Rau quả “xé” quy hoạch

(ANTĐ) - Gần 2 tháng trở lại đây, nông dân Hà Nội và các tỉnh lân cận dở khóc dở cười vì rau quả được mùa. Ngay từ trước Tết, do ảnh hưởng của đợt lũ ngập, thị trường rau trở nên khan hiếm đắt đỏ. Nên sau khi nhận được hỗ trợ hạt giống, các địa phương đã đổ xô trồng rau để bán.

Rau quả “xé” quy hoạch

(ANTĐ) - Gần 2 tháng trở lại đây, nông dân Hà Nội và các tỉnh lân cận dở khóc dở cười vì rau quả được mùa. Ngay từ trước Tết, do ảnh hưởng của đợt lũ ngập, thị trường rau trở nên khan hiếm đắt đỏ. Nên sau khi nhận được hỗ trợ hạt giống, các địa phương đã đổ xô trồng rau để bán.

Cả những vùng chưa bao giờ trồng rau cũng được trồng. Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh..., người nông dân đổ xô trồng rau. Sau lũ, thời tiết thuận lợi, đất đai màu mỡ sâu bệnh lại ít khiến các loại rau phát triển rất nhanh. Chưa đầy 1 tháng sau, rau xanh đã tràn ngập các chợ Hà Nội, từ 20.000-30.000 đồng/bó rau muống, 15-20.000 đồng/kg rau cải... thì chỉ còn vài nghìn đồng đến vài trăm đồng một kilôgam tại các vùng trồng rau.

Ra Tết, tình trạng khủng hoảng thừa rau càng nghiêm trọng, đến thời điểm này, người dân ở hầu hết các vùng trồng rau đều phải phá bỏ rau để trồng cây khác bởi không thể tiêu thụ được.

Trong khi bà con nông dân các tỉnh đồng bằng sông Hồng điêu đứng vì rau không tiêu thụ được thì người trồng cam Hà Giang cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Cam sành Bắc Quang (Hà Giang) năm nay lại không tiêu thụ được, giá rẻ khiến người dân thà để cam thối còn hơn vận chuyển đi bán.

Theo Sở NN&PTNT Hà Giang, giá cam tại vườn hiện chưa tới 2.000 đồng/kg, do việc vận chuyển đi tiêu thụ gặp khó khăn, nên bà con đã bỏ thối cam rụng quanh gốc. Nhiều gia đình đã phải chặt bỏ vườn cam để chuyển đổi sang trồng cây khác.

Đây không phải lần đầu người trồng rau quả nước ta rơi vào thảm cảnh như trên. Vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang), nhãn lồng Hưng Yên, hồng không hạt Lục Yên (Yên Bái), na dai Chi Lăng (Lạng Sơn), dứa Đồng Giao (Ninh Bình), cam xã Đoài (Nghệ An)… cũng đã từng trong cảnh đổ bỏ. Trong khi đó, theo thống kê cả nước có 12 nhà máy chế biến hoa quả, 8 nhà máy ở miền Bắc chỉ hoạt động được 30% công suất.

Chưa có đơn vị, cơ quan hay địa phương nào có biện pháp khả thi để giúp bà con nông dân vào thời điểm này. Dù tình trạng này đã kéo dài và lặp đi lặp lại qua các năm như một điệp khúc “biết rồi khổ lắm nói mãi”. Không ai lên tiếng, và rau vẫn cứ phải phá bỏ, cam vẫn phải bỏ thối tại vườn. Mùa vải lại sắp đến, bà con trồng vải lại nơm nớp lo.

Cần nhất lúc này là các cơ quan quản lý cũng như địa phương có được một sự định hướng đúng đắn cho bà con trong mùa vụ tới. Đây cũng như một bài học cho các địa phương trong chuyện “xé” quy hoạch, trồng ồ ạt mà không tính toán đầu ra.

Ngân Tuyền