Rơi vật liệu từ các công trình xây dựng trên cao: Không thể đổ lỗi do sơ ý

ANTĐ - Như Báo An ninh Thủ đô đã đưa tin, sáng 19-2, trong quá trình thi công công trình xây dựng tại số 74 Thợ Nhuộm (phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), một khối nguyên vật liệu từ công trình này đã đổ ập lên mái nhà dân tại số 72 Thợ Nhuộm. Đáng buồn, đây không phải sự việc hy hữu…

Rơi vật liệu từ các công trình xây dựng trên cao: Không thể đổ lỗi do sơ ý ảnh 1Hiện trường xảy ra sự cố tại phố Thợ Nhuộm ngày 19 và 22-2

Đình chỉ thi công công trình

Trở lại khu vực trên sáng 22-2, chúng tôi thấy đơn vị thi công đang phá dỡ dãy nhà bị hư hại để triển khai xây dựng lại. Theo một số người dân sống tại khu vực, dù sự việc đã xảy ra cách đây vài ngày nhưng vẫn khiến họ chưa hết bàng hoàng bởi có người đã may mắn thoát chết trong gang tấc. Sau sự cố này, chủ đầu tư công trình đã hỗ trợ tiền cho người bị thương, vận động người dân ra ở tại khách sạn gần đó để đảm bảo an toàn, đồng thời hứa thanh toán toàn bộ chi phí ăn, ở cho các hộ trong thời gian chờ xây dựng lại nhà mới và chịu trách nhiệm hoàn trả lại hiện trạng công trình như trước khi xảy ra sự cố. 

Liên quan đến vấn đề trên, ông Phạm Ngọc Long - Chủ tịch UBND phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm cho biết, công trình tại 74 Thợ Nhuộm đã được đưa vào sử dụng cách đây khoảng 1 năm, nay có nhu cầu cải tạo tầng trên cùng. Ngày 29-6-2015, UBND quận Hoàn Kiếm đã cấp Giấy phép cải tạo công trình cho chủ đầu tư với quy mô xây dựng: Cải tạo, lắp đặt hệ thống khung thép, lợp tôn trên mái tòa nhà, mở rộng phần tum thang, phòng kỹ thuật có sẵn trên nóc tầng 7 để chống nóng với diện tích 397m2, cao 4,15m. 

Sự cố rơi nguyên vật liệu từ công trình này xảy ra sáng 19-2 đã khiến 3 hộ với 13 nhân khẩu bị thiệt hại về tài sản, tổng diện tích bị hư hại khoảng 41m2. Ngay sau khi sự việc xảy ra, UBND phường đã ra Quyết định đình chỉ thi công công trình, chỉ đạo CAP huy động cán bộ chiến sỹ, bảo vệ dân phố, dân phòng phong tỏa khu vực, cắm biển báo nguy hiểm, khám nghiệm hiện trường, phối hợp tìm nguyên nhân xảy ra sự cố.

Bên cạnh đó, UBND phường  cùng cơ quan chức năng kiểm tra các giấy tờ liên quan đến tư cách pháp nhân của nhà thầu xây dựng, phương án thi công. UBND phường cũng yêu cầu chủ đầu tư có biện pháp bố trí chỗ ăn ở tạm cho người dân, rà soát thống kê tài sản và thiệt hại có liên quan, nghiêm túc đình chỉ thi công theo quy định.

Còn theo đại diện chủ đầu tư công trình tại 74 Thợ Nhuộm, nguyên nhân dẫn đến sự cố trên là do công nhân trong quá trình thi công sơ ý, không tuân thủ các biện pháp đảm bảo an toàn. Để khắc phục sự cố này, chủ đầu tư đã nhanh chóng hỗ trợ các hộ dân chi phí ăn ở, tập trung nhân lực đẩy nhanh quá trình phá dỡ nhà cũ, thỏa thuận với các hộ dân để đi đến thống nhất trong việc xây dựng nhà mới trên cơ sở hiện trạng ban đầu. Bên cạnh đó, chủ đầu tư cũng nghiêm túc thực hiện quyết định đình chỉ của UBND phường, triển khai các biện pháp gia cố an toàn, đề xuất biện pháp tháo dỡ toàn bộ cấu kiện cũ chuyển sang sử dụng cấu kiện khác với nguyên vật liệu nhẹ hơn. 

Tiềm ẩn nhiều nguy cơ

Ngoài sự việc trên, thời gian qua, trên địa bàn Hà Nội đã xảy ra khá nhiều vụ việc tương tự. Cách đây không lâu, tại khu vực xây dựng nhà ga tuyến đường sắt trên cao Hà Đông - Cát Linh, một thanh sắt bất ngờ rơi từ trên cao xuống khiến 1 người đi đường thiệt mạng, 1 người khác bị thương nặng. Trước đó, một người phụ nữ điều khiển xe máy khi lưu thông qua công trường xây dựng tòa nhà Keangnam đã bị 1 thanh sắt rơi trúng tay phải, khiến xương trụ cánh tay bị vỡ vụn. Còn tại một công trường xây dựng ở phường Phúc La, quận Hà Đông, một nam sinh viên cũng đã tử nạn khi bị khối vật liệu xây dựng từ công trình này rơi từ trên cao xuống trúng người. 

Theo thạc sỹ Trịnh Văn Sơn - trường ĐH Xây dựng, nguyên nhân dẫn đến các vụ tai nạn trên là do chủ dự án, nhà thầu chưa thật sự quan tâm đến công tác bảo đảm an toàn lao động. Chế tài xử lý đối với đơn vị, cá nhân vi phạm chưa đủ sức răn đe, công tác kiểm tra, xử lý của cơ quan chức năng chưa được tiến hành thường xuyên, chặt chẽ. Trong khi đó, các công trình đang xây dựng nằm trong khu dân cư tiềm ẩn rất nhiều mối nguy hiểm. Chỉ cần hệ thống giàn giáo lỏng lẻo, bị gỉ sét dẫn đến gãy đổ hoặc nếu không có rào chắn bảo vệ, vật liệu xây dựng rơi ra xung quanh cũng sẽ gây hại không nhỏ tới người và những công trình lân cận.

Được biết, nhằm tăng cường công tác quản lý, mới đây, Sở Xây dựng Hà Nội đã ban hành Hướng dẫn về việc hướng dẫn quy trình, thủ tục kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật... Theo đó, các hành vi vi phạm trong vệ sinh môi trường, quản lý hạ tầng kỹ thuật gồm: Tổ chức thi công xây dựng công trình không che chắn hoặc có che chắn nhưng để rơi vãi vật liệu xây dựng xuống các khu vực xung quanh hoặc để vật liệu không đúng nơi quy định; Vi phạm quy định về thu gom, vận chuyển, đổ rác thải, phế thải xây dựng… Để giảm thiểu những sự cố đáng tiếc, đề nghị các ban, ngành liên quan và chính quyền địa phương cần siết chặt quy định về an toàn xây dựng, tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các đơn vị, cá nhân vi phạm để làm gương.