Rõ ranh giới xử lý hình sự doanh nghiệp trốn đóng bảo hiểm xã hội

ANTD.VN - Từ ngày 1/9/2019, Nghị quyết về xử lý tội gian lận bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao chính thức có hiệu lực thi hành là cơ sở pháp lý quan trọng để xem xét trách nhiệm hình sự của người có hành vi vi phạm.

Rõ ranh giới xử lý hình sự doanh nghiệp trốn đóng bảo hiểm xã hội ảnh 1

Nghị quyết 05/2019/NQ-HĐTP gỡ vướng trong việc xử lý hình sự doanh nghiệp trốn đóng bảo hiểm xã hội

Doanh nghiệp chây ì, nợ lớn kéo dài

Theo ông Ðào Việt Ánh, Phó tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội, từ đầu năm đến nay, ngành bảo hiểm xã hội đẩy mạnh công tác thanh tra chuyên ngành để thu hồi nợ đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế. Tính đến hết tháng 6/2019, bảo hiểm xã hội đã thu hồi được 835 tỷ đồng trong 1.307 tỷ đồng nợ bảo hiểm xã hội được thanh tra, kiểm tra.

Tuy nhiên, các hành vi nợ đọng, trốn đóng và gian lận bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp vẫn có xu hướng gia tăng và diễn biến phức tạp. Tính đến hết tháng 7/2019, cả nước có trên 55.000 đơn vị nợ đọng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế với số tiền lên tới trên 6.000 tỉ đồng gây ảnh hưởng lớn tới quyền lợi tới hàng trăm nghìn lao động.

Từ thực tế trốn đóng bảo hiểm xã hội tràn lan mà không có công cụ xử lý, trong quá trình sửa đổi và ban hành các luật, các quy định để giải quyết vấn đề về nợ bảo hiểm xã hội, trốn đóng bảo hiểm xã hội đã được bổ sung.

Luật Bảo hiểm xã hội trao quyền thanh tra, kiểm tra, xử phạt hành chính cho cơ quan bảo hiểm xã hội. Ðồng thời, giao chức năng khởi kiện cho tổ chức công đoàn, bởi đây là đại diện hợp pháp của người lao động.

Tuy nhiên, vấn đề khởi kiện dân sự và xử lý hình còn nhiều vướng mắc. Ðối với việc khởi kiện dân sự, các tòa án gần như chưa thụ lý đơn nào. Ðối với việc xử lý hình sự, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, các cơ quan bảo hiểm xã hội đã chuyển hàng trăm hồ sơ sang cơ quan điều tra để tiến hành khởi tố nhưng do vướng mắc về quy trình nên không xử lý được hoặc bị điều tra, xét xử dưới các tội danh khác, không liên quan đến bảo hiểm xã hội.

Việc xử lý vi phạm hành vi trốn, nợ đóng bảo hiểm chưa hiệu quả là một trong những nguyên nhân khiến doanh nghiệp xem nhẹ quy định của pháp luật, cố tình chây ì, trốn đóng bảo hiểm xã hội.

Xóa khoảng trống về mặt pháp lý

Để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động về các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao vừa ban hành Nghị quyết 05/2019/NQ-HÐTP hướng dẫn áp dụng Ðiều 214, Ðiều 215, Ðiều 216 Bộ luật Hình sự. Đây được xem như hành lang pháp lý thống nhất trong việc xử lý các trường hợp vi phạm về bảo hiểm xã hội.

Trước đây, công đoàn cần phải có uỷ quyền của người lao động mới khởi kiện được chủ sử dụng lao động với hành vi trốn đóng, nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. Đây là cơ chế uỷ quyền khởi kiện dân sự. Tuy nhiên, theo hướng dẫn của Nghị quyết 05/2019/NQ-HĐTP xác định hành vi trốn đóng, gian lận bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp là hành vi vi phạm pháp luật. Ở mức độ nhẹ, hành vi này được xử lý hành chính; nghiêm trọng hơn sẽ bị xử lý hình sự.

Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao cũng xác định: các tổ chức Công đoàn, tổ chức đại diện cho người lao động và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác nếu phát hiện hành vi có dấu hiệu tội phạm quy định tại các Điều 214, 215, 216 của Bộ luật Hình sự thì thông báo ngay đến cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng để xem xét, khởi tố theo quy định.

Khi nhận được tin báo về tội phạm hoặc văn bản kiến nghị khởi tố và chứng cứ, tài liệu có liên quan, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải xem xét, thụ lý giải quyết theo quy định của pháp luật.

Có thể thấy, với quy định này người lao động ngoài việc uỷ quyền cho tổ chức Công đoàn tố giác, khởi tố, khởi kiện chủ sử dụng lao động trốn đóng, chậm đóng, gian lận số tiền tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp của mình thì người lao động có thể trực tiếp thực hiện công việc này.

Đây cũng là một công cụ hữu hiệu để người lao động bảo về quyền, lợi ích chính đáng của mình trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, nhất là khi việc khởi kiện doanh nghiệp trốn đóng, nợ đọng bảo hiểm xã hội của tổ chức Công đoàn đang gặp nhiều khó khăn do vướng các quy định của luật và điều kiện thực tế.