Rục rịch tăng học phí

ANTĐ - UBND TP Hà Nội vừa có tờ trình về mức thu học phí mới từ bậc mầm non đến THPT trong các trường công lập, dự kiến áp dụng từ tháng 1-2016. Việc tăng học phí đang được cân nhắc ở mức thấp nhất, tuy nhiên có ý kiến cho rằng học phí thấp sẽ khó đòi hỏi nâng cao chất lượng giáo dục và đáp ứng yêu cầu đổi mới toàn diện.  
Rục rịch tăng học phí ảnh 1

Học phí một tháng bằng nửa buổi học thêm

Để mức thu học phí mới không quá đột biến so với mức thu hiện nay, đảm bảo tính ổn định và an sinh xã hội, UBND TP Hà Nội đề xuất mức thu học phí năm học 2015-2016 bằng mức thấp nhất trong khung học phí vừa được Chính phủ ban hành tháng 10-2015. Theo đó, các bậc học từ nhà trẻ đến THPT, GDTX (trừ tiểu học) đối với vùng thành thị, mức thu tăng từ 40.000 đồng lên 60.000 đồng/học sinh/tháng. Vùng nông thôn có mức thu từ 20.000 đồng lên 30.000 đồng/học sinh/tháng. Miền núi trước đây không thu, nhưng theo quy định mới sẽ thu 8.000 đồng/học sinh/tháng. 

Đánh giá về mức thu học phí mới được đề xuất, chị Nguyễn Ánh Nguyệt, phụ huynh trường THCS Nguyễn Trường Tộ cho rằng, với khu vực thành thị, việc thu tăng lên 20.000 đồng/học sinh/tháng không tác động nhiều đến kinh tế các gia đình. “Học phí trong trường công lập không phải là mối lo của phụ huynh hiện nay. Thực tế, chi  phí ngoài học phí mới ảnh hưởng lớn đến túi tiền phụ huynh, trong đó đặc biệt có các khoản học thêm, thu thêm. Hiện tại con tôi học thêm 5 buổi/tuần với mức tiền trung bình 100.000 đồng/buổi, đứa thứ hai đang học tiểu học nhưng cũng phải học thêm với chi phí 120.000 đồng/buổi. So với học phí 60.000 đồng/tháng của trường thì chỉ bằng một nửa chi phí nửa buổi học thêm của các con hiện nay” - chị Nguyễn Ánh Nguyệt phân tích. 

Còn chị Trần Hoàng Yến, phụ huynh trường THCS Bế Văn Đàn chia sẻ, “Tăng học phí thì chẳng phụ huynh nào thích. Học phí tăng, nhưng thu thêm, dạy thêm giảm đi thì mới nhận được sự ủng hộ của người dân. Còn đã tăng học phí nhưng học sinh vẫn phải đi học thêm, các khoản thu thêm, quỹ phụ huynh không những chẳng bớt đi mà còn phải bù thêm thì càng khiến người dân bức xúc”.

Rục rịch tăng học phí ảnh 2

Học phí thấp có phù hợp với nhu cầu nâng cao chất lượng giáo dục?

Thu không thỏa đáng sẽ phải thu thêm

Theo tờ trình của UBND TP Hà Nội về mức thu học phí mới thì việc Hà Nội lâu nay vẫn giữ mức thu thấp nhất trong khung học phí do Chính phủ quy định là nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho học sinh có cơ hội tới trường. Tuy nhiên, TS Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng trường THPT Đinh Tiên Hoàng lại đặt vấn đề: “Hà Nội cần chất lượng giáo dục hay cần học phí thấp?”. Theo TS Nguyễn Tùng Lâm, mức thu học phí phù hợp với từng đối tượng sẽ giúp các trường tăng nguồn thu để đầu tư cho hoạt động giáo dục.

“Không nhất thiết đối tượng nào cũng phải được hưởng mức học phí thấp nhất. Nhiều gia đình nội thành sẽ không quá khó khăn nếu phải đóng tăng thêm vài chục nghìn đồng học phí mỗi tháng. Hiện tại TP.HCM cũng đưa ra mức thu học phí công lập cao nhất là 200.000 đồng/tháng với bậc nhà trẻ, 120.000 đồng/tháng với THPT, 180.000 đồng/tháng với bổ túc THPT. Họ cũng phải cân nhắc kỹ để đặt ra các mức thu cho từng bậc học chứ không phải thu đồng đều như nhau, trong khi ngân sách Nhà nước còn nhiều khó khăn” - TS Nguyễn Tùng Lâm phân tích.

Một hiệu trưởng trường THPT công lập của Hà Nội lo ngại thu học phí không thỏa đáng thì dù muốn hay không nhà trường cũng phải thu thêm. “Còn khi đã muốn thu học phí cao thì các trường cũng phải cam kết nâng cao chất lượng giáo dục, không phát sinh các khoản thu thêm. Nếu làm được việc này tôi nghĩ phụ huynh sẽ không phản đối” - vị hiệu trưởng này chia sẻ. TS Nguyễn Tùng Lâm cũng đồng ý: “Để mức học phí thấp nhưng vẫn dạy thêm, thu thêm thì sẽ không giảm được khó khăn cho người dân như mục đích đặt ra của thành phố”. 

Một vấn đề nữa khiến không ít hiệu trưởng ở Hà Nội thắc mắc là sự chênh lệch quá lớn giữa học phí công lập và ngoài công lập tạo ra sự mất công bằng giữa học sinh của hai khối này. Bởi, mặc dù Nhà nước đang khuyến khích phát triển hệ thống dân lập, nhưng các trường này sẽ rất khó thu hút học sinh vì học phí cao và không được hỗ trợ ngân sách, trong khi học phí công lập quá thấp lại được ngân sách thành phố hỗ trợ hàng năm.

Ông Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng trường THPT Việt Đức: Không nên tăng đột ngột

Với các khoản thu và ngân sách cấp hiện tại, nguồn chi thường xuyên của các trường công lập ngoài khá hạn hẹp. Trong bối cảnh đó, việc đầu tư để làm tốt hơn nữa chất lượng dạy học đòi hỏi có sự phối hợp giữa nhà trường và xã hội. Mức học phí 40.000 đồng/học sinh/tháng hiện tại khó giúp các trường đủ chi trả các hoạt động giáo dục, đầu tư cơ sở vật chất. Nếu được tăng học phí để có thêm nguồn đầu tư cho cơ sở vật chất và chi thường xuyên trong nhà trường thì chất lượng giáo dục chắc chắn sẽ toàn diện hơn. 

Tuy nhiên, tăng học phí ở mức nào trong khung quy định của Nhà nước (từ 60.000 đồng đến 300.000 đồng) thì cần nghiên cứu thực tế, tìm hiểu, đánh giá kỹ mức chi phí cho việc học tập của người dân. Không nên tăng học phí đột ngột và cần đảm bảo các hộ gia đình khó khăn, thuộc diện chính sách, các vùng nông thôn… được miễn giảm học phí. Trước đòi hỏi ngày càng cao về chất lượng giáo dục của người dân Thủ đô, việc đưa ra mức học phí phù hợp sẽ góp phần giúp các trường có thêm khoản thu chính đáng để đầu tư cho giáo dục, tránh phát sinh những tình trạng lạm thu trong trường học do thu không đủ chi.