Rau không rõ nguồn gốc gắn mác “rau Đà Lạt”

(ANTĐ) - Rau có nguồn gốc từ Trung Quốc, hoặc không rõ nguồn gốc xuất xứ nhưng lại được chủ hàng, người buôn rau ở các chợ, siêu thị quảng cáo “rau Đà Lạt”... Đó là một tình trạng phổ biến vừa được đoàn Thanh tra liên ngành VSATTP thành phố Hà Nội phối hợp với Cục ATVSTP (Bộ Y tế) phát hiện ngày 22-11, khi kiểm tra.

Rau không rõ nguồn gốc gắn mác “rau Đà Lạt”

(ANTĐ) - Rau có nguồn gốc từ Trung Quốc, hoặc không rõ nguồn gốc xuất xứ nhưng lại được chủ hàng, người buôn rau ở các chợ, siêu thị quảng cáo “rau Đà Lạt”... Đó là một tình trạng phổ biến vừa được đoàn Thanh tra liên ngành VSATTP thành phố Hà Nội phối hợp với Cục ATVSTP (Bộ Y tế) phát hiện ngày 22-11, khi kiểm tra.

Kiểm tra chất lượng rau trên thị trường Hà Nội
Kiểm tra chất lượng rau trên thị trường Hà Nội

Chất lượng rau bị thả nổi

Khu vực kinh doanh rau tại chợ Hôm từ hơn một tuần trở lại đây hàng hóa bắt đầu trở lên phong phú, dồi dào hơn. Tại cửa hàng bán rau Lan Nhi (quầy số 4), từ các loại rau xanh cho đến củ, quả như: Cải bắp, súp lơ xanh, súp lơ trắng, đậu bắp… được bày bán với số lượng lớn. Chủ cửa hàng cho biết, giá cả đã dần đi vào ổn định, rau bắp cải: 12.000-15.000đ/kg, súp lơ xanh: 15.000đ/cái, cà rốt: 20.000đ/kg, nấm kim châm 15.000-20.000đ/lạng…

Về nguồn gốc, theo chủ hàng, tất cả các loại rau, củ, quả này đều có nguồn gốc từ Đà Lạt. Thế nhưng qua kiểm tra giấy tờ xuất, nhập hàng của cửa hàng này cho thấy, rau, củ, quả được nhập từ một cơ sở bán buôn khác có địa chỉ ở số 7, phố Hàng Khoai (quận Hoàn Kiếm) chứ không hề có hóa đơn nào chứng nhận việc nhập hàng từ Đà Lạt. Đoàn kiểm tra đã lấy một số rau, củ, quả của cửa hàng để xét nghiệm.

Đoàn kiểm tra lần theo địa chỉ tới số 7, phố Hàng Khoai. Đây là một cơ sở kinh doanh tư nhân chuyên kinh doanh các loại rau, củ, quả. Người bán hàng tại đây cho biết, sản phẩm rau, củ, quả của cửa hàng chủ yếu được nhập về từ Đà Lạt và nhập của Công ty TNHH Long Hải (Đông Triều - Quảng Ninh). Tuy nhiên, tại thời điểm kiểm tra, chủ cửa hàng không xuất trình được bất kỳ giấy tờ, hóa đơn nào chứng minh nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm.

Qua kiểm tra, đoàn còn phát hiện nhiều loại nấm như nấm kim châm, nấm Đông Cô được đóng gói, bao bì cẩn thận nhưng trên bao bì in toàn chữ Trung Quốc, không hề có nhãn phụ tiếng Việt. Sản phẩm cà chua bi được chủ cửa hàng giới thiệu là sản phẩm của Đà Lạt 100% nhưng toàn bộ bao bì, nhãn mác bên ngoài hộp toàn chữ Trung Quốc. Đặc biệt, một số loại nấm sò tím đóng gói không ghi ngày đóng gói trên bao bì sản phẩm...

Với những sai phạm đó, Đoàn kiểm tra đã quyết định lập biên bản tạm đình chỉ kinh doanh của cửa hàng, niêm phong toàn bộ số hàng trên đến khi nào cửa hàng xuất  trình được đầy đủ giấy tờ mới xem xét cho bán lại.

Chỉ quản lý “phần ngọn”

Theo ước tính hiện nay, trung bình mỗi ngày thị trường Hà Nội cần khoảng 1.400 tấn rau xanh, củ các loại. Tuy nhiên, nguồn rau trồng trong nước chỉ đáp ứng được khoảng 1.000 tấn/ngày. Đây là cơ hội để các loại rau có nguồn gốc từ Trung Quốc như cải bắp, khoai tây, cà rốt, cà chua, cải thảo... xâm nhập vào thị trường Hà Nội. Nếu như không quản lý tốt số rau củ nhập ngoại này thì sẽ rất nguy hiểm, bởi rau củ là mặt hàng thực phẩm có ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe người tiêu dùng.

Do đó, để kiểm soát chặt hơn thị trường rau, củ, quả Hà Nội, ông Nguyễn Công Khẩn - Cục trưởng Cục ATVSTP cho biết, bắt đầu từ ngày 21-11, Cục ATVSTP và Viện Dinh dưỡng đã tiến hành lấy mẫu toàn bộ các loại rau đang tiêu thụ tại các chợ đầu mối ở Hà Nội để làm các xét nghiệm chỉ tiêu chất lượng…

Trước đó, Bộ NN&PTNT cũng đã tiến hành lấy mẫu rau, củ, quả có xuất xứ từ Trung Quốc tại các cửa khẩu phía Bắc như tại cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn), Hà Khẩu (Lào Cai)… Dự kiến, kết quả xét nghiệm các mẫu này sẽ được công bố trong một vài ngày tới. Điều đáng nói là rau Trung Quốc nhập vào Việt Nam chủ yếu qua đường tiểu ngạch nên rất phức tạp và khó quản lý.

Thống kê tại cửa khẩu ở Lào Cai cho thấy, số khoai tây nhập khẩu vào nước ta với số lượng 3.320 tấn, bí ngô 707 tấn, bắp cải 1.302 tấn, súp lơ 143 tấn,… Tuy nhiên, tại các cửa khẩu của Lạng Sơn, lượng rau nhập khẩu chính ngạch có kiểm dịch tại đây chỉ vào khoảng 5-7 tấn mỗi ngày.

Ông Khẩn cho rằng, việc lấy mẫu rau để kiểm nghiệm chất lượng và tăng cường kiểm tra thị trường rau trong nước là việc làm cần thiết, nhưng đây chỉ là cách quản lý “phần ngọn”. Điều quan trọng là cần phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa liên Bộ gồm Bộ Y tế, Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT cùng với chính quyền địa phương để kiểm soát tận gốc nguồn rau nhập ngoại. Đồng thời phải xây dựng hệ thống giám sát chất lượng rau, đưa ra quy chuẩn rau vùng biên... Tới đây, liên Bộ sẽ nghiên cứu kỹ hơn về các vấn đề này.

Duy Tiến