Quản lý cơ sở y tế tư nhân:

Rút kinh nghiệm từ vụ thẩm mỹ Cát Tường

ANTĐ - Sau hơn 1 năm thực hiện Chỉ thị 10 của UBND TP Hà Nội, công tác quản lý y tế ngoài công lập trên địa bàn đã được cải thiện. Tuy nhiên, báo cáo của Sở Y tế Hà Nội cho thấy, 9 tháng đầu năm 2014, thành phố đã phạt 7 tỷ đồng đối với những sai phạm được phát hiện sau thanh tra, kiểm tra đối với 6.883 lượt cơ sở. 

Rút kinh nghiệm từ vụ thẩm mỹ Cát Tường ảnh 1Việc kiểm tra đột xuất các cơ sở y tế tư nhân sẽ hạn chế những sai sót
gây hậu quả cho người bệnh 
(Trong ảnh: Đoàn kiểm tra Sở Y tế Hà Nội kiểm tra dụng cụ y tế tại một phòng khám tư nhân)

Có địa bàn 600 cơ sở - 2 cán bộ theo dõi không xuể 

9 tháng đầu năm 2014, Thanh tra Sở Y tế thực hiện kiểm tra 771 lượt, xử lý vi phạm hành chính 371 cơ sở với tổng số tiền 3,415 tỷ đồng. Phòng Y tế các quận/ huyện thanh tra, kiểm tra 6.112 lượt, phạt tiền 744 cơ sở, tổng số tiền phạt 3,578 tỷ đồng. Đáng chú ý, các cơ quan chức năng của ngành y tế Hà Nội buộc phải đình chỉ hành nghề không phép 110 cơ sở y tế (gồm: 29 cơ sở khám chữa bệnh, 78 kinh doanh thuốc, 2 dịch vụ y tế, 1 y học cổ truyền) và 1 cá nhân. Liên ngành thành phố qua kiểm tra đối với 86 cơ sở hành nghề, quyết định đình chỉ hoạt động  2 cơ sở không phép, thu hồi giấy phép hoạt động của 2 phòng khám; tạm đình chỉ hoạt động đối với 8 phòng khám, thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc đối với 11 cơ sở.

Là địa bàn nóng về công tác hành nghề y dược tư nhân với số lượng các cơ sở rất lớn và phát triển nhanh (hiện có 592 cơ sở), Phó Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng Cáp Sỹ Phong cho biết, trong 10 tháng qua, quận Hai Bà Trưng đã xử lý trên 170 cơ sở vi phạm, phạt gần 800 triệu đồng, đóng cửa 2 phòng khám. Đặc biệt, rút kinh nghiệm từ vụ chết người xảy ra tại thẩm mỹ viện Cát Tường cho thấy UBND quận Hai Bà Trưng đã phân công, phân cấp trách nhiệm rất rõ ràng song thực tế công tác vẫn tồn tại không ít lỗ hổng, hạn chế. “Cả Phòng Y tế quận Hai Bà Trưng chỉ 2 cán bộ theo dõi mảng việc này trong khi địa bàn có đến gần 600 cơ sở hành nghề nên toàn bộ phải trông chờ vào sự tham mưu của các Trạm Y tế. Trong khi các Trạm Y tế hoạt động sự nghiệp là chính và theo quy định mới lại trực thuộc quản lý của Sở Y tế, chưa kể bản thân các Trạm cũng rất thiếu cán bộ chuyên trách”, ông Cáp Sỹ Phong nói.

“Lách luật” vì không thể chờ lâu

Việc cấp phép hành nghề cho các cơ sở y dược tư nhân hiện còn quá chậm, thủ tục hành chính rườm rà, khiến các cơ sở hành nghề rơi vào thế “buộc phải vi phạm”, công tác quản lý nhà nước cũng rất khó khăn. Cụ thể, để làm thủ tục được cấp chứng chỉ hành nghề y tư nhân hiện mất khoảng 2 tháng, cấp phép hành nghề cơ sở y tư nhân mất 3 tháng, chưa kể thời gian làm giấy đăng ký kinh doanh. Đấy là hồ sơ đầy đủ, thuận lợi, còn không sẽ mất thời gian hơn nhiều. Trong khi chờ cấp phép, các cơ sở đã mất tiền thuê nhà, đầu tư trang thiết bị, thuê nhân lực… nên họ sẽ phải tìm cách “lách luật” chứ không thể ngồi không được.

Về điều này, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền cho biết, Sở đã thành lập 2 đoàn thẩm định song thời gian cấp chứng chỉ hành nghề y dược tư nhân vẫn chưa thể rút ngắn được nhiều vì quá tải cũng như quá trình thẩm định có nhiều yếu tố phát sinh rất mất thời gian. Chỉ đạo tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc đã yêu cầu, Sở Y tế phải chủ trì cùng Sở Kế hoạch - Đầu tư và các ngành liên quan xây dựng lại lộ trình cấp phép, giảm tối thiểu 2/3 thời gian cấp phép hành nghề như hiện nay để không xảy ra tiêu cực. Cùng với đó, phải nghiên cứu ứng dụng công nghệ thông tin vào lĩnh vực cấp phép để rút ngắn thời gian. Ngoài ra, ngành y tế cũng phải xây dựng tổng thể vị trí việc làm trong ngành mình, tránh hiện tượng chỗ thiếu chỗ thừa nhân lực, ảnh hưởng đến hiệu quả công việc.

Số cơ sở ngoài công lập trên địa bàn Hà Nội tăng rất nhanh. Tính đến ngày 
25-10, toàn thành phố có 2.485 cơ sở hành nghề khám, chữa bệnh tư nhân, 4.973 cơ sở kinh doanh thuốc…