Rộng vòng tay giúp đỡ người đặc xá trở về

ANTD.VN - Phần lớn trong số 152 người được đặc xá, trở về địa bàn huyện Gia Lâm, Hà Nội, từ năm 2008 đến nay, đã được các cấp chính quyền cơ sở, lực lượng công an tiếp nhận, quản lý, giáo dục, giúp đỡ trách nhiệm, hiệu quả. Tỷ lệ người có việc làm ổn định cao và nhất là, số người tái phạm vi phạm pháp luật rất ít.

Rộng vòng tay giúp đỡ người đặc xá trở về ảnh 1Cán bộ chức năng huyện Gia Lâm chủ động trao đổi với doanh nghiệp trên địa bàn,
tiếp nhận người đặc xá

Đây là kết quả cụ thể được huyện Gia Lâm thực hiện trong 8 năm thi hành Luật Đặc xá (2008 – 2016) và 5 năm thi hành Luật Thi hành án hình sự. Thượng tá Hoàng Xuân Trường – Phó trưởng CAH Gia Lâm cho biết, nhận thức ý nghĩa, tính chất hết sức quan trọng của Luật Đặc xá và Luật Thi hành án hình sự, CAH đã tổ chức tập huấn công tác nghiệp vụ về lĩnh vực Quản lý hành chính, mời giảng viên của Học viện CSND về giảng, trong đó lồng ghép nội dung Luật Đặc xá cho chỉ huy Công an các thị trấn, đồn, toàn bộ lực lượng CSKV, Công an xây dựng phong trào và phụ trách xã về ANTT…

Từ đó, lực lượng công an cơ sở đã tham mưu với cấp ủy, chính quyền có kế hoạch chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể triển khai Luật Đặc xá; phối hợp với cơ quan công an tiếp nhận, quản lý, giáo dục, giúp đỡ người được đặc xá về địa phương.

“Cùng với sự vào cuộc của cán bộ cơ sở, hàng xóm láng giềng để giúp người được đặc xá bớt dần mặc cảm, chúng tôi cũng đã có những biện pháp, trao đổi với các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đóng trên địa bàn, tạo điều kiện giải quyết việc làm, giúp đỡ người đặc xá, tù tha ổn định cuộc sống, có thu nhập, hạn chế tối đa các nguyên nhân, điều kiện tái phạm tội và vi phạm pháp luật”, Thượng tá Hoàng Xuân Trường chia sẻ cách làm của đơn vị trong thực hiện công tác quản lý, giúp đỡ những người có hoàn cảnh đặc biệt.

Trong gần 160 người được đặc xá từ 8 năm qua về địa bàn huyện Gia Lâm, chỉ có 2 trường hợp bị phát hiện tái phạm. Hiện, gần 90 trường hợp có việc làm ổn định; hơn 20 người có công việc với mức thu nhập tương đối khá. Đây là những tín hiệu tích cực, trên “mặt bằng” phần lớn người đặc xá có trình độ kỹ thuật và tay nghề thấp, không có vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh, chưa kể vẫn có trường hợp chưa xóa bỏ được mặc cảm với xã hội, ngại tiếp xúc với mọi người.

Nhìn nhận rõ những khó khăn, thách thức trong công tác quản lý người đặc xá, tù tha, nhất là thu xếp, bố trí công ăn việc làm; song huyện Gia Lâm đã và đang xác định đây là một trong những trọng tâm công tác phải thực hiện thật tốt. Bởi, nó không chỉ mang ý nghĩa nhân văn, mà còn là điều kiện cần và đủ để phòng ngừa, giảm những nguy cơ ảnh hưởng ANTT địa bàn.