Sai phạm tại Tổng công ty Đường sắt Việt Nam: "Biến hóa" 2 khu đất "vàng" ở trung tâm Hà Nội

ANTD.VN - Lợi dụng chủ trương, thủ tục góp vốn và thực hiện trái chủ trương quy định, Tổng công ty đường sắt Việt Nam (VNR) đã hợp thức hóa việc chuyển nhượng tài sản, cơ sở kinh doanh có giá trị lớn ra ngoài doanh nghiệp không qua đấu giá, đấu thầu tại 2 lô đất "vàng" 80 Lý Thường Kiệt và 22 Phan Bội Châu, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

 

Kết luận của Thanh tra Chính phủ về việc chấp hành quy định pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) và một số đơn vị thành viên đã chỉ ra hàng loạt sai phạm tại  VNR. 

Đầu tư ra ngoài ngành hàng trăm tỷ đồng đều thua lỗ

Cụ thể, trong việc quản lý các khoản đầu tư tài chính dài hạn, VNR đã bị Thanh tra Chính phủ chỉ ra hàng loạt sai phạm dẫn đến thua lỗ, thất thoát tài sản của Nhà nước số tiền lên tới hàng trăm tỷ đồng.

Thanh tra Chính phủ cho biết, năm 2010, VNR đầu tư ra ngoài doanh nghiệp 481 tỷ đồng, và đến năm 2013 là 531 tỷ đồng. Trong đó, khoản đầu tư vào Công ty liên doanh MINZX từ khi thành lập năm 1996 đến nay không có lợi nhuận, số góp 1,735 tỷ đồng đã mất vốn phải trích lập dự phòng nhưng chưa được xử lý theo quy định.

Đặc biệt, việc quản lý lợi nhuận, cổ tức được chia lỏng lẻo, số nợ đọng kéo dài chưa thu được là gần 85 tỷ đồng, trong đó các công ty TNHH MTV nợ 31,233 tỷ đồng, các công ty liên doanh, liên kết nợ 47,8 tỷ đồng.

Đường sắt "vượt mặt" Bộ GTVT?

Liên quan đến việc góp vốn kinh doanh bằng quyền thuê đất và tài sản trên đất tại 80 Lý Thường Kiệt và 22 Phan Bội Châu (Hoàn Kiếm, Hà Nội) được Thanh tra Chính phủ chỉ ra hàng loạt sai phạm, có dấu hiệu xem thường lợi ích của Nhà nước.

Đường sắt Việt Nam đã lợi dụng việc góp vốn để  hợp thức hóa việc chuyển nhượng thửa đất  "vàng" tại 80 Lý Thường Kiệt, Hà Nội

Thời điểm tháng 1/2013, VNR đang quản lý sử dụng 2 thửa đất (giáp nhau) và tài sản trên đất tại 80 Lý Thường Kiệt và 22 Phan Bội Châu. Đối với thửa đất tại 80 Lý Thường Kiệt, diện tích 717,48 m2 (tài sản trên đất có khách sạn 5 tầng) đang quản lý, sử dụng theo nguyên trạng do đã hết hạn hơp đồng thuê đất từ 19 năm trước (28/8/1996) chưa có thủ tục thuê lại. Thửa đất tại 22 Phan Bội Châu diện tích 261 m2 (tài sản trên đất là nhà để xe), thời hạn thuê còn 2,5 năm. Mặc dù vậy, Ban chỉ đạo 09 đã có ý kiến về sắp xếp lại, xử lý theo Quyết định số 09/QĐ-TTg ngày 19/1/2007 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, VNR tiếp tục sử dụng khai thác cơ sở kinh doanh theo quy hoạch, đồng thời phải hoàn thiện hồ sơ pháp lý về nhà đất để quản lý, sử dụng theo quy định, nhưng VNR chưa thực hiện các thủ tục này trước khi tiến hành góp vốn.

Tháng 10/2012, sau khi hết hạn hợp đồng liên doanh với Tổng công ty Du lịch Sài Gòn VNR đã có chủ trương góp vốn bằng tài sản và giá trị thương mại quyền thuê sử dụng đất để thành lập pháp nhân mới đầu tư khách sạn.

Tháng 1/2013 VNR đã báo cáo xin Bộ GTVT chủ trương đầu tư và lựa chọn đối tác đầu tư là Công ty TNHH MTV Hà Thành. Bộ GTVT thống nhất theo đề nghị của VNR và giao Hội đồng thành viên VNR xây dựng phương án thành lập pháp nhân mới, phương án đầu tư.

Tuy nhiên, VNR không xây dựng phương án thành lập pháp nhân mới, phương án đầu tư nhằm khai thác có hiệu quả cơ sở vật chất, tài sản và lao động theo chỉ đạo của Bộ GTVT nhưng vẫn ký biên bản thỏa thuận hợp tác đầu tư với Công ty TNHH MTV Hà Thành, thuê thẩm định giá (lợi thế, quyền thuê sử dụng đất và tài sản trên đất), đàm phán vốn góp, làm thủ tục đăng ký kinh doanh, bàn giao tài sản nhà đất.

Đất vàng bị "biến hóa"

Trong quá trình đàm phán góp vốn, Hội đồng thành viên VNR đã quyết định giá trị góp vốn 2 mảnh đất là 47 tỷ đồng là thiếu cơ sở nhưng Bộ GTVT đã không nắm được, trong VNR đã thuê thẩm định giá có chứng thư xác định là 67,449 tỷ đồng. Sau khi VNR hoàn thành việc góp vốn, Bộ GTVT đã yêu cầu báo cáo giải trình về cơ sở xác định giá vốn góp nhưng đến nay chưa có xử lý gì.  Đáng nói, sau khi góp vốn, doanh nghiệp đi vào hoạt động không hiệu quả, 6 tháng cuối năm 2013 lỗ 588 triệu đồng và 9 tháng đầu năm 2014 lỗ 2,571 tỷ đồng.

Theo nhìn nhận của Thanh tra Chính phủ, đường sắt Việt Nam đang quản lý sử dụng cơ sở kinh doanh khách sạn trên 2 diện tích đất ở vị trí thuận lợi hàng đầu trên địa bàn Thủ đô Hà Nội có giá trị trên thị trường là rất lớn và thực chất là VNR đang kêu gọi đầu tư, lựa chọn nhà đầu tư để đầu tư khai thác cơ sở kinh doanh đang quản lý sử dụng chứ không hẳn là góp vốn với đối tác. Do vậy phải thực hiện đấu giá, đấu thầu để đảm bảo minh bạch, tránh thất thoát tài sản và lựa chọn được nhà đầu tư tốt nhất.

Tuy nhiên, VNR đã không thực hiện như vậy, trái lại đã thực hiện theo thủ tục góp vốn thành lập doanh nghiệp mới để thực hiện thỏa thuận đầu tư kinh doanh khách sạn 4 sao nhượng lại lựa chọn đối tác là Công ty TNHH MTV Hà Thành chưa có khả năng, kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh doanh khách sạn. Ngay sau khi có thỏa thuận góp vốn, VNR đã gấp rút đứng tên thực hiện thủ tục thuê đất rồi thanh lý ngay hợp đồng thuê đất để chuyển quyền thuê cho doanh nghiệp góp vốn thuê với lý do là tài sản trên đất đã mang đi góp vốn. Việc chuyên giao này cũng không thực hiện quy định vê đấu thầu, đấu giá theo quy định.

Đến nay, dự án đầu tư kinh doanh khách sạn 4 sao chưa triển khai được theo thỏa thuận góp vốn thì VNR lại có chủ  trương thoái vốn tại doanh nghiệp này để nhượng lại toàn bộ cơ sở kinh doanh cho đối tác. Mặt khác, việc góp vốn của VNR cũng sai và trái với những chủ trương và quy định.

“Như vậy, VNR đã lợi dụng thủ tục góp vốn và thực hiện trái chủ trương quy định để hợp thức hóa việc chuyển nhượng tài sản, cơ sở kinh doanh có giá trị lớn ra ngoài doanh nghiệp không qua đấu giá, đấu thầu”, Thanh tra Chính phủ kết luận.

Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, còn tồn tại hàng loạt sai phạm trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng như đại diện Nhà nước quản lý phần vốn tại Tổng công ty Đường sắt Việt Nam. Báo An ninh Thủ đô sẽ tiếp tục phản ánh về việc này.