Rau, hoa quả "vượt mặt" dầu thô xuất khẩu: Kỳ tích của nông nghiệp

ANTD.VN - Là một nước có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp, song năm 2017, lần đầu tiên xuất khẩu rau - củ - quả của Việt Nam mới để lại dấu ấn. Nông nghiệp sẽ còn hứa hẹn những kỳ tích mới cao hơn, khi ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất.

Trước các đại biểu Quốc hội tại phiên họp ngày 2-11, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng cho biết, GDP 9 tháng đầu năm 2017 đạt 6,41%, ước cả năm nay, GDP sẽ đạt 6,7%. Kết quả này có được nhờ tăng trưởng cao và khá đồng đều ở cả 3 khu vực, khu vực nông nghiệp, công nghiệp, xây dựng và khu vực dịch vụ. Đáng chú ý, trong 9 tháng đầu năm nay, khu vực nông nghiệp đã tăng tới 2,78%, tức là gấp hơn 4 lần so với cùng kỳ năm 2016. Xuất khẩu tăng mạnh, 10 tháng đạt 173 tỷ USD, gần bằng tổng xuất khẩu năm 2016. 

Rau, hoa quả "vượt mặt" dầu thô xuất khẩu: Kỳ tích của nông nghiệp ảnh 1Vượt qua những rào cản khắt khe, rau quả Việt Nam đã có mặt trong các siêu thị nước ngoài

Xuất khẩu nông sản vượt khoáng sản

 “Trong xuất khẩu, nhiều sản phẩm có kết quả rất đáng mừng như: rau quả tăng đến 42,7%, các thiết bị sản xuất máy tính tăng 38,8%, các máy móc, thiết bị, phụ tùng… Kết quả tăng trưởng đạt được không phải chỉ phụ thuộc vào một số ngành, lĩnh vực như Samsung hay một vài sản phẩm thép... mà nó tăng trưởng đồng đều ở tất cả các ngành, các lĩnh vực, các sản phẩm của nền kinh tế cả 3 khu vực và có đóng góp của các sản phẩm. Lần đầu tiên nền kinh tế của chúng ta tăng trưởng không phụ thuộc vào sự tăng trưởng của ngành khai khoáng”, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho hay.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), 9 tháng đầu năm nay, giá trị xuất khẩu hàng rau quả ước đạt 2,64 tỷ USD, tăng 44,2% so với cùng kỳ năm ngoái, đưa giá trị xuất khẩu rau quả trong 9 tháng qua đã vượt xa so với kỷ lục của cả năm 2016.

• 85% tổng giá trị xuất khẩu hàng rau quả là thị trường Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ và Hàn Quốc. 

• Top 9 thị trường nhập khẩu rau quả Việt Nam đều tăng trưởng mạnh: UAE (tăng 64,3%), Nhật Bản (63,23%), Trung Quốc (62,51%), Nga (42,03%), Mỹ (25,78%). 

• Những thị trường có mức tăng trưởng rất ấn tượng như: Hồng Kông (Trung Quốc) - (90,56%), Ukraine (50,61%), Pháp (38,93%), Lào (38,9%), Australia (22,76%)…

Tương tự, thống kê của Tổng cục Hải quan đến ngày 15-9 cũng cho thấy, giá trị xuất khẩu rau quả cả nước là 2,493 tỷ USD, vượt xa giá trị kỷ lục của năm ngoái. Trong quý II và quý III-2017, kim ngạch xuất khẩu rau quả mỗi tháng của Việt Nam đều đạt trên 300 triệu USD (trừ tháng 6-2017 đạt dưới 300 triệu USD). Đặc biệt, riêng tháng 5-2017, xuất khẩu rau quả của Việt Nam ghi kỷ lục mới từ trước tới nay, đạt trên 372 triệu USD. Với những tín hiệu khả quan trên, xuất khẩu quả năm 2017 được dự báo đem lại giá trị không dưới 3 tỷ USD.

Từ một mặt hàng có giá trị xuất khẩu khiêm tốn, rau quả dần vươn lên thành mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Năm 2016, lần đầu tiên, xuất khẩu rau quả vượt qua xuất khẩu gạo (2,4 tỷ USD so với 2,2 tỷ USD) - mặt hàng nằm trong “câu lạc bộ xuất khẩu tỷ đô” hàng chục năm nay. Những kỷ lục mới của xuất khẩu rau quả đã chứng minh phần nào Việt Nam có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp, khai thác các mặt hàng xuất khẩu một cách linh hoạt. Nông nghiệp Việt Nam đang làm giàu trên đất, thay vì công nghiệp khai khoáng, khai thác tài nguyên dưới lòng đất. 

Rau, hoa quả "vượt mặt" dầu thô xuất khẩu: Kỳ tích của nông nghiệp ảnh 2

“Năm 2016 xuất khẩu dầu thô đạt 2,4 tỷ USD, xuất khẩu rau, quả và hoa đạt 2,45 tỷ USD. Như vậy lần đầu tiên xuất khẩu rau quả, hoa lớn hơn xuất khẩu dầu thô. Có thể dự báo đến năm 2022, giá trị xuất khẩu của rau, quả và hoa sẽ đạt khoảng 9 -10 tỷ USD/năm, con số này còn cao hơn xuất khẩu dầu thô lúc tốt nhất”

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân phát biểu trước Quốc hội ngày 1-11-2017

Thị trường rộng mở, cơ hội xuất khẩu lớn

Bộ NN&PTNT cho biết, xuất khẩu rau quả năm nay tăng trưởng mạnh nhờ sự tăng trưởng tốt từ hầu hết các thị trường quan trọng nhất của Việt Nam. Hiện nay, các sản phẩm rau quả của Việt Nam đã có mặt tại gần 60 thị trường trên thế giới. Riêng các loại trái cây như: vải thiều, chôm chôm, thanh long, xoài, nhãn… của Việt Nam đã có mặt tại những thị trường khó tính như: Mỹ, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc… 

PGS. TS Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế quốc dân đánh giá: “Thời gian vừa qua chúng ta cũng đã chú trọng trong việc tiếp cận thị trường, xem những thị trường nào là thế mạnh của rau, trái cây; thị trường đó họ đặt ra yêu cầu nào về mặt tiêu chuẩn kỹ thuật, công nghệ, quá trình sản xuất... Chúng ta cũng đã định hướng cho người nông dân hình thành nên những vùng sản xuất theo tiêu chuẩn riêng, khi đã hình thành những vùng sản xuất như vậy thì sản phẩm làm ra sẽ dễ dàng được chấp nhận khi đưa vào thị trường quốc tế. Vì vậy, tốc tộ tăng trưởng của mặt hàng rau, quả và hoa sẽ tăng nhanh hơn trong thời gian tới”.

Thực tế cho thấy, từ đầu năm đến nay, nhiều loại rau quả của Việt Nam tiếp tục được cấp phép vào các thị trường khó tính. Gần đây nhất, ngày 24-8-2017, Australia đã công bố cho phép nhập khẩu trái thanh long của Việt Nam, mở ra cơ hội xuất khẩu lớn cho loại quả này. Hiện tại, Việt Nam là nước đầu tiên và duy nhất được cấp phép nhập khẩu thanh long tươi vào Australia sau 9 năm đàm phán. Trước đó, thị trường Australia cũng cho phép nhập trái vải và xoài. Sau đó, ngày 30-9, Thương vụ Việt Nam tại Australia đã phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam, Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Sydney và Hội Doanh nhân Việt Nam tại Australia tổ chức “Ngày thanh long Việt Nam tại Australia” nhằm quảng bá trái thanh long tươi của Việt Nam tại thị trường này. 

Theo Đại sứ Việt Nam tại Australia Ngô Hướng Nam, việc đưa được thanh long vào Australia có ý nghĩa rất lớn bởi đây là một trong những nước có điều kiện về an toàn sinh học và an toàn thực phẩm ngặt nghèo nhất trên thế giới. “Việc Việt Nam trở thành nước đầu tiên trên thế giới xuất khẩu được thanh long tươi vào Australia không những giúp ngành rau quả của Việt Nam tăng thị phần xuất khẩu vào thị trường Australia mà còn giúp thanh long Việt Nam khẳng định được chất lượng, từ đó có khả năng thúc đẩy xuất khẩu vào các thị trường phát triển khác có yêu cầu cao về an toàn vệ sinh thực phẩm và quản lý chất lượng”, Đại sứ Ngô Hướng Nam cho hay. Cũng theo Đại sứ này, sắp tới Việt Nam sẽ thúc đẩy để tiếp tục đưa các loại trái cây khác vào thị trường này như: nhãn, chanh leo và chôm chôm, trong đó ưu tiên trước mắt là nhãn, loại trái cây được trồng quanh năm cả ở miền Bắc và miền Nam Việt Nam.

Ngoài ra, từ đầu năm đến nay, Bộ Công Thương cũng tổ chức cho nhiều đoàn doanh nghiệp đi xúc tiến thương mại ở nước ngoài, đưa rau quả đặc sản của Việt Nam vào thị trường Thái Lan và các thị trường khác thông qua hệ thống siêu thị như: Big C, Mega Market… để người dân tiếp cận, lựa chọn.

“Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chưa hẳn là nông nghiệp thông minh, nhưng nông nghiệp thông minh thì chắc chắc phải ứng dụng công nghệ cao. Vậy, Việt Nam có cần tham gia nông nghiệp 4.0 hay không? Chúng ta thấy, nông nghiệp thông minh 4.0 là một quá trình tất yếu, chúng ta không thể bỏ lỡ chuyến tàu này được”. 

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ 

“Thời gian vừa qua chúng ta cũng đã chú trọng trong việc tiếp cận thị trường, xem những thị trường nào là thế mạnh của rau, trái cây; thị trường đó họ đặt ra yêu cầu nào về mặt tiêu chuẩn kỹ thuật, công nghệ, quá trình sản xuất... Chúng ta cũng đã định hướng cho người nông dân hình thành nên những vùng sản xuất theo tiêu chuẩn riêng, khi đã hình thành những vùng sản xuất như vậy thì sản phẩm làm ra sẽ dễ dàng được chấp nhận khi đưa vào thị trường quốc tế. Vì vậy, tốc tộ tăng trưởng của mặt hàng rau, quả và hoa sẽ tăng nhanh hơn trong thời gian tới”.

PGS. TS Hoàng Văn Cường (Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế quốc dân)

“Việc Việt Nam trở thành nước đầu tiên trên thế giới xuất khẩu được thanh long tươi vào Australia không những giúp ngành rau quả của Việt Nam tăng thị phần xuất khẩu vào thị trường Australia mà còn giúp thanh long Việt Nam khẳng định được chất lượng, từ đó có khả năng thúc đẩy xuất khẩu vào các thị trường phát triển khác có yêu cầu cao về an toàn vệ sinh thực phẩm và quản lý chất lượng”.

Ông Ngô Hướng Nam (Đại sứ Việt Nam tại Australia)

“Với người nông dân sản xuất nhỏ lẻ tuỳ thuộc từng nước khác nhau mà có cách tiếp cận cách mạng công nghiệp 4.0 khác nhau. Ở Việt Nam, rất nhiều nông dân đã nhạy cảm, bắt nhịp được với xu thế ứng dụng nhiều công nghệ vào nông nghiệp như: cảm biến, tự động điều chỉnh xử lý nhiệt độ. Nên việc ứng dụng nông nghiệp 4.0 là hoàn toàn có thể”.

Bà Nguyễn Thị Thủy (Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường, Bộ NN&PTNT)

Công nghệ thời 4.0: Tương lai cho nông nghiệp phát triển

Khi đâu đâu cũng nói tới cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, chắc hẳn không ít người nông dân và doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp cho rằng, cuộc cách mạng này chưa ảnh hưởng gì đến mình nên chưa cần lo lắng. Tuy nhiên, nếu cứ suy nghĩ theo lối mòn này, nông nghiệp Việt Nam sẽ khó đạt được kỳ tích mới, khi mà những ưu đãi của tự nhiên dần cạn kiệt, những người khác bắt kịp cuộc cách mạng này ngày càng giàu lên, nhưng số người còn lại ngày càng tụt hậu.

Tại Diễn đàn Nông nghiệp Việt Nam diễn ra trung tuần tháng 10-2017, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã lấy một ví dụ: “Năm 2012, tôi có dịp lên thăm một trang trại hoa ở Đà Lạt, dù chỉ có 1,7ha mà thu nhập tới hàng chục tỷ đồng/năm. Tôi tới thì thấy trên đồi toàn sỏi, họ trồng hoa trên các giá chứ không cần đất. Như vậy, đất đai trong thời kỳ nông nghiệp thông minh lại không cần thiết, quan trọng hơn là không khí và nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch”. 

Lãnh đạo Chính phủ cũng dẫn chứng trên thế giới, nông nghiệp 4.0 đã giúp nền nông nghiệp của nhiều quốc gia phát triển và đạt những thành tựu quan trọng. Tại Mỹ, Brazil, Argentina, nông nghiệp 4.0 đã giúp nước này giảm tới 50% giá thành sản xuất ngô và đỗ tương. Tại Nhật Bản, chỉ với 2 triệu dân làm nông nghiệp (chiếm 1,5%) trong tổng số 127 triệu dân, canh tác trên 1,5 triệu ha đất nông nghiệp nhưng không phải nhập khẩu gạo mà còn xuất khẩu thịt bò và một số rau quả.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh: “Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chưa hẳn là nông nghiệp thông minh, nhưng nông nghiệp thông minh thì chắc chắn phải ứng dụng công nghệ cao. Vậy, Việt Nam có cần tham gia nông nghiệp 4.0 hay không? Chúng ta thấy, nông nghiệp thông minh 4.0 là một quá trình tất yếu, chúng ta không thể bỏ lỡ chuyến tàu này được”. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng lưu ý, chúng ta tiếp cận nông nghiệp 4.0 một cách điềm tĩnh, lựa chọn khôn ngoan để đem lại hiệu quả, tránh nóng ruột, hình thức, làm theo phong trào.

Theo ông Nguyễn Công Thừa, Chủ nhiệm Hợp tác xã Anh Đào, trụ sở ở TP Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng), việc áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất đã đem lại hiệu quả kinh tế lớn hơn. Hợp tác xã này trồng rau quả VietGAP đang áp dụng công nghệ nhà kính, nhà lưới và áp dụng thiết bị tự động hóa vào tưới tiêu. Nhờ vậy, sản phẩm của hợp tác xã đưa được vào hệ thống siêu thị trên khắp cả nước với sản lượng khoảng 50.000 tấn/năm và cung ứng cho các thị trường xuất khẩu khoảng 4.000 tấn/năm. Doanh thu của hợp tác xã đạt hơn 10 triệu USD/năm.

Đánh giá cao vai trò của khoa học công nghệ trong nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, bà Nguyễn Thị Thủy, Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ NN&PTNT) khẳng định: “Với người nông dân sản xuất nhỏ lẻ, tuỳ thuộc từng nước khác nhau mà có cách tiếp cận cách mạng công nghiệp 4.0 khác nhau. Ở Việt Nam, rất nhiều nông dân đã nhạy cảm, bắt nhịp được với xu thế ứng dụng nhiều công nghệ vào nông nghiệp như: cảm biến, tự động điều chỉnh xử lý nhiệt độ. Nên việc ứng dụng nông nghiệp 4.0 là hoàn toàn có thể”.

Rau, quả vào nhóm tỷ đô vì đầu tư đúng hướng, đúng trọng điểm

Rau, hoa quả "vượt mặt" dầu thô xuất khẩu: Kỳ tích của nông nghiệp ảnh 3

Dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức bởi biến đổi khí hậu và hội nhập, nhưng nếu xác định được các mặt hàng thế mạnh để tập trung đầu tư, nông sản Việt hoàn toàn có thể vươn sức cạnh tranh được trên thị trường thế giới. Câu chuyện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững đã được Bộ NN&PTNT triển khai từ 4 năm nay. Từ năm 2017 tập trung vào 3 trục sản phẩm chính gồm: Nhóm sản phẩm chủ lực quốc gia có kim ngạch xuất khẩu từ 1 tỷ USD trở lên; Nhóm sản phẩm chủ lực cấp tỉnh, thành phố và nhóm sản phẩm chủ lực vùng, miền. Trên thực tế, việc xác định các trục sản phẩm chủ lực này để tập trung phát triển đã mang lại hiệu quả rõ rệt khi nhiều mặt hàng thế mạnh ngày càng khẳng định được vị thế. Đơn cử, Đồng bằng sông Cửu Long trước đây chú trọng ưu tiên phát triển theo thứ tự lúa gạo - thủy sản - trái cây, nay đã chuyển sang thứ tự thủy sản - trái cây - lúa gạo. 

Bên cạnh đó, trong khi các mặt hàng lúa gạo, cà phê, tiêu liên tục sa sút trong những năm gần đây thì rau quả lại vươn lên mạnh mẽ khi góp mặt vào nhóm mặt hàng xuất khẩu tỷ đô của Việt Nam nhờ được quy hoạch vùng trồng đạt chuẩn và xúc tiến mở rộng thị trường. 10 tháng năm 2017, xuất khẩu rau quả đạt 2,84 tỷ USD và được coi như một điểm sáng của toàn ngành nông nghiệp.

Điều đó cho thấy, nếu lựa chọn đúng hướng, đầu tư trọng tâm, trọng điểm sẽ đạt kết quả tốt. Với nhiều vùng nông nghiệp thế mạnh, mơ ước đưa Việt Nam trở thành bếp ăn của thế giới không phải quá xa vời như kỳ vọng của nhiều chuyên gia và tái cơ cấu toàn diện ngành chính là chìa khóa để hiện thực hóa giấc mơ. Tuy nhiên, nhìn lại, việc quy hoạch và xác định sản phẩm thế mạnh trong tái cơ cấu nông nghiệp ở nhiều địa phương vẫn còn nhiều điều đáng băn khoăn.

Thực tế, tình trạng quy hoạch “sách vở” vẫn còn phổ biến ở nhiều địa phương, trong đó có cả một số huyện ngoại thành Hà Nội. Địa phương nào cũng “vẽ” ra các vùng lúa hàng hóa, rau an toàn, vùng cây ăn quả, vùng chăn nuôi tập trung… mà không ưu tiên những cây, con chủ lực.

Chính điều này dẫn tới câu chuyện “được mùa mất giá” trở thành nỗi niềm đau đáu mà năm nào, người nông dân và ngành nông nghiệp cũng phải loay hoay tìm hướng giải quyết. Cả ngành nông nghiệp và các địa phương, để tìm được chìa khóa thích ứng, trụ vững và vươn lên trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng khốc liệt, nếu chúng ta không tính toán kỹ, lựa chọn sản phẩm mang tính thế mạnh để phát triển với giá thành phù hợp, có sức cạnh tranh về chất lượng thì sẽ không thể thắng được mà thua trên sân nhà.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường

Không tiếp cận nông nghiệp 4.0 theo kiểu phong trào hời hợt

Rau, hoa quả "vượt mặt" dầu thô xuất khẩu: Kỳ tích của nông nghiệp ảnh 4

Đối với cuộc cách mạng nông nghiệp 4.0, tôi cho rằng có một vấn đề Nhà nước và người sản xuất cần quan tâm, đó là tiếp cận như thế nào? Theo tôi phải có 3 điều kiện cần và 1 điều kiện đủ. Về 3 điều kiện cần: 

- Thứ nhất, là cần có hành làng pháp lý phục vụ cho người sản xuất chứ không phải dành cho người quản lý và hàng lang pháp lý này phải minh bạch và dễ dàng tiếp cận.

- Thứ hai, là cơ sở hạ tầng phải tương thích với trình độ người sản xuất.

- Thứ ba, cơ sở dữ liệu phù hợp với ngành hàng và thị trường. 

Điều kiện đủ quyết định thành công là người sản xuất và doanh nghiệp phải dũng cảm và tâm huyết với nông nghiệp. Sở dĩ, như chúng ta đã biết làm nông nghiệp nhiều rủi ro, nên các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp phải có bản lĩnh.

Theo tôi, chúng ta không nên tiếp cận kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp công nghệ cao 4.0 của các nước theo kiểu phong trào hời hợt. Cũng không nhất thiết phải áp dụng tất cả các công nghệ của cách mạng nông nghiệp 4.0 này, mà cần phải hài hòa và phù hợp với đặc thù riêng của nước mình. Bên cạnh đó, khi làm nông nghiệp công nghệ cao 4.0, chúng ta cũng cần xác định 3 điều, đó là sản xuất ngành hàng gì, thị trường tiêu thụ, có đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế hay không?

GS. TS Nguyễn Văn Bộ (Nguyên Viện trưởng Viện Nông nghiệp Việt Nam)