Sau 9 tháng, tiền chưa đến dân 

(ANTĐ) -Từ khi thực hiện giải phóng mặt bằng (GPMB) đến nay đã 9 tháng nhưng 4 hộ gia đình tại đội 6, thôn Bầu, xã Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội vẫn chưa được nhận tiền đền bù GPMB. Không có tiền để sửa sang lại nhà cửa, những gia đình này đang phải sống cảnh tạm bợ.

GPMB nút giao thông Kim Chung:

Sau 9 tháng, tiền chưa đến dân 

(ANTĐ) -Từ khi thực hiện giải phóng mặt bằng (GPMB) đến nay đã 9 tháng nhưng 4 hộ gia đình tại đội 6, thôn Bầu, xã Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội vẫn chưa được nhận tiền đền bù GPMB. Không có tiền để sửa sang lại nhà cửa, những gia đình này đang phải sống cảnh tạm bợ.

Thực hiện dự án phát triển cơ sở hạ tầng đô thị Bắc Thăng Long - Vân Trì, ngày 1-4-2002, UBND thành phố Hà Nội đã có Quyết định số 2126/QĐ-UB về việc thu hồi đất để xây dựng cầu vượt và nút giao thông Kim Chung. Trong quá trình áp dụng chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo Quyết định 26/2005/QĐ-UB ngày 18-2-2005 của UBND thành phố Hà Nội đã xảy ra thắc mắc khiếu kiện của một số hộ dân tại thôn Bầu, xã Kim Chung.

Trong khi các thắc mắc của người dân chưa được giải thích thỏa đáng, ngày 3-3-2008, UBND xã Kim Chung đã ra Thông báo số 19/TB-UBND về việc cưỡng chế giải tỏa GPMB để thu hồi đất bắt đầu từ 8h  hôm sau (4-3-2008).

Gia đình anh Lê Minh Đức căng bạt ở tạm trước ngôi nhà tình nghĩa của bà Nhẽ.
Gia đình anh Lê Minh Đức căng bạt ở tạm trước ngôi nhà tình nghĩa của bà Nhẽ.

Theo thông báo của UBND xã Kim Chung thì việc cưỡng chế này là áp dụng theo quyết định của UBND huyện. Tuy nhiên, khi nhận được thông báo trên, người dân thôn Bầu rất ngỡ ngàng bởi UBND xã áp dụng cưỡng chế theo một quyết định chưa có và thiếu chính xác: “...theo Quyết định cưỡng chế số 109/QĐ-UB ngày 23-11-2008 của UBND huyện Đông”. Không biết UBND huyện Đông Anh được đổi tên thành “UBND huyện Đông” từ khi nào? Ngoài ra, ngày UBND huyện ra quyết định cưỡng chế phải gần 9 tháng nữa mới đến (ngày 23-11-2008). Trước thông báo thiếu chính xác trên các gia đình bị cưỡng chế tiếp tục thắc mắc.

Trong khi người dân chưa nhận được câu trả lời thì sáng 4-3-2008, các lực lượng cưỡng chế đã dùng máy móc phá dỡ nhà cửa trên phần đất phải GPMB. Bà Lê Thị Nhẽ (59 tuổi) bức xúc: “Tôi thật sự bàng hoàng bởi từ khi nhận được thông báo cưỡng chế của xã đến khi bị cưỡng chế chỉ chưa đầy 1 ngày. Do vậy khi bị cưỡng chế gia đình chẳng kịp thu dọn đồ đạc gì cả, may mà còn có gian Nhà tình nghĩa do Nhà nước xây dựng nên không bị đụng đến... Nhà bị hư hỏng, 2 vợ chồng cùng 2 cháu nhỏ của gia đình anh Lê Minh Đức phải căng bạt ở nhờ trước cửa ngôi nhà tình nghĩa của bà Nhẽ...

Sau khi bị cưỡng chế, nhà cửa bị hư hỏng không thể ở được các gia đình đã làm đơn gửi lên UBND huyện Đông Anh đề nghị được nhận tiền bồi thường hỗ trợ GPMB và tài sản. Sau khi xem xét nội dung đơn, ngày 24-3-2008, Thanh tra huyện Đông Anh đã có văn bản thông báo cho các gia đình đến UBND xã Kim Chung để liên hệ. Tuy nhiên, khi đến liên hệ với UBND xã Kim Chung, ông Phan Văn Biên - Chủ tịch UBND xã cho biết đã đề nghị BQL dự án, UBND huyện sớm chi trả tiền cho các hộ. Ông Biên cũng không biết chính xác khi nào các hộ dân sẽ được nhận tiền.

Đến nay đã gần 9 tháng kể từ khi thực hiện cưỡng chế 4 gia đình tại đội 6 thôn Bầu, xã Kim Chung vẫn chưa nhận được tiền bồi thường hỗ trợ GPMB và tài sản. Trong 9 tháng qua, do không có tiền sửa lại nhà, người dân đã phải căng bạt ra sân để chống chọi với mưa nắng. “Người lớn còn có sức chịu được chứ 3 cháu nhỏ (1 cháu lớn 10 tuổi, 1 cháu 3 tuổi, 1 cháu 14 tháng tuổi) thì cứ trở trời lại ho, sốt...” - vừa nói bà Nhẽ vừa lau nước mắt.

Hải Đăng