Rau sạch rởm "chui" siêu thị - trách nhiệm thuộc về ai?

ANTĐ - Đó là câu hỏi phóng viên Báo ANTĐ đặt ra trong cuộc trao đổi với Thượng tá Phùng Quang Hiển - Phó trưởng Phòng Cảnh sát môi trường, CATP Hà Nội.

Rau sạch rởm "chui" siêu thị -  trách nhiệm thuộc về ai? ảnh 1

- Phóng viên: Ông có thể khái quát về nguồn cung rau sạch hiện nay tại Hà Nội? 

- Thượng tá Phùng Quang Hiển: Thành phố hiện có 184 cơ sở trồng rau sạch, đủ điều kiện an toàn thực phẩm (ATTP), trong đó nhiều nhất là ở huyện Đông Anh và Sóc Sơn. Tuy nhiên, con số này chưa đủ để đáp ứng nhu cầu sử dụng rau sạch của người dân Hà Nội. Vì vậy, nhiều cơ sở sau khi được cơ quan chức năng cấp giấy chứng nhận là cơ sở sản xuất rau sạch đã làm ăn theo kiểu chộp giật, mua gom rau không rõ nguồn gốc rồi tuồn vào siêu thị, cửa hàng bán lẻ. 

Để từng bước xử lý vấn đề này, lực lượng chức năng, trong đó có Sở NN&PTNT Hà Nội đã ký kết với Sở NN&PTNT 11 tỉnh, thành phố như Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Sơn La, Hòa Bình, Hải Dương, Bắc Ninh… đưa rau sạch, gia súc, gia cầm về Hà Nội tiêu thụ. Các địa phương trên đều có sự phối hợp chặt chẽ với Hà Nội trong quá trình đưa sản phẩm về Hà Nội cũng như hướng dẫn người dân nuôi, trồng đảm bảo từ nguồn giống đến khâu chăm sóc và tiêu thụ.

 - Trong quá trình kiểm tra các cơ sở, doanh nghiệp kinh doanh, sản xuất rau sạch, lực lượng chức năng có phát hiện vi phạm?

- Hầu hết các doanh nghiệp được cấp phép đều chấp hành, đảm bảo đúng quy định, tiêu chuẩn đề ra. Song vẫn còn một số đơn vị sản xuất, đóng gói, bao bì, bảo quản không đúng quy cách, trong đó có cả một số siêu thị bày bán hàng hóa mập mờ nhãn mác khiến người tiêu dùng khó phân biệt.

- Rau không rõ nguồn gốc được “phù phép” thành “rau sạch” bày bán trong siêu thị, cửa hàng bán lẻ thì trách nhiệm thuộc về ai?

- Trường hợp phát hiện rau, củ, quả không rõ nguồn gốc được đưa vào siêu thị, cửa hàng bán rau sạch thì đương nhiên trách nhiệm thuộc về các đơn vị sản xuất. Nếu các sản phẩm đó được gắn mác rau sạch bày bán trong các siêu thị, cửa hàng bán lẻ thì những đơn vị này cũng phải có trách nhiệm, vì họ trực tiếp bán cho người tiêu dùng. Đơn vị nhập hàng phải có bộ phận kiểm tra, kiểm định, lưu mẫu theo quy trình chứ không thể phó mặc cả cho nhà cung cấp. 

- Đã có thống kê nào về kết quả kiểm tra, phát hiện thực phẩm không an toàn tại các cơ sở sản xuất rau sạch trong thời gian qua chưa, thưa ông?

- Năm 2015, lực lượng liên ngành đã kiểm tra 42 mẫu nông lâm sản do các tỉnh đưa vào Hà Nội, qua đó phát hiện có 2 mẫu rau không đảm bảo, có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép. Liên ngành cũng kiểm tra 50 mẫu rau được trồng tại Hà Nội và phát hiện 21 mẫu có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng. Cũng trong năm 2015, lực lượng chức năng đã kiểm tra 2 đơn vị sản xuất kinh doanh rau, củ, quả sạch thì phát hiện rau của cả 2 đơn vị này đều không đảm bảo, qua đó xử phạt tổng cộng 34 triệu đồng.

- Người dân khi phát hiện dấu hiệu vi phạm có thể báo tin đến cơ quan nào?

- Người tiêu dùng khi phát hiện các cơ sở vi phạm có thể cung cấp thông tin tới Phòng Cảnh sát Môi trường - CATP Hà Nội qua số điện thoại: 043.8389229; hoặc gửi đơn thư tố giác tới địa chỉ: Phòng Cảnh sát Môi trường, đường số 2, Trung Yên 3, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội.