổng số hơn 397.335 tỷ đồng (17 tỷ USD) (Ảnh minh họa)

Hợp tác với gần 100 Thủ đô, thành phố lớn

Đến nay, Hà Nội có quan hệ hữu nghị và hợp tác với gần 100 Thủ đô, thành phố lớn trên thế giới; trong đó đã ký thỏa thuận hợp tác với 61 Thủ đô, thành phố các nước; có quan hệ kinh tế thương mại với 187 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Hà Nội cũng tham dự tích cực tại các diễn đàn đa phương, như Mạng lưới các thành phố lớn châu Á thế kỷ 21 (ANMC21); Hội nghị Thị trưởng Thủ đô các nước ASEAN, Hội nghị Thị trưởng Thủ đô các nước Á- Âu (ASEM); Hiệp hội các thị trưởng của các thành phố nói tiếng Pháp; Hiệp hội các thành phố có lịch sử lâu đời. Hà Nội cũng duy trì quan hệ tốt với các tổ chức quốc tế có trụ sở tại Hà Nội, các tổ chức tài chính tiền tệ như: WB, IMF, ADB, Tổ chức hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Tổ chức hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA)…

Kết quả thu hút FDI của Thủ đô đã có những cải thiện tích cực sau mở rộng: Nếu cả giai đoạn kéo dài 19 năm (1989-2007) từ khi bắt đầu mở cửa đến trước khi mở rộng địa giới, Hà Nội (cũ) lũy kế thu hút được 1.253 dự án FDI, với tổng vốn đăng ký đạt 14.589 triệu USD; bình quân thu hút 66 dự án/năm, thì sau khi mở rộng, thu hút FDI vào Hà Nội (mới) có sự tăng trưởng vượt trội cả về lượng và chất, trở thành động lực mạnh mẽ cho phát triển kinh tế trên địa bàn Thủ đô. Chỉ trong 4 năm (2008 -2011), Hà Nội thu hút được 1.146 dự án FDI mới, trung bình 287 dự án/năm.

Tính chung giai đoạn 2008-2017, Hà Nội thu hút được 3.237 dự án FDI, vốn đăng ký 19,1 tỷ USD, vốn thực hiện đạt 10,6 tỷ USD (tỷ lệ đạt 55,2%). Lũy kế đến hết năm 2017, tổng số dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài còn hiệu lực là 4.250, với vốn đăng ký 27,64 tỷ USD. Các quốc gia có vốn đầu tư lớn vào Hà Nội là Singapore (5,5 tỷ USD), Nhật Bản (5,38 tỷ USD), Hàn Quốc (5,34 tỷ USD).

Đến hết năm 2017, Hà Nội có 8 khu công nghiệp (KCN) đi vào hoạt động ổn định với 629 dự án đầu tư, trong đó có 325 dự án FDI (vốn đăng ký 5,4 tỷ USD) và 304 dự án trong nước (vốn đăng ký 13.386 tỷ đồng); doanh thu năm 2017 đạt 6,5 tỷ USD (tăng 2,5 lần so năm 2008), nộp ngân sách 180 triệu USD (tăng 3 lần). Các ngành nghề, các lĩnh vực thu hút được lượng vốn đầu tư lớn là lĩnh vực điện - điện tử và cơ khí.

Lần thứ hai trở lại vị trí dẫn đầu về cấp phép mới dự án FDI

Đặc biệt, tính chung 6 tháng đầu năm 2018, Hà Nội lần thứ hai trở lại vị trí đứng đầu trong số 45 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cả nước có dự án FDI được cấp phép mới, với tổng vốn đăng ký mới là 5.503,9 triệu USD, chiếm 46,6% tổng vốn đăng ký cấp mới cả nước cùng kỳ so sánh.

Lũy kế đến ngày 15-6-2018, Hà Nội có trên 4.300 dự án với vốn đầu tư đăng ký đạt 33 tỷ 380 triệu USD; trong đó, riêng 2 năm 2016-2017 và 6 tháng đầu năm 2018, Hà Nội thu hút được 12 tỷ 460 triệu USD, bằng 59% tổng số vốn đầu tư đã thu hút được trong giai đoạn 1986-2015.

Ngày 17-6-2018, Hà Nội tổ chức Hội nghị “Hà Nội 2018 - Hợp tác đầu tư và phát triển”. Đây là năm thứ ba liên tiếp Hà Nội tổ chức hội nghị, với chất lượng tổ chức và kết quả cũng ngày càng tốt hơn. Ngay tại hội nghị này, thành phố trao quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đầu tư cho 71 dự án đầu tư, với tổng số hơn 397.335 tỷ đồng (17 tỷ USD); Trong đó có 11 dự án FDI với tổng vốn đăng ký hơn 5,4 tỷ USD (so với mức 23 dự án với tổng vốn đầu tư là 36.919 tỷ đồng tại Hội nghị năm 2016 và 48 dự án, tổng vốn đầu tư 74.369 tỷ đồng tại Hội nghị năm 2017).

Về tổng thể, hoạt động thu hút FDI vào Hà Nội đã và đang có nhiều đóng góp quan trọng cho quá trình phát triển Thủ đô. Đây là kênh bổ sung vốn và làm tăng nhanh tổng vốn đầu tư xã hội trên địa bàn Thủ đô; tăng nguồn thu NSNN; mở rộng không gian kinh tế và năng lực tiếp nhận việc chuyển giao, làm chủ máy móc, trang thiết bị, tăng khả năng nội sinh và lan tỏa công nghệ theo chiều sâu; tăng đào tạo đội ngũ cán bộ kỹ thuật, công nhân lành nghề và tiếp thu kinh nghiệm quản lý, mở rộng thị trường, tạo thêm hàng trăm nghìn việc làm mới và tạo động lực cho tăng trưởng và dịch chuyển cơ cấu kinh tế Hà Nội theo hướng tích cực.

Nếu cơ cấu năm 2008 là: Dịch vụ chiếm 56,6%; công nghiệp - xây dựng chiếm 28,7%; nông nghiệp 4,3% (thuế sản phẩm 10,4%), thì năm 2017 cơ cấu các ngành tương ứng là: 57,6%; 29,7% và 2,9% (thuế sản phẩm 9,8%). Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài hiện tạo ra hàng trăm nghìn việc làm, chiếm khoảng 17% GDP và khoảng 30% kim ngạch xuất khẩu của Thủ đô. Đóng góp vào tổng thu ngân sách thành phố tăng từ 10% giai đoạn năm 2005-2012, nâng lên 13% giai đoạn 2011-2015.

Trên địa bàn Thủ đô có 15 doanh nghiệp FDI trong số 38 doanh nghiệp công nghiệp có quy mô doanh thu trên nghìn tỷ đồng (Canon, Yamaha…). Tỷ trọng các dự án FDI trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo đang ngày càng tăng; Nhiều dự án lớn đang tích cực giải ngân, mở rộng sản xuất hàng xuất khẩu (SamSung, Nokia, LG, Formusa,…), với đa số là sản phẩm mới, công nghệ, kỹ thuật cao.

Ngày càng quan tâm, cải thiện môi trường đầu tư

Những kết quả thu hút FDI có được một phần nhờ Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố Hà Nội đã coi trọng và trực tiếp quan tâm chỉ đạo và ban hành nhiều văn bản liên quan đến công tác Hội nhập kinh tế quốc tế và cụ thể hóa trong Quy chế quản lý thống nhất hoạt động đối ngoại, cũng như trong Kế hoạch hoạt động đối ngoại hàng năm của thành phố.

Hà Nội là địa phương sớm nhất cả nước thành lập và duy trì liên tục hoạt động Ban Chỉ đạo Hội nhập kinh tế quốc tế (HNKTQT) thành phố Hà Nội, thống nhất các nỗ lực thu hút FDI qua các Kế hoạch HNKTQT thường xuyên được hoàn chỉnh phù hợp với điều kiện mới của Hà Nội cho các giai đoạn 2009-2012; giai đoạn 2013-2015 và giai đoạn 2017-2020. 

Đặc biệt, thành phố ngày càng quan tâm cải thiện môi trường đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng và dịch vụ hỗ trợ kinh doanh, đẩy mạnh đào tạo lao động; đổi mới công tác xúc tiến đầu tư, tập trung vào các đối tác chiến lược, các địa bàn trọng điểm ở nước ngoài là các chủ đầu tư dự án thuộc các ngành công nghệ cao, tạo giá trị gia tăng lớn (xếp hạng chỉ số PCI của Hà Nội hiện xếp thứ 13.63 tỉnh thành cả nước, cao nhất từ trước đến nay.…). 

Chặng đường thu hút FDI 10 năm sau mở rộng cho phép Thủ đô tự tin và bình tĩnh nhìn lại và rút ra những bài học quý, tiếp tục chủ động xây dựng một số cơ chế, chính sách đặc thù và thêm quyết tâm vững bước trên hành trình đổi mới cùng cả nước; tăng năng lực, hiệu lực và hiệu quả khai thác các động lực phát triển kinh tế phù hợp với khung chính sách chung cả nước, với tinh thần Luật Thủ đô và các thỏa thuận của Hà Nội với các đối tác quốc tế, nâng cao vai trò đầu tàu kinh tế và củng cố vị thế Thủ đô.