Sách giáo khoa cần gắn với thực tế

(ANTĐ) - Trước những thông tin trái chiều về chương trình sách giáo khoa (SGK) một số bộ môn được đưa vào giảng dạy ở các cấp học không mấy phù hợp gây cho học sinh khó hiểu, không thiết thực, quá cao siêu và xa rời thực tế,… khiến không ít bậc phụ huynh đặt câu hỏi liệu với chương trình học như vậy có quá sức so với các em.

Sách giáo khoa cần gắn với thực tế

(ANTĐ) - Trước những thông tin trái chiều về chương trình sách giáo khoa (SGK) một số bộ môn được đưa vào giảng dạy ở các cấp học không mấy phù hợp gây cho học sinh khó hiểu, không thiết thực, quá cao siêu và xa rời thực tế,… khiến không ít bậc phụ huynh đặt câu hỏi liệu với chương trình học như vậy có quá sức so với các em.

Cần kết hợp giữa lý thuyết và thực tiễn để các em hứng thú hơn với bài giảng - Ảnh có tính minh họa
Cần kết hợp giữa lý thuyết và thực tiễn để các em hứng thú hơn với bài giảng - Ảnh có tính minh họa

“Không có khái niệm thuần túy khoa học vị khoa học”

Cũng như hầu hết các nước khác, ở nước ta hiện tượng thanh, thiếu niên có quan hệ tình dục trước hôn nhân ngày càng sớm và trở nên phổ biến hơn. Hiện tượng lạm dụng tình dục trẻ em, kể cả trẻ rất nhỏ tuổi làm cho xã hội lo ngại. Tình hình trên đã đặt ra vấn đề cần phải sớm giáo dục giới tính cho học sinh từ cấp tiểu học không chỉ riêng ở các nước phát triển mà cả ở những nước đang phát triển trong đó có Việt Nam vì nhà trường là nơi cung cấp tri thức một cách có mục đích, có phương pháp và có chọn lọc qua chương trình và SGK phù hợp với trình độ học sinh.

Nếu không tận dụng kênh chính quy này để chuyển tải những kiến thức mang tính “nhạy cảm” và trang bị cho các em những kỹ năng sống thì sẽ không giúp cho các em có đủ bản lĩnh để ứng phó với những tình huống phức tạp mà các em có thể gặp trong cuộc sống.

Các nước châu Á như: Thái Lan, Philippines, Malaysia, Singapore, Nhật Bản,… đã đưa giáo dục giới tính vào nhà trường tiểu học từ những năm giữa thế kỷ 20. ở Việt Nam sách Khoa học lớp 5 mới đã được dạy thí điểm và chỉnh sửa nhiều lần qua việc tiếp thu những ý kiến đóng góp của cán bộ quản lý giáo dục, các cấp, của giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh và đặc biệt là của Hội đồng Thẩm định SGK ở cấp quốc gia trước khi sách được phát hành sử dụng đại trà. Việc dạy khoa học cho học sinh ngày nay không thể tách rời việc giáo dục các giá trị xã hội trong đó có liên quan đến những kiến thức, đến quy luật, định luật khoa học.

Mặt khác, theo quan điểm tích hợp, cần phải thừa nhận có những vùng giao thoa giữa các môn học, thừa nhận dạy khoa học ứng dụng có nghĩa là dạy đạo đức. Vì vậy, không có khái niệm thuần túy khoa học vị khoa học mà cũng không có khái niệm đạo đức vị đạo đức. Đó chính là cách hiểu tốt nhất đối với việc biên soạn các cuốn sách giáo khoa Khoa học cũng như đối với việc dạy các môn khoa học trong nhà trường hiện nay.

(TS Bùi Phương Nga -  Chủ biên cuốn sách Khoa học lớp 5)

“Học sinh đang phải học những thứ cao siêu, trừu tượng và chán ngấy…!”

Quả thật tôi rất khiếp hãi khi thấy học sinh phải học những vấn đề cao siêu, trừu tượng và… chán ngấy đến như thế! Học sinh lớp 10 phải học các chủ đề như: Thế giới quan duy vật biện chứng và phương pháp luận biện chứng, thế giới vật chất và tồn tại khách quan, sự vận động và phát triển của thế giới vật chất, thực tiễn và vai trò đối với nhận thức, tồn tại xã hội và ý thức xã hội,… Con người là chủ thể của lịch sử và là mục tiêu phát triển của xã hội, công dân với một số vấn đề cấp thiết của nhân loại.

Còn lớp 11 thì các em được học: Một số phạm trù và quy luật kinh tế cơ bản (Hàng hóa, thị trường, quy luật giá trị, cạnh tranh, cung - cầu,...), kinh tế nhiều thành phần, một số lý luận về CNXH (Nhà nước XHCN, nền dân chủ XHCN), một số chính sách của Nhà nước ta (chính sách dân số, chính sách tài nguyên và bảo vệ môi trường, chính sách GD&ĐT, khoa học công nghệ,…). Lớp 12 thì học về bản chất và vai trò của pháp luật, quyền và nghĩa vụ công dân trong các lĩnh vực đời sống xã hội.

Chỉ xem qua những chương trình như vậy, chúng ta không thể không đặt câu hỏi: Liệu học sinh có thể hiểu được những chủ đề như thế hay không? Thầy cô giáo có dạy được những chủ đề đó hay không? Học xong bài: “Tồn tại xã hội và ý thức xã hội”, học sinh có lợi gì về nhận thức, thái độ và hành động? Học xong những chủ đề như vậy, học sinh sẽ vận dụng như thế nào vào cuộc sống hàng ngày? Riêng cá nhân tôi cảm thấy rất mừng khi không phải học lại từ lớp 10. Giả sử, có lệnh bắt các ông Hiệu trưởng phải học lại chương trình GDCD ấy và phải làm bài kiểm tra, thì có lẽ các ông ấy… chuồn hết

(Giáosư  Văn Như Cương - Hiệu trưởng trường PT Dân lập Lương Thế Vinh)

“Chỉ được chắt lọc từ một phần của Triết học!”

Phương pháp luận trong chương trình GDCD đã được xây dựng chuẩn từ những năm tiểu học, THCS rồi đến THPT. Đây là quá trình được định hướng, chuẩn bị và tạo đà để các em tiếp cận những vấn đề mang tính tư duy. Bắt đầu vào cấp III, các em có thể tự chủ giải quyết mọi vấn đề của bản thân và tiếp cận nó tương đối độc lập. Do vậy, đưa một số quan điểm của Triết học vào trong cách nhìn nhận xem xét tự nhiên và xã hội là điều vô cùng cần thiết đối với các em.

Đây không phải Triết học mà được chắt lọc từ một phần của Triết học, giúp trang bị cho các em cách giải quyết vấn đề với vai trò là chủ thể dựa trên 5 mối quan hệ: với bản thân, với người khác (mối quan hệ gia đình, xã hôi,…), với công việc, với môi sinh và với lý tưởng. Tuy nhiên, để chuyển tải cho học sinh hiểu, thầy cô phải có một trình độ khái quát, minh họa từ chính thực tế cuộc sống và không nên nhìn nhận nó quá cao siêu.

Thực tế, phần lớn thầy cô giáo vẫn chưa được đào tạo cơ bản, chưa được trang bị cách tư duy, cách giảng dạy nên chưa uyển chuyển trong việc truyền đạt cho học sinh, làm cho những kiến thức trong SGK trở nên vô nghĩa. Việc dạy vẫn còn nặng về lý thuyết, sa đà giải thích các khái niệm dẫn đến việc áp dụng lý thuyết vào thực tế vẫn chưa thực sự nhuần nhuyễn.

Chính vì vậy nhiều bậc phụ huynh cũng như thầy trò không thật sự thấy môn học là thiết thực và cần thiết. Để có cái nhìn tích cực hơn về môn học này, chúng ta cần hiểu bản chất của nó và không nên đánh đồng sang Triết học. Dĩ bất biến, ứng vạn biến chính là chìa khóa để thầy cô giáo chuyển tải cho học sinh tiếp thu dễ dàng, tạo nền tảng cho các em phát triển tư duy sáng tạo bản thân.

(PGS  Hà Nhật Thăng - Tổng chủ biên bộ sách Đạo đức, GDCD, chương trình giáo dục ngoài giờ lên lớp)

Giá sách giáo khoa khó giảm

(ANTĐ) - Trước tình hình giá nguyên vật liệu nói chung đang giảm mạnh và cụ thể là giá giấy đã giảm gần 2 triệu đồng/tấn, câu hỏi đặt ra với Nhà xuất bản Giáo dục là liệu sách giáo khoa có giảm giá khi tháng 3-2008, việc tăng giá sách giáo khoa trên toàn quốc với mức 9% đã được áp dụng. Ông Ngô Trần ái - Tổng Giám đốc NXB Giáo dục cho biết về nguyên tắc nếu giá giấy hạ về mức khởi điểm đầu năm 2007, trước khi có tình trạng tăng đột biến thì có thể giảm giá SGK nhưng điều này là khó xảy ra.

- PV: Đầu năm 2008, NXB Giáo dục đã đề nghị tăng giá SGK vì lý do giá giấy tăng, vậy với tình hình giá các loại nguyên vật liệu đang giảm mạnh như hiện nay, NXB có tính đến phương án giảm giá SGK?

- Ông Ngô Trần Ái: Việc tăng giá SGK lên 9% đầu năm 2008 là do giá giấy tăng đột biến từ 11, 12 triệu đồng lên tới 18 triệu đồng/tấn. Hiện nay, đúng là giá giấy có giảm, tuy nhiên mới chỉ giảm khoảng 2 triệu đồng/tấn thì chưa thể điều chỉnh giá SGK về mức cũ.

- PV: Vậy trong trường hợp giá giấy vẫn tiếp tục giảm, liệu việc giảm giá có được thực hiện không, thưa ông?

- Ông Ngô Trần Ái: Chiều 16-12 NXB đã tiến hành mở thầu các gói thầu in SGK cho năm 2009. Chúng tôi sẽ tiến hành ký hợp đồng với nhà in nào đưa ra mức giá thấp nhất. Sau khi đã ký hợp đồng việc điều chỉnh giá sẽ khó thực hiện.

- PV: Lần tăng giá trước cũng được thực hiện khi đã đấu thầu rồi, trong khi bây giờ mùa in sách mới chỉ bắt đầu và còn kéo dài cho đến tháng 5-2009?

- Ông Ngô Trần Ái: Về nguyên tắc, thì giá SGK có thể giảm nếu giá giấy cũng giảm về mức cũ vào khoảng 11, 12 triệu đồng/tấn, nhưng theo tôi, điều này rất khó xảy ra. NXB rất mong giảm giá SGK vì đây không chỉ là kinh doanh mà còn là nhiệm vụ chính trị, nhưng nếu giá giấy không quay về mức cũ thì cũng không thể thực hiện được.

- PV: Trước khi bắt đầu năm học 2008-2009, NXB Giáo dục có thông báo thu mua SGK cũ để giảm chi phí cho học sinh khó khăn. Hiệu quả của việc này như thế nào, thưa ông?

- Ông Ngô Trần Ái: Việc sử dụng lại SGK cũ là hình thức tiết kiệm rất nên khuyến khích. Năm vừa qua, lượng sách xuất bản mới giảm gần 10 triệu cuốn, chứng tỏ việc vận động học sinh sử dụng SGK cũ đã phát huy hiệu quả. Hệ thống thu mua của NXB Giáo dục đã thu được khoảng 2 triệu cuốn SGK, số còn lại là các em trong từng trường nhượng lại cho nhau. Theo tôi, xu hướng sử dụng SGK cũ sẽ tiếp tục được thực hiện và nhiều khả năng năm nay, lượng xuất bản mới SGK của NXB Giáo dục sẽ giảm tiếp.

Bảo Anh (Thực hiện)