Sao phải né?

ANTD.VN - Báo cáo công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo giai đoạn 2012-2015 của Thanh tra Chính phủ cho thấy số vụ khiếu nại, tố cáo có xu hướng giảm so với trước nhưng số đoàn đông người lại có xu hướng gia tăng. 

Phần lớn các vụ việc khiếu nại đông người, phức tạp là những vụ việc khởi nguồn từ những năm trước, chưa được giải quyết dứt điểm; nhiều trường hợp đã được các cấp giải quyết đúng pháp luật nhưng công dân vẫn tiếp tục khiếu kiện kéo dài. Theo Thanh tra Chính phủ, tình trạng khiếu nại, tố cáo kéo dài xuất phát chủ yếu từ nhiều nguyên nhân khách quan.

Đó là chính sách, pháp luật về đất đai trong nhiều trường hợp chưa giải quyết được hài hoà mối quan hệ giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người sử dụng đất, một số chủ trương, chính sách đất đai còn bất cập. Một số vụ việc khiếu nại do lịch sử để lại nay rất khó giải quyết dứt điểm khi chính sách của Nhà nước đã thay đổi, không còn phù hợp hoặc không có hồi tố. Ngoài ra, công tác chỉ đạo, điều hành và quản lý Nhà nước trên một số lĩnh vực còn nhiều tồn tại, yếu kém… 

Có thể thấy, những khó khăn khách quan trên đang đặt ra những khó khăn rất lớn cho công tác tiếp dân, trong nhiều trường hợp bị “mắc kẹt” giữa cơ chế, chính sách với quyền lợi của người dân, gây bức xúc cho nhân dân và khó khăn cho cán bộ tiếp dân.

Dù vậy, phát biểu kết luận tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo ngày 7-10, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ ra một số nguyên nhân chủ quan đang tồn tại phổ biến, khiến công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo chưa hiệu quả:

Trong nhiều trường hợp người đứng đầu cơ quan có trách nhiệm chưa quan tâm đúng mức, chỉ đạo không quyết liệt, giải quyết chậm, thậm chí có sai sót, nhiều đồng chí lãnh đạo địa phương không bố trí tiếp dân. “Thấy dân mà lên xe chạy là không ổn rồi” - Thủ tướng nhấn mạnh - “Nếu cứ né tránh, để lâu thì người dân sẽ khiếu kiện vượt cấp. Giải quyết không hợp tình hợp lý thì nảy sinh khiếu kiện gay gắt”.

Đây là một thực trạng tồn tại kéo dài tại nhiều địa phương. Trong khi công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo được xác định là nhiệm vụ vô cùng quan trọng trong việc duy trì mối quan hệ hài hòa giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân, góp phần ổn định chính trị, xã hội, phát huy quyền dân chủ của công dân thì công tác này, dù những năm gần đây đã có nhiều thay đổi nhưng tại tại nhiều nơi vẫn chưa được coi trọng, nhìn nhận đúng mức.

Thậm chí, bộ phận tiếp dân tại các cơ quan Nhà nước luôn được coi là “nóng” nhất, cán bộ bất đắc dĩ mới phải làm ở bộ phận này. Trong khi đó, với tính chất nhạy cảm, dễ nảy sinh xung đột, yêu cầu đối với một cán bộ tiếp dân không chỉ đòi hỏi năng lực, trình độ mà còn “trước hết phải chai mặt; thứ hai là bình tĩnh, sáng suốt, nhẹ nhàng, mềm mỏng” - theo lời ông Võ Trọng Việt, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh khi cho ý kiến về Báo cáo của Chính phủ về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2016. 

Việc khó nhưng không được coi trọng, cán bộ không được lựa chọn, đào tạo tốt. Trong khi đó, tại nhiều nơi, người đứng đầu còn né tránh tiếp dân do ngại va chạm, không sát dân, thiếu thông tin, không am hiểu pháp luật nên không dám đối thoại với dân.

Cộng với những khó khăn khách quan do cơ chế, chính sách, thậm chí xuất phát cả từ sự thiếu hợp tác của người khiếu nại, tố cáo. Đó là những nút thắt cần gỡ để công tác tiếp dân, khiếu nại, tố cáo thực sự trở thành cầu nối giữa Nhà nước và nhân dân, đồng thời thể hiện quyền giám sát, làm chủ của nhân dân. Mà có lẽ, nút thắt quan trọng nhất vẫn là những yếu tố thuộc về chủ quan, trong đó quan trọng nhất là con người.